Lời tòa soạn: Giá dầu hiện là một câu hỏi lớn đối với nền kinh tế toàn cầu nhưng kinh tế gia kỳ cựu Jim O’Neill tự tin rằng có thể đoán được hướng đi của chúng.
Tình hình giá dầu trong năm 2015 sẽ khả quan hơn so với năm ngoái - Ảnh: Peninsula Times
|
Vào cuối năm 1979, tôi bắt tay viết luận án tiến sĩ, tập trung vào đề tài điều tra dựa trên kinh nghiệm thực tế về thặng dư và chuyển nhượng dầu mỏ của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa - ND). Khi đó, giá dầu vừa trải qua hai đợt tăng giá ấn tượng, và hầu hết các chuyên gia đều tự tin dự đoán rằng giá dầu còn tiếp tục tăng mạnh, từ dưới 40 USD/thùng - mức kỷ lục vào thời điểm ấy, đến đột phá ngưỡng 100 USD.
Tuy nhiên, khi tôi hoàn tất cuộc nghiên cứu vào năm 1982, giá dầu đã bắt đầu đà lao dốc suốt 20 năm. Phải đợi đến tháng 1.2008, giá dầu mới đáp ứng được dự đoán suốt nhiều năm của giới phân tích.
Tôi từng nói đùa rằng điều quan trọng nhất đã học được từ cuộc nghiên cứu là không bao giờ cố gắng dự đoán giá dầu một lần nữa. Khi trong giai đoạn cuối của năm 2014, giá dầu một lần nữa lại qua ngưỡng 100 USD/thùng nhưng lần này là theo chiều tụt dốc.
Một trong những câu hỏi lớn nhất cho năm 2015 là liệu đà suy giảm này có tiếp diễn hay không. Bất chấp sự hoài nghi trước đó, tôi cho rằng mình biết được đáp án. Trong hơn 33 năm qua, tôi có nhiều cơ hội để nghiên cứu cả giá dầu lẫn tỷ giá hối đoái, kể cả việc đảm nhận vị trí giám sát một tổ nghiên cứu gồm những con người đầy tài năng luôn nỗ lực dự đoán chuyển động của chúng. Mặc dù đã rất nhiều lần thất bại với các kết luận của mình, tôi vẫn tin rằng có thể tìm được một câu trả lời tổng quan cho chiều hướng phát triển của giá dầu.
|
Trong suốt sự nghiệp, tôi luôn cố gắng xác định liệu có tồn tại cái gọi là chỉ số chuẩn cân bằng cho giá dầu hay không. Tôi bỏ ra rất nhiều công sức để nỗ lực hướng dẫn, ép buộc, thậm chí cầu xin các nhân viên phân tích năng lượng dưới quyền dựng nên một mô hình có thể nhận biết được nó, giống như chúng ta đã nắm trong tay những chỉ số tương tự về ngoại tệ, lợi tức trái phiếu và tài sản cầm cố.
Tôi đã thảo luận ý tưởng này với rất nhiều chuyên gia đầu ngành, hầu hết đều cho rằng thật sự tồn tại chỉ số chuẩn cân bằng cho giá dầu nhưng nó không ngừng chuyển động do chịu tác động mạnh từ chi phí sản xuất dầu, vốn cũng là một biến số bất ổn.
Cuối cùng, sau nhiều năm điều nghiên, kết luận của tôi là nếu muốn dự đoán tương đối chính xác đường đi của giá dầu, hãy nhìn vào giá dầu giao 5 năm, tức là giá của dầu được giao trong vòng 5 năm tới tính từ thời điểm trả tiền.
Trong nỗ lực hoàn thiện khả năng dự đoán của mình, từ cách đây vài năm tôi bắt đầu để tâm đến giá dầu giao 5 năm và so sánh nó với chỉ số Brent cho giá dầu giao ngay. Tôi nghi ngờ rằng giá dầu giao 5 năm ít bị ảnh hưởng hơn hẳn trước tác động của đầu cơ so với giá dầu giao ngay và phản ánh chân thực hơn về nhu cầu thực tế của thị trường.
