Hầu như nhà nào ở vùng nông thôn Quảng Nam đều thả ít dây bí đao trong vườn, có nhà trồng trên 100 gốc. Vườn nhà mợ tôi nằm tách biệt với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp bên ngoài nên không khí lúc nào cũng trong lành, có lẽ nhờ vậy mà vườn bí tươi tốt, lủng lẳng trái trên giàn. Bí đao không chỉ là thực phẩm ngon miệng mà còn là vị thuốc quý, có lợi cho sức khỏe, nhất là ăn trong mùa hè.
Mợ bảo, bí càng sẫm màu thì càng chứa nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất, giúp cải thiện tiêu hóa, làm chậm lão hóa và kiểm soát lượng đường trong máu. Chính vì vậy, món ngon từ bí đao thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm gia đình. Đặc biệt, bí đao còn được chế biến thành những món ăn uống vặt như mứt bí đao, trà bí đao…
Trà bí đao mợ làm không cầu kỳ nhưng cần tỉ mỉ. Sau khi rửa sạch bí đao, mợ cắt bí thành các khoanh tròn, dày khoảng 1 cm, gọt bỏ vỏ. Mợ chọn những trái bí già và to với phần vỏ bên ngoài có màu xanh đậm để nấu trà. Ngoài ra, nên bỏ phần ruột bí trước khi sơ chế, tiếp theo rửa với nước muối pha loãng. Thao tác này giúp trà bí đao sau khi nấu được ngon hơn, không bị chua. Kế tiếp, chẻ mía lau thành từng thanh nhỏ, đặt vào phần dưới đáy nồi. Cho bí đao và la hán quả, nước, thục địa vào nồi, nấu trong ít nhất 2 giờ với lửa vừa (la hán quả và thục địa được bán nhiều ở các tiệm thuốc bắc). Rửa sạch lá dứa, vò cho ra hết tinh dầu. Đến khi thấy bí đao đã mềm, thắt gút lá dứa lại rồi cho vào nồi nấu cùng khoảng dăm phút. Trước khi tắt bếp, cho ít đường phèn vào, khuấy đều đến khi phần đường này tan hết thì tắt bếp. Tiếp tục lọc phần nước trong nồi, cho trà bí đao vào chai để dành uống dần.
Một ly nước bí đao với đá đập sẵn là món giải khát bổ dưỡng, thanh nhiệt cho những ngày hè. Chỉ cần mỗi ngày thưởng thức một ly thôi sẽ giúp cơ thể thanh mát, dễ ngủ, chống hoa mắt, chóng mặt… Trà bí đao chỉ nên sử dụng tối đa trong 2 ngày sau khi nấu, vì nếu để quá lâu, bí đao sẽ mất đi chất dinh dưỡng và không tốt cho sức khỏe.
Bình luận (0)