Hướng đến môi trường làm việc an toàn, hạnh phúc

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
05/02/2023 15:04 GMT+7

Ngoài tiền lương, thưởng, phúc lợi…, năm 2023, người lao động có xu hướng thay đổi, bắt đầu quan tâm hơn, kỳ vọng đến một môi trường làm việc an toàn, hạnh phúc, ổn định.

Người lao động là tài sản rất quý giá

Ông Nguyễn Nam Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lam (TP.Thủ Đức, TP.HCM, chuyên thiết kế thi công bảo dưỡng cảnh quan cây xanh, hệ thống tưới tự động), cho hay công ty có gần 500 người lao động (NLĐ) và ông luôn quan niệm họ chính là tài sản rất quý giá của đơn vị. Vì vậy, việc chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của công ty.

Hướng đến môi trường làm việc an toàn, hạnh phúc - Ảnh 1.

Người lao động kỳ vọng vào chính sách lương, thưởng và môi trường làm việc an toàn, hạnh phúc

NHẬT THỊNH

Hiện mức lương trung bình NLĐ của công ty từ 7 - 8 triệu đồng/tháng và lên tới 20 triệu đồng/tháng với người có thâm niên. Theo ông Nguyễn Nam Anh, ngoài các chế độ về phụ cấp, bảo hiểm, phúc lợi xã hội khác và các hoạt động văn hóa - giải trí…, công ty còn xây dựng các quỹ thiện nguyện để hỗ trợ công nhân viên khó khăn bị ốm đau bệnh tật, quỹ hỗ trợ có hoàn lại cho công nhân có nhu cầu vay mượn khẩn cấp và hiện xây dựng một quỹ nữa để hỗ trợ công nhân khó khăn xây nhà, sửa chữa nhà cửa. Trong năm 2023, đơn vị sẽ xây dựng chính sách, chiến lược mới để nâng cao các chính sách về đãi ngộ nhân lực. Trong đó, nếu áp dụng theo mô hình tháp nhu cầu của Maslow, hiện công ty hướng đến nhu cầu tài chính, an toàn lao động cho NLĐ. Các hoạt động, kế hoạch cho NLĐ hướng đến một mục tiêu tạo môi trường làm việc hạnh phúc cho NLĐ, mà ở đó, NLĐ luôn thấy được sự kết nối, tiếp cận thông tin và không có sự cách biệt nào.

Chính sách trao quyền tăng lương cho người lao động

Chị L.H.T, công tác ở bộ phận vận hành của một công ty thuộc lĩnh vực nền tảng công nghệ đặt dịch vụ ăn uống cho doanh nghiệp tại TP.HCM, chia sẻ công ty đang áp dụng chính sách trao quyền nâng lương cho NLĐ. Cụ thể, ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, khi có đủ cơ sở, cả quản lý và nhân viên đều có quyền thông báo muốn đánh giá hiệu suất và thay đổi mức lương. Điều này giúp đánh giá hiệu suất và việc cập nhật lương được xử lý đều đặn, có tính chu kỳ. Qua đó, đảm bảo không bỏ sót việc tăng lương cho những cá nhân chưa đủ tự tin hoặc chưa đủ kinh nghiệm để nhận thấy hay đề xuất rằng mình đang xứng đáng nhận hưởng một mức lương mới.

TP.HCM có khoảng 4,8 triệu NLĐ và điều đặc biệt là sắp tới đây, thị trường lao động sẽ chứng kiến một thế hệ lao động mới - lao động gen Z. Dưới góc nhìn của nhiều lao động trẻ, yếu tố môi trường còn quan trọng hơn nhiều so với lương bổng.

Từng làm việc ở nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin - truyền thông tại TP.HCM, chị Phạm Thị Mộng Mơ (24 tuổi) cho biết, bên cạnh vấn đề về lương thưởng, để NLĐ gắn bó với công ty thì có thể đánh giá cụ thể ở các khía cạnh nội dung công việc, con người - môi trường làm việc. Quan trọng là môi trường làm việc cởi mở, an toàn và ở đó mỗi người luôn được tôn trọng, học hỏi, nỗ lực để khẳng định giá trị bản thân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.