Công nghiệp văn hóa đang đứng trước cơ hội trở thành chiến lược kinh tế quan trọng của Việt Nam. Chúng tôi phỏng vấn ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch & CEO Tập đoàn Truyền thông Lê, Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sáng Tạo (VCE Club) về triển vọng đầu tư vào một trong những lĩnh vực tiềm năng nhất của công nghiệp văn hóa - nghệ thuật biểu diễn.
Là người hoạt động tích cực trong việc vận động cho công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa, ông đánh giá thế nào về triển vọng của các ngành kinh tế này ở Việt Nam?
Phát triển công nghiệp văn hóa - công nghiệp sáng tạo sẽ là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa và con người trong năm năm tiếp theo. Chiến lược này đã được thể hiện trong dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 sắp tới. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp văn hóa như thế nào là điều đáng phải bàn.
Có thể nói, thứ duy nhất mà chúng ta có thể cạnh tranh ngang ngửa và bình đẳng với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, không phải sức cơ bắp, không phải sự khéo léo của đôi bàn tay, không phải năng suất lao động, càng không phải tiềm lực tài chính, mà chính là năng lực sáng tạo. Và trên thực tế, chúng ta có nhiều lĩnh vực sáng tạo được đánh giá cao trên thị trường quốc tế.
Trong các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, những ngành nào có triển vọng phát triển nhất?
Tôi cho rằng hầu hết các ngành kinh tế sáng tạo mà chúng tôi đưa vào chiến lược phát triển đều có khả năng phát triển mạnh ở Việt Nam. Nhưng, trong bối cảnh trình độ bảo vệ bản quyền còn thấp ở nước ta, thì ngành nào ít có khả năng copy, nhái hoặc làm giả thì sẽ có khả năng phát triển nhanh hơn, ví dụ như nghệ thuật biểu diễn. Chúng ta có 2 lợi thế đáng kể: Một là đặc trưng văn hóa phong phú, có nhiều loại hình văn hóa truyền thống; Hai là khả năng hội nhập văn hóa, tiếp thụ các giá trị văn hóa thế giới, có thể đưa văn hóa dân tộc vào dòng chảy của nghệ thuật hiện đại.
Một yếu tố khác, đang có tiềm năng trở thành lợi thế, là sự mạnh dạn đầu tư của một số doanh nghiệp vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Chúng ta đã thấy một số tên tuổi lớn như Hennessy, Toyota, Vietnam Airlines, MobiFone,… và mới đây nổi lên là VPBank. Các doanh nghiệp này đang nỗ lực biến Việt Nam thành điểm đến của các nghệ sỹ thế giới, và qua đó sẽ tác động rất mạnh đến sự phát triển của thị trường văn hóa.
Tất nhiên, nỗ lực của các công ty đầu tư sản xuất chương trình cũng không phải là không quan trọng, bởi nhiều công ty, trong đó có công ty của tôi, đã từng đưa các nghệ sỹ quốc tế vào Việt Nam, nhưng khả năng thất bại về tài chính là rất cao. Tôi đánh giá rằng, chỉ khi có các mạnh thường quân thực sự là các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính hùng hậu thì thị trường văn hóa Việt Nam mới có thể có cơ hội tiếp cận với những tài năng nghệ thuật đẳng cấp thế giới.
Mặt khác, nghệ thuật biểu diễn có tác động rất tích cực đối với công nghiệp du lịch, một trọng tâm phát triển kinh tế khác của chúng ta. Có thể bạn cũng biết rằng, người Singapore rất hay đưa các ngôi sao thế giới như Rihanna, Maroon 5, Bon Jovi biểu diễn tại giải đua Công thức 1 và thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch mỗi mùa.
Có khá nhiều doanh nghiệp đã tài trợ cho các hoạt động biểu diễn văn hóa – nghệ thuật, kể cả các chương trình trong và ngoài nước, vì sao ông chỉ điểm danh các thương hiệu trực tiếp thực hiện chương trình?
