'Hương sắc bánh, mứt, xôi, chè Huế' - thơm tho biết mấy, ngọt lành…

21/11/2021 14:49 GMT+7

Hương sắc bánh, mứt, xôi, chè Huế (NXB Thuận Hóa, 2021) là công trình biên soạn thứ 25 của Trần Nguyễn Khánh Phong được phối hợp thực hiện cùng hiền thê Vũ Thị Mỹ Ngọc.

Từ trước đến nay, thông thường đề tài về nữ công gia chánh, ẩm thực Huế thường được nữ giới nghiên cứu, biên soạn, tiêu biểu có công trình Thực phổ bách thiên của bà Trương Đăng Thị Bích, tự Tỷ Quê, là phu nhân của Hiệp tá Đại học sĩ Nguyễn Phúc Hồng Khẳng - con trai thứ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Tiếp theo bà Trương Đăng Thị Bích còn có nhiều tác giả nữ khác với nhiều tác phẩm chuyên đề ẩm thực Huế; nên khi một tác giả nam giới, chưa đến độ cao niên lại nhiệt huyết tâm thành cùng người bạn đời thực hiện việc nghiên cứu, biên soạn cuốn sách Hương sắc bánh, mứt Tết, xôi, chè Huế là điều đáng trân trọng.

Cuốn sách Hương sắc bánh, mứt, xôi, chè Huế của Trần Nguyễn Khánh Phong - Vũ Thị Mỹ Ngọc (NXB Thuận Hóa, 2021)

ẢNH: V.Q

Được biết để hoàn tất tác phẩm Hương sắc bánh, mứt, xôi, chè Huế, vợ chồng Trần Nguyễn Khánh Phong - Vũ Thị Mỹ Ngọc ngoài việc chế biến cho nhu cầu sinh hoạt gia đình đã chịu khó cùng nhau “vi hành” đến các hàng quán chè, xôi, bánh, mứt có thương hiệu nổi tiếng cũng như bình thường, dân dã để vừa thưởng thức vừa tìm hiểu cặn kẽ các nguyên liệu, công thức chế biến, phương pháp sản xuất, giải pháp tiêu thụ sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời thường, phục vụ các sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh.

Bằng thực tiễn cuộc sống cùng quá trình trải nghiệm nhiều năm tháng đến việc tập trung tìm kiếm, sưu tập, nghiên cứu, đọc 85 tài liệu tham khảo, Trần Nguyễn Khánh Phong - Vũ Thị Mỹ Ngọc đã rất dày công, tốn nhiều thời gian để đầu tư cho ấn phẩm này, mà động cơ trực tiếp để thúc đẩy việc hoàn thành tác phẩm là từ cuộc trưng bày chuyên đề “Hương sắc bánh Huế” (22.6.2018) và cuộc trưng bày chuyên đề “Bánh, mứt Tết Huế” (26.1.2019) tại Bảo tàng Văn hóa Huế: “Qua hai cuộc trưng bày này đã làm cho chúng tôi cảm hứng thực hiện bản thảo Hương sắc bánh, mứt, xôi, chè Huế nhằm mục đích giữ hồn xưa cho Huế, trong xã hội hiện đại, thứ nữa là gia đình chúng tôi, hằng tháng, hằng năm vẫn có nhiều lần cúng kiếng, giỗ chạp, lễ tế… đều sử dụng bánh, mứt, xôi, chè là do người nhà tự nấu, tự sắp đặt lên bàn thờ gia tiên. Chúng tôi coi đó như là một vinh dự lớn vừa bảo tồn vốn văn hóa gia đình truyền thống Huế, lại vừa giới thiệu đến người đọc gần xa về nét văn hóa dân gian truyền thống đặc trưng này” (Lời nói đầu).

Công trình gồm 5 chương được trình bày theo dạng nghiên cứu khoa học. Chương 1: Đặc điểm tự nhiên và xã hội hình thành nên món bánh, mứt, xôi chè Huế; Chương 2: Hương sắc bánh Huế; Chương 3: Hương mứt Tết Huế; Chương 4: Hương thơm xôi Huế; Chương 5: Hương vị chè Huế.

