Hướng dẫn học ngành du lịch đón đầu xu hướng

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
22/02/2023 07:30 GMT+7

Các trường xây dựng nhiều chuyên ngành dịch vụ - du lịch nhằm đáp ứng các xu hướng mới hiện nay. Thí sinh nên lựa chọn thế nào và cần những tố chất gì để có thể làm việc tốt trong khối ngành này?

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành du lịch - dịch vụ" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 21.2, được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên, đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho thí sinh đam mê lĩnh vực du lịch.

XUẤT HIỆN NHIỀU XU HƯỚNG DU LỊCH MỚI

Tại buổi tư vấn, tiến sĩ Võ Sáng Xuân Lan, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Thái Bình Dương, cho biết sau đại dịch Covid-19, trên thế giới đã xuất hiện nhiều xu hướng du lịch mới như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch theo nhóm nhỏ… Còn thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nhận định trước đây khách đi du lịch là để tham quan, tìm hiểu; còn hiện nay đi du lịch còn gắn với tâm linh, du lịch chữa lành, du lịch sức khỏe… Nguyên nhân là vì biến cố dịch Covid-19 đã làm con người có nhu cầu đi để hưởng thụ, để giải tỏa tâm lý…

Hướng dẫn học ngành du lịch đón đầu xu hướng - Ảnh 1.

Chuyên gia từ các trường ĐH, CĐ hướng dẫn, tư vấn thí sinh lựa chọn ngành học phù hợp khối ngành dịch vụ - du lịch

NGỌC LONG

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho hay hiện tại du lịch có 4 mã ngành đào tạo gồm du lịch, quản trị dịch vụ du lịch lữ lành, quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ nhà hàng ăn uống. Tuy nhiên, do lĩnh vực này có tính chuyên môn hóa rất cao nên các trường đi theo hướng đào tạo chuyên ngành. Và để đáp ứng nhu cầu thực tế, nhiều trường cũng đã xây dựng rất nhiều chuyên ngành như văn hóa du lịch, quản trị sự kiện giải trí, du lịch số, du lịch thông minh…

Hướng dẫn học ngành du lịch đón đầu xu hướng - Ảnh 2.

Nhu cầu nhân lực ngành dịch vụ-du lịch tăng cao sau đại dịch Covid-19

G.H


NHU CẦU LỚN VÀ ĐẦY SỨC HÚT

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn, cho biết du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tại VN và là lĩnh vực phục hồi nhanh nhất sau đại dịch Covid-19. "Trong năm qua, lượng khách nội địa và quốc tế đều tăng. VN có mức tăng trưởng du lịch 75%, xếp thứ 4 về các nước có mức tăng trưởng du lịch cao nhất trên thế giới. Vì thế, đây là ngành học đang có nhu cầu nhân lực rất lớn", thạc sĩ Quỳnh Xuân thông tin.

Thạc sĩ Hồ Thanh Trúc, Phó trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Tài chính -Marketing, đưa ra những con số: "Hằng năm, nhu cầu trong ngành dịch vụ, du lịch cần khoảng 4.000 nhân sự, nhưng các trường hiện mới chỉ đáp ứng được một nửa. Các cơ sở du lịch, nhà hàng, khách sạn cho biết họ mong muốn các trường cung cấp nhân lực nhiều hơn, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, có trình độ ngoại ngữ, thái độ, kỹ năng giao tiếp tốt".

Thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm Tuyết, Phó trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Hiến, cũng đánh giá du lịch VN đang thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. "Sự kết hợp giữa các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp là rất cần thiết. Hằng tuần chúng tôi nhận được thông tin tuyển dụng nhân sự phục vụ cho các trung tâm hội nghị, tiệc cưới, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng… từ thực tập sinh cho đến nhân viên làm việc toàn thời gian", thạc sĩ Diễm Tuyết chia sẻ.

Chính vì nhu cầu lớn nên đây cũng là một lĩnh vực đầy sức hút đối với thí sinh trong nhiều năm qua, dù dịch Covid-19 đã gây những ảnh hưởng không tốt. Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, khẳng định bạn trẻ gen Z luôn bị hấp dẫn bởi các ngành du lịch, lý do họ luôn đam mê dịch chuyển và khám phá. Thực tế số liệu từ Bộ GD-ĐT cho thấy du lịch vẫn là một trong 3 khối ngành có tỷ lệ thí sinh theo học đông nhất.

TỐ CHẤT NÀO ĐỂ HỌC VÀ LÀM TỐT NGÀNH DU LỊCH ?

Mặc dù vậy, theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, không phải ai cũng phù hợp để học ngành du lịch. "Các em cần hiểu rõ mê đi du lịch khác với mê làm du lịch. Không phải cứ thích dịch chuyển, mê đi du lịch là có thể học tốt ngành du lịch, vì tâm thế hoàn toàn khác nhau. Các em cần phải có sự xông pha, có nhiều ý tưởng sáng tạo, có sức khỏe. Đây là một trong những ngành mà bạn trẻ muốn theo đuổi phải chấp nhận hy sinh thời gian nghỉ ngơi của mình. Bên cạnh đó, phải có nền tảng kiến thức cực kỳ vững chắc về lịch sử, văn hóa", thạc sĩ Tư nhận định.

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân bổ sung: "Các em phải có tính quảng giao, thích giao tiếp, thích đi nhiều nơi, nhưng quan trọng nhất vẫn là thái độ sẵn sàng phục vụ khách, luôn nở nụ cười trên môi, thông minh trong cách xử lý tình huống, kiên nhẫn với khách, thói quen chỉn chu, đúng giờ".

"Không đủ yêu sẽ rất khó" là lưu ý của thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy, giảng viên bộ môn Du lịch Trường ĐH Mở TP.HCM, dành cho thí sinh chọn ngành du lịch. "Nghề này là đi phục vụ khách chứ không phải đi ngắm cảnh hay đi hưởng thụ. Vì thế ngay từ đầu các em phải tìm hiểu kỹ đặc trưng của mỗi ngành nghề trong khối du lịch, sau đó xem mình có thích không, yêu không".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.