Cô gái bị chụp ảnh biển số xe và bị gọi tên là 'Hương mắt lồi' đã kêu cứu, người bán hủ tiếu 'nấu nước lèo thịt chuột' đã phải cầu cứu hàng chục tờ báo. Nhiều ngày qua, người ta chia sẻ khắp nơi câu chuyện bắt phụ nữ mổ lấy nội tạng, và giờ đây là 'cướp trẻ con' ngay cổng trường học, một câu chuyện chính báo chí cũng ngỡ ngàng khi tìm đến sự thật.
‘Hương mắt lồi’ - sản phẩm dị dạng từ Facebook - Ảnh chụp màn hình
|
Ai là người tiếp tay cho chúng?
Hẳn những độc giả theo dõi các bài viết này được chia sẻ trên mạng xã hội cũng có lúc đã giật mình, trong một lúc nào đó, hẳn chính mình cũng đã là kẻ gắn các đường link lên vào tường nhà mình, góp thêm một que diêm, thổi bùng lên sức mạnh của tin đồn trên mạng xã hội và internet.
Ngày xưa, để tạo ra một tin đồn “tầm cỡ”, kẻ thủ mưu phải tìm cách thuyết phục các “kênh” chịu sử dụng câu chuyện đồn nhảm của mình và phát sóng chúng. Giờ đây, internet trao quyền cho tất cả. Không ai cần đến phóng viên nữa. Nếu muốn đồn, hãy tạo ra một trang web/blog hay một tài khoản Facebook, và cùng thực hiện âm mưu đen tối này đến cùng.
Alfred Hermida, một học giả về truyền thông số, tác giả của quyển: Báo chí tham dự: Bảo vệ các cánh cửa mở cho báo chí online - nói trong một phỏng vấn về những tin sai sự thực trên internet: "Mọi người muốn tìm kiếm thông tin để xác nhận lại những gì họ nghĩ là họ đã biết".
Những bản tin tàn bạo đến khủng khiếp như Ebola đã vào Việt Nam; chỉ thoáng cái nghe tiếng cướp cướp, đã thấy con mình bị người ta giật đi mất; mọi người không nên đi bơi vì đang có vi khuẩn ăn não người; có kẻ xấu xịt thuốc ểm bùa gây lú lẫn để giật đồ ngay trên đường Sài Gòn; Hương mắt lồi nữ cướp tái xuất. Tất cả các câu chuyện có cùng điểm chung: chúng tấn công vào nỗi sợ bất an của người đọc.
Chúng ta sợ bị cướp, sợ bị hại, sợ bị kẻ lạ theo dõi, sợ bị quay camera trong phòng khách sạn, sợ bị bệnh chết người, sợ bị hãm hại. Tâm thế của người đọc ngập tràn sợ hãi. Người ta đọc để xác nhận lại cảm giác người ta nghĩ. Nỗi sợ vây hãm, sự mập mờ thông tin biến tất cả vùng cảm giác thành màu xám. Không có thông tin nào được xác nhận là thật hay giả, “để an toàn” người đọc tin tất cả vào nỗi sợ để phòng thủ cho an toàn.
Với ý tốt, họ chia sẻ bài viết đó về tường nhà, những mong người thân, bạn bè của mình không bị hãm hại hay gặp điều không lành.
Người đọc trở thành kẻ ác?
Nếu bạn đang ngồi trước bàn phím, và chuẩn bị chia sẻ một bản tin kinh hoàng, hãy nghĩ đến những gì bạn sắp tạo ra trên con đường mà internet lưu chuyển.
Bạn muốn cảnh báo người thân về Ebola, Hương mắt lồi, hủ tiếu thịt chuột nên bạn chia sẻ chúng. Chỉ một cơn nghi ngờ thoáng qua, bạn dễ dãi cảm nhận rằng những kẻ ấy (như cô Hương mắt lồi) là bọn ác cần được tiêu diệt. Khi làm hành động này, bạn đã trở thành kẻ ác - ẩn danh sau sự an toàn mà bàn phím đem lại cho bạn.
Người đọc không bao giờ hiểu họ có thể hãm hại người khác vì tin đồn. Ở ngoài chợ, tin đồn một cô hàng thịt làm điếm có thể khiến cô đau khổ. Nhưng trên internet, một tin đồn hủ tiếu thịt chuột đã khiến hàng trăm xe hủ tiếu ở Sài Gòn rơi nước mắt và khốn khổ.
Người đọc đã rời khỏi cái vị thế “nạn nhân tiềm ẩn” của mình để trở thành “kẻ gây án trực tiếp” trên mạng xã hội. Quá dễ dàng xóa dấu vết, hoặc không hiểu điều mình gây ra, họ giơ bàn phím lên như một ngọn phi tiêu, phóng từ xa vào mục tiêu (mà mình cũng chẳng biết là ai). Nạn nhân bị thương tổn, tấn công mà không hiểu vì sao mình bị như vậy. Khi đó người đọc có ác không?