Tôi xin giải thích rằng, có rất nhiều cách tài trợ nghệ thuật. Phần lớn các doanh nghiệp tài trợ nghệ thuật, tài trợ cho các chương trình âm nhạc nhưng phần lớn đều nhằm một mục đích đơn thuần quảng bá thương hiệu của họ. Như vậy, họ sẽ chọn các chương trình có tính chất đại chúng, có thể quảng bá rầm rộ, và đặc biệt ưu tiên cho các chương trình có thể xuất hiện trên sóng truyền hình quảng bá. Điều này không có gì sai cả, nhưng mục đích cơ bản của các doanh nghiệp này là mượn âm nhạc và nghệ thuật để gia tăng độ nhận diện thương hiệu của họ là chính.
Trong một xu hướng khác, một số ít doanh nghiệp lựa chọn bảo trợ cho một số hoạt động nghệ thuật và âm nhạc kén người xem hơn, mà đa phần là các thể loại nghệ thuật cao cấp hoặc kinh điển, đòi hỏi một trình độ thưởng thức nhất định. Điều này gây khó cho doanh nghiệp vì thương hiệu của họ không được quảng bá rầm rộ như loại tài trợ thứ nhất, nhưng đổi lại, họ được ghi dấu ấn nuôi dưỡng, tạo ra dòng chảy cho các thể loại nghệ thuật đòi hỏi được bảo tồn và phát triển, với mục tiêu nâng cao dân trí và sự phát triển bền vững đời sống văn hóa của cả dân tộc.
Tiếc rằng, loại thứ hai chưa nhiều. Ví như VPBank đang bỏ tiền mời Kenny G đến biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trong vài ngày tới, hoặc như năm ngoái, họ mời Richard Clayderman, thì là một cuộc chơi tốn tiền của. Tôi tin chắc rằng mục đích của họ không phải chỉ để quảng bá thương hiệu VPBank, mà cao hơn cả là mang đến cho công chúng Việt Nam một món ăn tinh thần cao cấp, dần dần tạo ra một nhu cầu thưởng thức âm nhạc khác với thị hiếu giản đơn của giới trẻ hiện nay.
Theo ông, các doanh nghiệp nên đầu tư cho nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng như thế nào thì thị trường văn hóa của chúng ta phát triển tốt nhất?
Ở các quốc gia phát triển, người ta lập ra các quỹ văn hóa, mà đóng góp tài chính đều từ các doanh nghiệp, các tỷ phú, triệu phú. Tùy vào mục tiêu của mỗi quỹ mà họ tài trợ cho các hoạt động, chương trình nghệ thuật có giá trị. Đơn cử như Lincoln Center for the Performing Arts (Trung tâm Lincoln vì Nghệ thuật Biểu diễn) ở New York được các mạnh thường quân bảo trợ như American Express, Bank of America, Morgan Stanley, PepsiCo, Target… Một số nước như Hàn Quốc, lập quỹ bảo trợ văn hóa ở cấp quốc gia, với mục tiêu dùng văn hóa để dọn đường cho kinh tế, thương mại và xây dựng thương hiệu chung cho các doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp như VPBank hay Toyota còn rất ít, nhưng họ đang một mình bảo trợ cho các loại hình nghệ thuật không dễ tự kiếm sống. Đó là các loại hình nghệ thuật có giá trị cao, nâng tầm thưởng thức văn hóa của công chúng, nhưng khó làm và khó thu lợi nhuận. Đây là những hình thức bảo trợ ban đầu, khá tốt, mà các doanh nghiệp tiên phong này phải rất nỗ lực mới có thể đi được đường dài. Ngoài việc họ phải kiên trì và chấp nhận đầu tư lâu dài, thì việc ủng hộ của công chúng và các doanh nghiệp khác rất là quan trọng.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc tự đứng ra tổ chức chương trình là một yêu cầu phức tạp đối với các doanh nghiệp này, phức tạp hơn nhiều so với việc tài trợ đơn thuần. Một chương trình lớn như Kenny G Live in Concert by VPBank thông thường phải là do các nhà tổ chức chuyên nghiệp và tầm cỡ mới thực hiện nổi. Vì vậy, chất lượng chương trình, cách thức tổ chức là một thách thức không nhỏ.
Trong bối cảnh hiện nay, rất cần các doanh nghiệp như VPBank đầu tư cho một quỹ phát triển nghệ thuật biểu diễn quy mô, từ đó hình thành các đơn vị chuyên nghiệp với các dự án tầm cỡ.
Xin cảm ơn ông!
Trích dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng 12:
“… Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa.
Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội…”
|
Bình luận (0)