Từ đó, các nhà hoạch định chính sách cần đặc biệt lưu ý mỗi khi giá dầu giao 5 năm chuyển động theo chiều hướng khác so với giá dầu giao ngay.
Vào thời điểm 2011, sau khi cả hai chỉ số giá dầu đều hồi phục từ cơn khủng hoảng năm 2008, giá dầu giao 5 năm lại bắt đầu giảm từ từ trong khi giá dầu giao ngay tiếp tục tăng thêm một thời gian nữa.
Diễn biến trên đi đôi với hai yếu tố lớn mà tôi cho rằng về mặt cơ bản có thể dẫn dắt giá dầu: thời bình minh của khai thác dầu đá phiến và khí đốt tại Mỹ, và sự chuyển hướng kinh tế của Trung Quốc từ tập trung vào số lượng sang chất lượng, nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc không còn tiêu thụ năng lượng với tốc độ điên cuồng như trước đây.
Lúc đó, tôi kết luận rằng giá dầu sắp đạt đỉnh và sẽ không quá lâu trước khi bắt đầu tụt giảm, có thể xuống dưới 80 USD/thùng. Thực tế cuối năm 2014 đã chứng minh điều đó đúng, thậm chí giá dầu còn liên tục phá đáy, có lúc trượt xuống dưới 60 USD/thùng.
Công việc hiện nay của tôi không còn đòi hỏi phải cố dự đoán về giá dầu nữa nhưng tôi biết chắc chắn một điều: giá dầu không bao giờ ổn định trong một thời gian dài. Tôi tin rằng từ các dữ kiện ở trên, chúng ta có thể phần nào nắm được hướng di chuyển của chúng.
Gần đây tôi có đọc một bài báo cho rằng nếu giá dầu tiếp tục ở mức như hiện tại, sản lượng dầu đá phiến và khí đốt của Mỹ sẽ giảm 10% so với dự đoán. Với tầm quan trọng của dầu đá phiến và khí đốt trong sự hồi phục kinh tế Mỹ, đó sẽ là điều giới hoạch định chính sách nước này phải hết sức né tránh.
Vì thế, có lẽ trong vài tháng tới, giá dầu sẽ không thể đảo ngược đà sụt giảm một cách ngoạn mục nhưng những nhân tố có tác động kìm hãm sụt giá đang dần lộ diện trong năm 2015.
Linh cảm của tôi là giá dầu có thể tiếp tục đà giảm trong thời gian ngắn nhưng nhiều khả năng chúng sẽ kết thúc năm 2015 ở mức cao hơn đầu năm.
Giá dầu và vụ ly hôn đắt giá
Hồi tháng 11.2014, ông trùm dầu mỏ của Mỹ Harold Hamm và vợ chính thức ly hôn, tòa án phán quyết ông phải trả 1 tỉ USD cho bà vợ là Sue Ann Hamm. Theo Reuters, số tiền này sẽ đưa bà Sue Ann Hamm vào danh sách 100 phụ nữ giàu nhất nước Mỹ và biến cuộc chia tay trở thành một trong những vụ ly hôn đắt giá nhất lịch sử nước này. Tuy nhiên, ông Hamm, một trong những người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng lúc đó khoảng 19 tỉ USD, ban đầu không hề tỏ ra phản đối. Thậm chí ông còn cảm ơn tòa vì phía vợ cũ đòi tới 17 tỉ USD, bao gồm cổ phiếu của Tập đoàn năng lượng Continental Resources. Nhưng rồi, giá dầu lao dốc không phanh khiến nhà tỉ phú bắt đầu hốt hoảng. Mới đây, luật sư của ông Hamm đã đâm đơn kháng cáo yêu cầu giảm số tiền phải trả với lập luận rằng thân chủ mình đã mất gần một nửa giá trị tài sản cá nhân so với trước vì tác động của giá dầu. Phía vợ cũ của ông Hamm chưa đưa ra phản ứng và phiên tòa tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 7.1.
|
(Thụy Miên chuyển ngữ)
@ Project Syndicate
Bình luận (0)