Câu chuyện một bạn trẻ chỉ lo soạn tin nhắn chúc mừng bạn bè, đối
tác mà quên chúc bố mẹ trên diễn đàn truongton.net đã thu hút sự quan
tâm, bàn tán của cư dân mạng.
Bố mẹ cũng cần những tin nhắn, lời chúc từ con - Ảnh: Shutterstock |
Chuyện do thành viên phong_le kể lại. Trong dịp gặp mặt bạn bè ngày cuối năm, thấy người bạn chỉ chăm chú vào điện thoại, soạn tin nhắn liên hồi nên hỏi thăm thì bạn bảo: “Soạn sẵn tin nhắn để chúc bạn bè, đồng nghiệp nhân dịp năm mới”. “Thế có tin nhắn nào trong đó để gửi chúc bố mẹ không?”, người bạn vẫn dán mắt vào điện thoại, lắc đầu và trả lời gọn lỏn: “Không”. “Khi mình hỏi thêm sao chúc bạn bè mà không chúc bố mẹ, người bạn chỉ im lặng”, phong_le kể.
Chuyện không của riêng ai
Ngay sau khi câu chuyện được đăng tải, rất nhiều người đã tham gia bàn luận. Theo thành viên cuong205a thì đây không là chuyện của riêng ai, mà có rất nhiều người cũng đang “quên chúc bố mẹ”. Câu hỏi: “Sao chúc bạn bè mà không chúc bố mẹ?” tiếp tục được dân mạng sử dụng làm status (dòng trạng thái) đăng trên các trang cá nhân ở các mạng xã hội Facebook, Zing Me. Mỗi dòng trạng thái này luôn thu hút nhiều bình luận. Nhiều người bỗng giật mình: “Tự dưng nhột vì mình cũng vậy, Tết dương lịch vừa rồi chẳng chúc mừng bố mẹ”, “Cảm thấy hổ thẹn thật, nếu không thấy câu hỏi này mình cũng quên là bấy lâu nay, hàng chục năm nay, chưa khi nào chúc bố mẹ cả”… Với trang Facebook có hơn 105.000 lượt theo dõi, thành viên Lâm Nguyễn đã khảo sát: “Ai chưa từng chúc bố mẹ trong những ngày đặc biệt?”. Gần 200 bình luận, đa số đều thừa nhận “chưa một lần”. Và chẳng phải riêng dịp năm mới, mà dịp như kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật… của bố mẹ như cũng chẳng bao giờ có một cuộc gọi hay một tin nhắn chúc mừng. Trên diễn đàn truongton.net, thành viên Huỳnh Hoa cho biết đã có hai con lớn, người học đại học, người đi làm. Vào những ngày lễ tết chỉ toàn nhận được tin nhắn chúc mừng của đồng nghiệp, bạn bè, nhân viên cùng cơ quan. Ao ước một lần nhận được tin chúc mừng của con vẫn cứ mãi xa vời.
Đừng vô tâm với đấng sinh thành
“Sao chúc bạn bè mà không chúc bố mẹ?”, rất nhiều lý do đã được đưa ra. Thành viên Vy Ny cho rằng: “Lớn rồi, tự nhiên chúc mừng thấy… sến quá”. Còn thành viên Quyên Nguyễn thì bảo: “Vì không quen, thấy ngại, thấy kỳ kỳ”... Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, câu chuyện “chúc bạn bè mà không chúc bố mẹ” là có thật hiện nay. Ông lý giải: “Tâm lý của con người thường diễn ra theo hướng: những gì gần gũi nhất với mình người ta thường cảm thấy bình thường. Sự bình thường ấy làm cho người ta mặc nhiên là mình đáng có, xứng đáng được và không cần thiết phải quá quan tâm. Ngoài ra, con người thường có xu hướng hướng ra bên ngoài, quan tâm nhiều hơn đến những quan hệ xã hội. Nhiều người trẻ cứ nghĩ bố mẹ mình không quá cần những lời nói ngọt ngào, mặc định không nhất thiết phải khéo léo với bố mẹ mình. Trong khi đó những lời chúc hay những tin nhắn, thật ra bố mẹ cũng rất cần”.
Cũng theo ông Sơn, khi con cái bớt quan tâm bố mẹ thì dần dần sẽ tạo nên những khoảng cách ngày càng lớn, bớt gắn bó. Mối quan hệ này sẽ thiếu những chất keo gắn kết và đến một lúc nào đó, người con dễ trở nên hờ hững và thậm chí dần vô tâm trước những đấng sinh thành. Giữa bố mẹ và con cái còn cái nghĩa nhiều hơn là tình cảm sâu sắc và chân thành. Mà lẽ ra, cả hai thứ này đều thực sự rất cần trong cuộc sống của một gia đình. Chưa kể làm cho sự ảnh hưởng của nhau từ hai phía cũng bớt dần sự gắn kết và mối quan hệ chỉ dừng lại có quan tâm chứ không thực chất. Ông Sơn khuyên: “Những lời chúc, những câu chúc hay những tin nhắn dành cho bố mẹ vào dịp đặc biệt là rất cần thiết. Đó thực sự là tình thương và trách nhiệm. Đừng xem những gì gần gũi nhất là điều bình dị, vì đến một lúc nào đó, sẽ chẳng bao giờ bạn có cơ hội nói lời yêu thương”.
Bình luận (0)