Có một câu ca dao về đặt sản Hà thành thế này: “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”. Trong đó có một thứ không hẳn là món ăn mà chỉ dùng để ăn kèm với rất nhiều món khác. Đó chính là húng Láng.
Ngày nhỏ, khi còn ở quê, nghe người ta gọi húng Láng, tôi cứ ngỡ chỉ là một cái tên cây cỏ bình thường thôi. Sau này mới biết sở dĩ gọi như vậy vì xuất xứ của nó là từ làng Láng, nơi có truyền thống trồng rau gia vị lâu đời nhất ở Hà Nội.
Cây húng Láng thân mềm, có màu đỏ tía, lá xanh, hơi sần. Rau có mùi thơm nhưng rất nhẹ, không nồng nàn như húng quế, không hăng hắc như húng bạc hà.
Theo những người dân nơi đây nói: cây húng Láng thơm ngon nhất khi trồng ở đất Láng. Còn khi đem trồng ở nơi khác, tuy vẫn tươi xanh nhưng hương vị đã có nhiều sự thay đổi. Tôi không biết điều ấy có đúng hay không nhưng tôi đọc được niềm tự hào về quê hương của họ trong những lời nói đó.
Húng Láng cùng với xà lách, rau mùi có thể ăn kèm với món phở, bún chả, bánh cuốn, canh cá chua… Ngắt một cọng rau đưa lên đã thấy thoảng hương như hoa, cắn cho vị tinh dầu tan ra tê tê đầu lưỡi. Khác với rau húng bạc hà, vị tê này nhẹ thôi, nếu ta ăn uống theo kiểu phàm phu tục tử sẽ không dễ dàng nhận thấy.
Ngày tôi mới lên Hà Nội để ôn thi, đi xe đạp từ Cầu Giấy sang Trường đại học Tổng hợp là trọn vẹn con đường Láng. Thuở đó, đường chưa mở rộng. Một bên là sông Tô Lịch với hàng xà cừ cổ thụ xanh mát. Phía bên kia là những thửa ruộng trồng rau thơm nối liền nhau rộng mênh mông.
Thấp thoáng ở đó bóng những người nông dân đang miệt mài bắt sâu nhổ cỏ. Gọi là “rau thơm” cũng chẳng sai, cứ chạm vào là mùi hương bay lên. Tôi đạp xe qua mà cứ ngỡ như mình cũng đang được thơm lây vậy.
Rồi quá trình đô thị hoá lướt qua như một cây bút xoá làm biến mất nhiều làng nghề chứ không riêng gì làng trồng rau gia vị. Láng bây giờ là những sân bóng chuyền, là chợ búa, nhà nghỉ, nhà hàng và những dãy phòng trọ cho thuê. Những khoảng đất mênh mông trồng húng xưa kia cứ thu hẹp lại dần và nay chỉ còn đâu đó trong mảnh vườn con con của những ông già, bà cả nặng lòng hoài cổ.
Chính vì lẽ đó, bây giờ đến Hà Nội, khách phương xa cũng hiếm khi còn được thưởng thức món rau thơm chính gốc làng Láng. Nhưng loài rau đó vẫn tồn tại, vẫn có mặt trong rất nhiều bữa ăn của người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng. Và cái tên húng Láng cũng sẽ tồn tại mãi như một niềm nỗi thân thương để ghi dấu mảnh đất này đã từng có một làng nghề.
Chỗ tôi làm việc hiện tại là một ki ốt nhỏ trong chợ Láng Hạ A. Ngôi chợ này cũng nằm trên những nền ruộng trồng rau ngày trước. Tuy không phải người dân làng Láng nhưng đôi lúc tôi cũng thấy bàn chân mình chững lại như thể đang ngập ngừng bước lên những mảnh hồn rau.
|
Bình luận (0)