Hành động chia sẻ trên mạng xã hội được “bọc” trong cái vẻ của một ý tốt thuần túy: cảnh báo thôi, không đúng thì mừng, đúng thì coi như mình giúp lan tỏa cảnh báo đi xa. Ý nghĩa tốt đẹp đó hoàn hảo để lấp liếm một sự vô tâm khác: Bạn chia sẻ một thứ chính mình cũng không biết rõ có thật không, bạn tiếp tay tố cáo người trong bài là kẻ ác, bạn tiếp tay khiến người thân quen hành xử ác độc y như sự chia sẻ của mình. Bạn tiếp tay để hãm hại một ai đó, khi gieo một hạt mầm của một bản tin sai sự thật.
Ai được lợi?
Người đọc không ác. Họ chỉ vô tình làm kẻ ác, vì quá lo sợ người khác hãm hại mình. Nhưng những kẻ đứng đằng sau bản tin đó đang mỉm cười mang trên mình những món lợi khổng lồ từ bản tin người đọc ác vừa chia sẻ. Ai đoán được kẻ sẽ hốt bạc sau trò chơi vô nhân và tự nhiên này?
Kẻ đăng hàng loạt bản tin “virus ăn não người có trong nước hồ bơi”, làm sao để chống lại virus ăn não người, làm sao tránh virus ăn não người, hóa ra lại là một công ty bán máy lọc nước. Mọi người sợ quá bèn đi mua máy lọc nước.
Kẻ viết hàng loạt bài tấn công nhà báo, chính trị gia, hóa ra đang chờ đợi cơ hội của mình trong một cuộc tranh đoạt ở sân khấu chính trị.
Biết đâu, kẻ lan truyền bản tin “Hương mắt lồi trở lại” hay “Bắt cóc trẻ con ngay cổng trường” sắp chào bán một dịch vụ cung cấp giải pháp đưa đón trẻ an toàn cho gia đình, và các bố mẹ vì quá lo lắng sẵn sàng chi tiền để bảo vệ con. Người đọc, phụ huynh đều không biết 2 tên cướp kia đều không có thật.
Tin đồn không chỉ xuất hiện trong chợ cá, chợ chồm hổm hay cây đa đầu làng. Người cực đoan tin rằng thông tin sai lệch là một sản phẩm thứ cấp của thời đại kỹ thuật số. Nhưng không hề, nó không phải là phái sinh, nó là đứa con đẻ với tên gọi “các phiên bản đáng ngờ của sự thật” - màu xám - không trắng, không đen - chỉ cần gây ra được cảm giác trên toàn bộ cộng đồng, dạy chúng ta sợ hãi một thứ gì đó, căm giận một ai đó, hoặc phẫn nộ vì điều gì đó. Sau đó chúng ta hành động. Các kiến trúc sư của tin đồn đứng đằng sau tận hưởng thành quả cộng đồng mà chúng kiếm được. Chúng tạo ra tin đồn để thực hiện các hành vi tiếp theo sau khi “đầu độc” người đọc bằng thứ thông tin chúng muốn.
Người ta sợ quá mua máy lọc nước. Người đọc chửi rủa những “kẻ ác” không tên mà họ được nghe thấy trong bản tin. Họ bỏ tiền để mua sự an toàn thực phẩm. Tự độc giả chặt đứt sợi dây liên kết thuần túy giữa người với người, mà dùng tin đồn như công cụ để soi chiếu và đánh giá thế giới xung quanh, đánh giá người khác đến với mình.
Hãy quay lại lời của Hermida: "Mọi người muốn tìm kiếm thông tin để xác nhận lại những gì họ nghĩ là họ đã biết". Hãy nhìn xem thứ gì đang được chia sẻ trên mạng xã hội tại Việt Nam? Hủ tiếu thịt chuột, gà làm chín bằng đèn khò, dân nhậu ăn bẩn, cướp, mua nội tạng, giết lấy nội tạng, bắt trẻ con. Người làm báo có giật mình không? Đây là chân dung của những gì mà người đọc đang nghĩ đấy.
Nếu người Mỹ sôi sục, hào hứng lên bình phẩm khi đọc bản tin (sai sự thật) rằng Iran sắp cấm internet toàn diện, bởi vì người Mỹ định kiến toàn diện về một xã hội Iran không tôn trọng tự do ngôn luận và thù ghét Mỹ. Còn người Việt Nam bàng hoàng chia sẻ virus ăn não người, Hương mắt lồi, hủ tiếu thịt chuột..., vì họ lo sợ cho sự an toàn, sức khỏe, các nguy cơ với gia đình và con cái mình. Không tìm thấy sự đảm bảo trong những thông tin có giá trị cảnh báo và xác thực, người đọc bèn tìm đến tin đồn như một kênh tiên phong tự vệ cho mình.
Đến đây, hãy tự hỏi, hôm nay bạn đã ăn bao nhiêu bản tin sai sự thật rồi?
Bình luận (0)