Hùng Vương Nguyên Lưu Khảo: Từ Lạc vương đến Hùng vương: Khẳng định nguồn gốc dân tộc

11/04/2022 06:35 GMT+7

Xuất phát từ ghi chép của Giao Châu ngoại vực ký về nguồn gốc thành huyện Bình Đạo (tức thành Cổ Loa), nếu là một sử gia thế kỷ 6, chúng ta phải thừa nhận về tình trạng tản quyền ở đất Giao Chỉ “trước khi có quận huyện” với các Lạc vương, Lạc hầu.

Thục vương tử (con vua Thục) đóng vai trò là người thống nhất đất nước bằng việc tiêu diệt các Lạc vương, Lạc hầu và thu phục các Lạc tướng địa phương. Nhận định này là phù hợp với tình hình phân chia các trung tâm kinh tế, văn hóa của văn hóa Đông Sơn ở nước ta, đồng thời phù hợp với sự tồn tại của thành Cổ Loa. Có thể xem đó là ký ức cộng đồng còn rơi rớt, cuối cùng được học giả Trung Hoa vô tình ghi chép lại. Nhưng quan niệm về Lạc vương không phải là quan niệm duy nhất được lưu hành vào thời điểm ấy. Song song với câu chuyện Lạc vương còn có một câu chuyện khác, với vỏ bọc ngôn từ về cơ bản là giống, nhưng lại mang một diễn ngôn có nhiều khác biệt.

Hình thuyền trên trống đồng Ngọc Lũ - một kiệt tác của thời kỳ đầu dựng nước

TƯ LIỆU

Từ Lạc vương đến Hùng vương

Vào khoảng thế kỷ 5 - 6, Thẩm Hoài Viễn biên soạn Nam Việt chí cũng có nói về gốc tích tòa thành ở huyện Bình Đạo. Nguyên bản sách ấy không còn, nhưng lời thuật về nó còn được trích lại trong Cựu Đường thư thời Hậu Tấn cũng như Thái bình quảng ký thời Tống. Cựu Đường thư nói rằng: “Nam Việt chí nói đất Giao Chỉ rất màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng vương, giúp việc là Hùng hầu. Về sau Thục vương đem 3 vạn quân đánh tiêu diệt Hùng vương. Vua Thục cho con làm vua là An Dương vương cai trị Giao Chỉ. Nước này có thành nay ở phía đông huyện Bình Đạo, thành có 9 vòng, chu vi 9 dặm”.

Bởi vì chữ Lạc 雒 và chữ Hùng 雄 là khá giống nhau, cho nên học giả Đào Duy Anh xem Hùng vương chỉ là một kiểu chép sai của Lạc vương. Tuy nhiên đoạn dẫn của Thái bình quảng ký còn có một chi tiết quan trọng: “Giao Chỉ đất đai rất tươi tốt. Di dân đến đó, rồi mới biết trồng cấy. Đất đen xốp màu mỡ, khí đất hùng mạnh. Vì vậy ruộng đất ấy gọi là hùng điền, dân ấy là hùng dân. Có các bậc quân trưởng cũng gọi là các hùng vương; còn các phụ tá thì gọi là hùng hầu. Đất đó được phân chia ra mà có các hùng tướng”.

Nhà nghiên cứu Lê Minh Khải chỉ ra rằng Hùng vương không phải là một lỗi sao chép mà có nguyên nhân sâu xa. Đó là bởi khí đất hùng mạnh nên ruộng mới gọi là Hùng điền, từ đó dẫn theo các danh xưng Hùng dân, Hùng vương, Hùng hầu, Hùng tướng.

Điểm khác biệt thứ hai là nếu Giao Châu ngoại vực ký dường như mô tả một hệ thống tản quyền thì Thẩm Hoài Viễn nói đến Hùng vương như một chính quyền thống nhất. Nhiều nhà nghiên cứu liên tưởng chữ Hùng với chữ Khun, nghĩa là thủ lĩnh. Theo Trần Quốc Vượng, Hùng vương tương ứng với Pò Khun, nghĩa là “thủ lĩnh mạnh nhất”. Đến cuối thời thuộc Đường, Tăng Cổn biên soạn Giao Châu ký đã nói lên mối liên hệ hôn nhân giữa Hùng vương và thánh Tản Viên (tức Sơn Tinh). Tản Viên là một vị thánh quan trọng trong tín ngưỡng Việt Nam, là một trong Tứ bất tử. Các câu chuyện được biên soạn về thời thuộc Đường mô tả câu chuyện Cao Biền dùng phép trấn yểm phá hủy linh khí của nước Nam và tiêu diệt các vị thần bảo hộ phương Nam. Khi Cao Biền lập đàn trấn yểm mình, thánh Tản Viên đã hiện ra trên đàn và nhổ nước bọt vào đó. Đó là một chiến thắng tinh thần mang tính khích lệ, đánh dấu thời kỳ Bắc thuộc sắp sửa kết thúc.

Chiếc bình dưới sàn bắn cung có hình dáng tương tự bình đồng tìm được ở mộ “tộc” Việt Khê (một trong các “tộc” thời Hùng vương)

Hùng vương trong tâm thức sử gia thời Trần

Mặc dù xuất hiện và lưu truyền trong dân gian từ rất sớm, Hùng vương vẫn chưa được các chính quyền quân chủ phong kiến giai đoạn đầu đề cao đúng mức. Lê Văn Hưu nhận lệnh biên soạn Đại Việt sử ký trong giai đoạn giữa cuộc xâm lược lần thứ nhất và lần thứ hai của người Mông Cổ, nhưng bộ sử đó chỉ bắt đầu từ thời Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng. Theo Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, trong niên hiệu Trùng Hưng, nhà Trần chí ít đã ba lần sắc phong cho Tản Viên, nhưng không đả động gì đến Hùng vương. Một học giả khác Lê Tắc biết rõ câu chuyện Lạc vương, An Dương vương, Triệu Đà. Nhưng khi biên soạn An Nam chí lược, Lê Tắc không hề nhắc đến trong phần Tổng tự vốn được viết như một đoạn lược sử nước ta. Lê Tắc cũng mở đầu phần sách về các dòng họ cai trị nước ta bằng thiên Triệu thế gia. Lịch sử về Lạc vương và An Dương vương chỉ được chú thích cho mục Việt Vương thành trong phần Cổ tích.

Thiếu sót này được bù bổ vào cuối thế kỷ 14 bởi hai nỗ lực riêng biệt. Một học giả khuyết danh trên cơ sở Đại Việt sử ký và một số nguồn tư liệu độc lập khác đã biên soạn ra bộ sách Đại Việt sử lược. Lần đầu tiên Hùng vương xuất hiện và khẳng định tính độc lập của mình với các triều đại phong kiến phương Bắc. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.