Hùng vĩ Hải Vân quan

04/06/2017 14:02 GMT+7

Sừng sững trên dãy núi cao vút và hùng vĩ, đỉnh Hải Vân quan là cụm di tích có vị trí lý tưởng cho du lịch.

Một bên là tỉnh Thừa Thiên- Huế thơ mộng, còn phía bên kia có thể thỏa thích phóng tầm mắt bao la hướng về Đà Nẵng.
Sau khoảng thời gian dài bị “bỏ rơi”, ngày 24.5 vừa qua, Hải Vân quan đã chính thức được Bộ VH-TT-DL trao bằng xếp hạng di tích lịch sử - kiếntrúc nghệ thuật cấp quốc gia và đang lên kế hoạch trùng tu để phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch.
Từ xa xưa Hải Vân đã được mệnh danh là vùng núi hiểm trở nhất nước Nam. Điều này được ghi nhận trong sách sử ở lời nhận xét của cụ Dương Văn An đời Mạc về sự hùng vĩ của dãy núi nối liền 2 xứ Thuận Hóa - Quảng Nam này: “Núi ở cửa ải Hải Vân, huyện Tư Vinh. Chân sát lợi bể, ngọn ngất từng mây, núi chia hai đường nam bắc, mây đưa những khách đi về.
Chính là giới hạn chia hai tỉnh Thuận Hóa và Quảng Nam, rất là bao la hiểm hóc. Từ địa phận Thuận Hóa, theo đường đi bộ ước hơn một ngày thì đến địa phận Quảng Nam. Thực là một nơi xung yếu lớn của hai hạt, ở đó có lập đồn ải để canh phòng”. Còn chúa Nguyễn Phúc Chu thì có bài thơ vịnh, tạm dịch: “Núi này hiểm nhất Việt Nam ta/ Hình thế như đường Thục khó qua/ Chỉ thấy mây dăng ba đỉnh ngất/ Biết người ở mấy lớp trời xa”.
Hùng vĩ Hải Vân quan 1
Ảnh: Shutterstock
Đến thế kỷ 19, thời Phú Xuân - Huế trở thành thủ phủ của cả nước, vị trí núi Hải Vân trở thành cửa ngõ vào vùng đất kinh kỳ nên vua Minh Mạng cho xây dựng một cửa quan ở đỉnh núi. Tại cửa quan đó phía trước khắc 3 chữ Hải Vân quan, phía sau khắc dòng chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Công trình được nhân dân quanh vùng hợp sức xây dựng và tồn tại mãi cho đến nay.
Từ đó Hải Vân quan như một cụm di tích lịch sử về kiến trúc quân sự thời phong kiến nằm trên đỉnh núi Hải Vân. Toàn bộ di tích có độ cao 490 m so với mực nước biển, cụm bố phòng quân sự lịch sử này có nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, pháo đài thần công, nhà kho… Không chỉ là di tích lịch sử, Hải Vân quan còn là một đài ngắm cảnh nổi tiếng khi từ trên cao sẽ nhìn thấy trọn vẹn vùng biển và thành phố non nước hữu tình Đà Nẵng.
Để đến được với Hải Vân quan, du khách phải vượt qua những cung đường núi rừng hoang sơ với những khúc cua tay áo dài hơn 10 km. Cung đường tạo cho du khách một cảm giác rất lý thú khi càng đi lên không khí càng lạnh và trôi lạc vào trong sương mù với những ngọn núi liên tiếp xen nhau, trời cao chót vót như đến chín tầng mây, bên dưới là bờ biển chạy vòng quanh uốn khúc…
Hùng vĩ Hải Vân quan 2
Vượt qua những cung đường đèo đẹp như mơ và hoang sơ, Hải Vân quan hiện ra trước mắt du khách là vọng ngắm cảnh có một không hai có thể nhìn thấy TP.Đà Nẵng hiện đại và bán đảo Sơn Trà hoang sơ.
Nhìn về phía bên kia là bãi biển Lăng Cô thơ mộng trải dài trên bờ cát trắng xóa. Ngay dưới chân du khách là quang cảnh rừng núi xanh bao la bát ngát như một dải lụa màu xanh tung bay ra biển cả.
Dọc theo bậc tam cấp bước lên đỉnh di tích là những công trình được xây dựng từ thời phong kiến như pháo đài hay hệ thống lô cốt, đặc biệt là dòng chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan được khắc ghi tráng lệ, nơi được xem là cánh cửa bước vào với cảnh tượng hoang sơ nhưng ẩn trong đó một vẻ đẹp kỳ bí của lối kiến trúc xưa cổ kính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.