Chương 1 có lẽ là điểm nổi bật của Hương sắc bánh, mứt, xôi, chè Huế. Chính chương này đã giúp bạn đọc tiếp cận với đặc điểm địa hình Thừa Thiên - Huế từ vùng núi, gò đồi, đồng bằng đến vùng đầm phá và cồn cát ven biển, có tác động tích cực góp phần không nhỏ vào các giá trị ẩm thực Huế. Theo tác giả: “Cả bốn vùng địa hình trên có liên quan chặt chẽ với nhau, hợp nhất trên lãnh thổ Thừa Thiên - Huế và tạo ra những nét đặc trưng riêng về khí hậu, địa hình dốc hình thành nên những trung tâm mưa lớn nhất của cả nước tạo nên các đợt khí hậu khô nóng kéo dài. Từ những yếu tố này đã hình thành nên nguồn tài nguyên thực vật và động vật phong phú phục vụ đắc lực cho nghệ thuật ẩm thực Huế nói chung và các món bánh, mứt, xôi, chè Huế nói riêng”.

Cũng trong chương này các phần viết về hệ tài nguyên thực vật và động vật, thủy hải sản; đặc điểm xã hội với yếu tố con người và yếu tố lịch sử xã hội; hương sắc bánh, mứt, xôi, chè Huế với giá trị trong y học cổ truyền xứ Huế, trong văn hóa dân gian và thơ ca xứ Huế… đã khái quát tinh tế, có tính thuyết phục, giúp người đọc đến với ấn bản trong tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng.

Các chương còn lại tác giả giới thiệu tương đối cặn kẽ các món bánh, mứt, xôi, chè Huế với văn phong, bố cục khúc chiết, rõ ràng thể hiện đúng tay nghề của những người chuyên tâm biên soạn các công trình nghiên cứu, trong đó nhân vật chính chủ là Trần Nguyễn Khánh Phong.

Trần Nguyễn Khánh Phong sinh năm 1976, ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện đang giảng dạy tại Trường THPT Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế, là hội viên Hội Khoa học lịch sử VN, hội viên Hội Văn nghệ dân gian VN, hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN. Nhờ quá trình cống hiến của một người thật sự tài năng, gắn bó yêu thương Huế, yêu chính sự nghiệp sưu tầm nghiên cứu văn hóa của mình, Trần Nguyễn Khánh Phong đã nhận nhiều giải thưởng có giá trị cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trung ương.

Trần Nguyễn Khánh Phong cho biết những thành quả trên là do: “Sự nỗ lực tự thân là chính nhưng phải còn nhờ đến cánh tay đắc lực, thương khó của hiền thê là Vũ Thị Mỹ Ngọc, người cùng chung sức trong Hương sắc bánh, mứt, xôi, chè Huế”.

Vũ Thị Mỹ Ngọc sinh năm 1985, xuất thân trong gia đình có bà ngoại là người hoàng tộc, những buổi cúng giỗ trong gia đình đều được mẹ và bà ngoại bảo ban. Những món ăn Huế, nhất là chè, mứt, xôi, bánh cô đều tự tay làm lấy phục vụ trong phạm vi gia đình. Điều đặc biệt là, trong khâu chế biến các món ăn có màu sắc, cô được bà ngoại và mẹ bày cho cách lấy phẩm màu từ chất liệu thiên nhiên như hoa đậu biếc, hạt mồng tơi, nghệ, gừng, củ dền… Và cũng phải qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của những người phụ nữ Huế trong gia đình mới tạo nên những món đặc biệt chất Huế.

Sự đồng cảm, đồng tâm trong mạch nguồn yêu Huế đẹp và thơ; mê các vị mặn, ngọt, cay, chua, tê, nồng, chát, đắng, béo, bùi… được hòa quyện trong Hương sắc bánh, mứt, xôi, chè Huế, đôi vợ chồng Trần Nguyễn Khánh Phong - Vũ Thị Mỹ Ngọc đã cùng nhau làm nên một tác phẩm thơm tho, ngọt lành, góp phần tạo nên sự giàu có cho tủ sách Huế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.