Trong quan hệ lao động, người ta thường biết đến hai loại đãi ngộ nhân lực hay nói cách khác là thù lao, gồm thù lao tài chính (như lương, phụ cấp, phúc lợi, các khoản khuyến khích…) và thù lao phi tài chính (như nội dung công việc và môi trường làm việc).
Nhiều nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực tại doanh nghiệp cho thấy thù lao phi tài chính đôi khi quan trọng hơn cả yếu tố tài chính. Bởi những lý do khiến người lao động (NLĐ) nghỉ việc, bên cạnh các khoản lương, thưởng chưa công bằng, đều hầu hết thuộc về những yếu tố tinh thần như mối quan hệ với cấp trên, đồng nghiệp hoặc các chính sách đào tạo và phát triển tại công ty.
Mới đây, tôi có dịp phỏng vấn nhiều nhân công trẻ tại một công ty chuyên lĩnh vực in ấn bao bì giấy có bề dày phát triển hơn 45 năm tại TP.HCM. Tôi rất ngạc nhiên và tò mò việc công ty đã giải quyết “xung đột” thế hệ như thế nào. Bởi lẽ, bên cạnh các thợ lành nghề thuộc lứa 7X, 8X… công tác đã lâu thì có hàng trăm lao động mới thuộc thế hệ gen Z đang làm việc tại công ty này. Một nữ lao động gen Z chia sẻ lý do khiến cô chọn làm việc và gắn bó lâu dài vì tập thể văn hóa - nhân văn của đơn vị. Với NLĐ trẻ, yếu tố kinh nghiệm luôn là một thách thức, tuy nhiên, các chương trình đào tạo và môi trường giúp đỡ trong công ty đã níu chân cô.
Chủ tịch HĐQT của công ty này cho tôi biết thêm rằng các biểu hiện “ngôi sao”, “giấu nghề” hay người học việc bị bắt “hắt hủi” là điều cấm kỵ tại đơn vị. Điều đó có nghĩa chính sách khích lệ, phát triển thù lao phi tài chính đã phát huy hiệu quả nên cá nhân trẻ tuổi mới thấy hòa hợp với công ty.
VN đang chứng kiến một thế hệ lao động rất khác - thế hệ gen Z - với đặc trưng chiếm lĩnh công nghệ, sáng tạo và tâm lý “không ngại nhảy việc”. Dẫu vậy, tôi tin rằng không chỉ đối với gen Z, môi trường làm việc tốt luôn là yếu tố quan trọng nhất để mang lại sức khỏe tinh thần, động lực làm việc cho NLĐ. Loại bỏ tư duy “giấu nghề” là một ví dụ.
Bình luận (0)