Hướng đến ổn định xuất siêu

20/09/2014 03:00 GMT+7

Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tháng 8 VN đạt thặng dư thương mại (xuất siêu) 1,07 tỉ USD, nâng tổng giá trị xuất siêu trong 8 tháng đầu năm lên 3,07 tỉ USD. Đây là con số rất ấn tượng nếu so sánh với xuất siêu của cả năm 2013 chỉ đạt vỏn vẹn 9 triệu USD!

Kết quả xuất siêu cho thấy những cải thiện trong thay đổi cơ cấu xuất khẩu, nâng cao năng lực chế biến ở một số ngành, lĩnh vực; hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực công nghệ cao... đang giúp VN dần ổn định cán cân thương mại một cách bền vững. Thậm chí, nếu có những nỗ lực hơn nữa, có thể đảm bảo một xu hướng xuất siêu trong tương lai.

Đây là một thay đổi rất quan trọng nếu xem lại trước năm 2013, trong suốt hơn 10 năm VN liên tục có mức nhập siêu lớn, có nhiều năm trên mức 10 tỉ USD. Trong một hội nghị điều hành kinh tế - xã hội năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho rằng nhập siêu là một trong những nguyên nhân lớn nhất làm mất ổn định kinh tế vĩ mô, do nhập siêu làm mất cân bằng cán cân thanh toán, gây mất ổn định thị trường ngoại hối.

Một số ý kiến cho rằng, VN xuất siêu do tình trạng sản xuất khó khăn, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên, vật liệu ít trong khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI lớn nên đạt trạng thái thặng dư thương mại tạm thời. Ý kiến này có cơ sở vì nhiều khả năng, trong thời gian tới, khi sản xuất trong nước tăng trưởng mạnh trở lại, nhập khẩu máy móc, nguyên, phụ liệu… sẽ tăng mạnh thì xuất siêu sẽ giảm nhanh. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu khối FDI đạt tới 112,46 tỉ USD, tăng 12,9% và chiếm gần 59% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, có những doanh nghiệp như Tổ hợp Samsung chiếm đến 20% kim ngạch xuất khẩu của VN (năm 2014 Samsung dự kiến xuất khẩu 30 tỉ USD).

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu hàng hóa, thị trường xuất nhập khẩu từ năm 2013 trở lại đây thì dễ thấy kim ngạch xuất khẩu tăng cao thực sự có các yếu tố tích cực trong thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu, các nhóm hàng công nghiệp chế biến, hàng nông, thủy sản chế biến tăng lên rất rõ rệt. Do đó, có cơ sở để hy vọng tình trạng nhập siêu cao, triền miên như những năm trước 2013 sẽ được thay đổi. Nếu có những cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành, lĩnh vực công nghệ cao như điện, điện tử…, đầu tư mạnh hơn nữa cho chế biến tăng giá trị hàng nông, lâm, thủy sản, khoáng sản… xuất khẩu, giảm xuất khẩu thô, gia công thì VN vẫn có thể lạc quan nghĩ đến việc duy trì xuất siêu, giữ được cân bằng cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định thị trường.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.