“Rau biển” là cách nói ví von của dân chài, để chỉ loài rong mứt ngon nức tiếng so với các loài rong biển khác. Không ngon sao cô gái làng hát ghẹo anh chàng “lữ thứ” đi ngang nhà mình như này: “Vô đây huớ bạn vô đây/ Canh rong nóng hổi em đã bày ra mâm”.
Người ta cũng hay gọi rong mứt là “rau đá” hoặc “mầm đá” vì “rau” mọc trên đá. Điều kiện tự nhiên để “rau” phát triển là độ ẩm của đá, độ mặn của bọt biển và độ lạnh của thời tiết.
Nói rong mứt là “chiến lợi phẩm” của họ quả không ngoa tí nào. Đúng là “chiến” thật đấy. Khi nạo rong, họ ngồi trên mỏm đá nhoài ra mé biển. Phiến đá nào cũng trơn nhẵn, lại còn chênh vênh, chuyện trượt té có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đã hết đâu? Những ngọn sóng cao bất ngờ xô vào người nạo rong. Biết né đường nào? Chỉ còn cách dùng ngón tay, ngón chân bám chặt vào đá, ngồi thu lu, cúi đầu chịu trận và nghĩ đến vị thần may mắn.
Khổ một cái, tảng đá nào càng gần chân sóng, càng cheo leo thì càng có nhiều rong hơn. Nạo rong ở “tọa độ” này... ớn lắm. Nhưng mà sướng.
Nạo chưa hết tiếng đồng hồ đã đầy một xô lớn. Với cái giá 300.000 đồng một ký rong tươi, hơn 2 triệu đồng một ký rong khô, những người nạo rong mứt chấp nhận đối mặt với nguy hiểm. Bởi lẽ tiền từ rong mứt sẽ biến thành sách vở, quần áo, cơm gạo, tết nhứt... cho cả gia đình.
Rong mứt thường được chế biến thành món xào với thịt ba chỉ hoặc bóp gỏi với nấm rơm và thịt bằm. Nhưng được ưa chuộng hơn cả là món canh nấu với tôm (khô hoặc tươi). Rong mứt mua về, chỉ cần rửa qua nước lạnh vài dạo để xả chất mặn rồi để ráo là có thể chế biến được rồi. Tôm rửa sạch, lột vỏ, giã dập. Phi dầu với tỏi cho thơm rồi trút tôm vào đảo nhẹ cho thịt tôm săn lại. Cho một lượng nước vừa đủ dùng vào nồi, nước sôi, tôm chín thì trút rong mứt vào, canh lửa nhỏ và chờ nước sôi lại rồi nêm nếm tùy khẩu vị. Đập một quả trứng gà đựng trong chén, dùng đũa đảo vài vòng cho lòng trắng hòa vào lòng đỏ rồi trút vào nồi canh; vừa trút vừa khuấy nhẹ để dung dịch trứng gà tạo thành những sợi mảnh mai, lan tỏa đều khắp nồi canh. Lúc này bắc nồi xuống, rắc một ít ngò và tiêu nữa là múc canh ra tô thưởng thức.
Canh rong mứt ngào ngạt thơm từ bếp xuống mâm, từ mâm thơm ra chén rồi từ chén thơm vào các giác quan có chức năng “thẩm định” hương vị ẩm thực. Khi còn sống ngoài gành, rong mứt thơm một cách “hoang dại” trong cái lạnh của khí trời. Giờ trong gian bếp ấm, rong mứt chín trong canh, vẫn nghe được cái mùi bọt sóng, mùi biển khơi, mùi của những tảng đá ẩm ướt. Đó là vị đặc trưng, độc đáo, làm nên bản sắc không thể lẫn của canh rong mứt. Vì vậy, người lần đầu thưởng thức đã thấy ấn tượng ngay. Còn người đã từng “duyên” với rong mứt thì có cảm giác hân hoan như lâu ngày gặp lại người bạn thân, là “sứ giả” của biển vào thăm đất liền.
Dù chan với cơm nóng hay dùng riêng như món súp, người ăn vẫn nghe từng sợi rong mứt mềm mại, sừn sựt, giòn giòn. Mùi thịt tôm chan hòa với rong mứt nghe “xuôi” cái lưỡi lắm. Cũng không thể không nhắc tới hương “chìm” của rau ngò, hương “nổi” của những “bé hạt tiêu”. Tất cả đều đồng điệu để làm nên nồi canh “rau biển” ấm áp giữa ngày đông tháng giá.
Bình luận (0)