Người đàn bà trong ngôi nhà cổ
Chiều. Chợ Phú Xuân nhộn nhạo. Những mẹt thủy sản tươi rói của sông Nhà Bè luôn làm ngôi chợ vùng ven Sài Gòn này bừng tỉnh lúc hoàng hôn. Giữa lối đi đầy tôm - cua - cá - ốc, thấp thoáng một mái ngói đượm màu. Bước qua cánh cửa hẹp, sau quầy ớt - chanh - hành - tỏi là một thế giới khác. Thế giới đó của chị. Người đàn bà có tên Viên Trân.
tin liên quan
Người Sài Gòn diện áo dài xúng xính chụp ảnh ở 'phố ông đồ'Đó là ngôi nhà theo kiến trúc Pháp. Cổ nhất nhì vùng Nhà Bè. Nhà được ông sơ của Viên Trân - ông Lâm Ngọc Hườn, vốn là một kiến trúc sư của Hoàng gia Cao Miên - xây từ những năm 20 của thế kỷ trước.
Từ sân nhìn lên căn gác có cánh cửa sổ đang mở. Đó là trà thất của chị. Không gian như mơ hồ bên hàng đèn dầu đã nổi mốc xanh. Hàng trăm quyển sách cổ ngay ngắn trên kệ. Hàng chục bộ ấm trà tưởng chừng được quật lên từ lòng đất. Người đàn bà bốn mươi lăm diện chiếc áo dài lụa như trước nay vẫn từng. Chị thủng thỉnh châm bình trà, nhấp một ngụm rồi chăm chú vào những cánh hồng nhung đỏ thắm. Người đàn bà ấy đang chuẩn bị một món quà cho mùa xuân. Chị thong thả giã những cánh hoa hồng nhung; vắt lấy nước cốt; rồi dùng cọ phết lên miếng giấy xuyến chỉ nhỏ chừng hai ngón tay. Phết xong một lớp, lại kẹp giấy lên dây treo bên cửa sổ hong khô. Hong xong lại phết tiếp. Cả chục lần lặp đi lặp lại như vậy mới hoàn thành một miếng son môi. Đó là loại son mà ngày nay chúng ta chỉ còn thấy qua hình ảnh của những mỹ nhân xưa trong phim ảnh.
|
|
Nước cốt hoa hồng còn được Viên Trân tẩm với thạch cao làm phấn. Hiếm ai biết rằng viên phấn má hồng thần kỳ này đã trở thành bí quyết làm đẹp của chị suốt nhiều năm nay.
Phấn và son cánh hồng chỉ là hai trong rất nhiều sản phẩm cổ xưa được tái hiện trong bản thảo quyển sách Bốn mùa trà rượu nước hương của nghệ nhân Viên Trân. Một người đàn bà mộng mị đắm đuối trong những nét đẹp của văn hóa Việt từ nhiều thế kỷ trước.
Trà trăm năm vẫn thế. Bát ngát mùi bể dâu...
Đó là câu thơ chị đúc kết sau những thăng trầm.
Ảnh hưởng của gia đình, Viên Trân đọc sách nghiên cứu văn hóa từ nhỏ xíu. Bao trang sách ố vàng và những người bạn trà của ông cố đã cho cô bé Phụng (tên thật của Viên Trân) chu du vào thế giới đĩnh đạc hơn nhiều cái tuổi của mình. Lớn lên, chị lại tiếp tục nghiên cứu; viết sách, đi dạy ở trường đại học về văn hóa VN; phục chế - sáng tác ra các loại trà thuần Việt.
"VN có văn hóa trà không? Sao trên kệ sách toàn sách trà đạo Nhật Bản, Trung Quốc? Người VN có văn hóa trà riêng, cớ sao phải nhập nhằng vay mượn?", với tư cách là Hội trưởng Chi hội trà Việt tại Hội hữu nghị Việt - Nhật, người phụ nữ này mang những trăn trở đến các hội thảo.
|
|
"Mình đã lớn lên trong một khu vườn rộng. Mỗi sáng, mình hay theo ông cố đi tưới hoa rồi thưởng trà. Ông chỉ dùng hoa trong vườn để ướp trà. Hương ngọc lan thanh khiết; hoa sen trầm ấm; hoa lài và nguyệt quế nồng nàn; hoa cúc mộc mạc; hoa hồng kiêu sa... Hương trà và cung cách uống trà của người Nam bộ đã thấm đẫm trong tâm hồn mình từ lúc nào. Để giờ đây, khi nhìn người ta ướp mùi hóa học cho trà, mình chợt phẫn nộ và muốn phục chế nhiều loại trà Việt", chị bày tỏ.
tin liên quan
Mời bạn bè quốc tế vui Tết Việt ở OsakaNgoài trà sen, Viên Trân còn phục chế hàng chục loại trà ướp hoa xa xưa. Những thứ tưởng chừng không mang đến một nguồn thu nhập ổn định nhưng giúp người phụ nữ này tìm người đồng điệu.
Không ai như Viên Trân, thu nhập được bao nhiêu đều chắt chiu nuôi quán trà. Giữa thời buổi người ta rần rần uống trà sữa, nghệ nhân này chia sẻ không gian trà Việt truyền thống để... đợi tri âm. Người đàn bà quanh năm mặc áo dài và bà ba này lặng lẽ ôm niềm đam mê rong ruổi nhiều nơi giữa Sài Gòn. Từ quận nhất, quận ba đến Phú Nhuận. Nơi nào chị cũng đủ thuê một mặt bằng nho nhỏ, bày biện đồ trà, đủ ấm cúng cho những cuộc hội ngộ.
Mấy năm trước, Giáo sư Trần Văn Khê hay đến thưởng trà, bàn luận về trà. Giờ ông đã ra người thiên cổ. Những người bạn trà vốn đã lớn tuổi ngày càng khuất bóng thời gian. Quán trà Việt của chị vẫn cứ khép nép bên những cửa hàng bệ vệ. Thế nhưng trong không gian ấy, chủ nhân vẫn luôn dành tách trà thơm bốc khói cho những người bạn muốn chia sẻ tình yêu trà Việt.
|
Trú xứ của tâm hồn
Nhìn cái quán trà nhỏ bé, nhiều người cứ tưởng chị không biết kinh doanh. Ít ai ngờ Viên Trân từng là giám đốc truyền thông, rồi từng làm chủ một khu nhà xưởng lớn ở Sài Gòn. Thế nhưng sau cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, người đàn bà này nghiệm ra rằng tiền bạc không mang đến cho người ta hạnh phúc. Chị lui về cõi riêng của mình, đó là cõi trà.
tin liên quan
Người Việt xưa ăn Tết tháng 11 âm lịch; là dịp làm mới, hàn gắnCũng từ trà, người đàn bà này đã tìm được người vá lại mảnh vỡ của trái tim mình. Đó là người đàn ông lặng lẽ giữ xe cho khách đến quán trà cho chị đỡ gánh nặng chi phí. Người đàn ông ấy cũng từng một lần bị đổ vỡ hôn nhân. Và anh cũng từng là giám đốc cho một thương hiệu nước ngoài tại VN.
"Nhiều người vẫn nghĩ có nhiều tiền là hạnh phúc. Mình từng có rất nhiều tiền... Nhưng ngay khoảng thời gian này, mình mới cảm nhận niềm hạnh phúc", người đàn bà có nụ cười trẻ thơ chia sẻ.
|
Làn gió heo may từ con sông Nhà Bè mơn man những cành mai vàng ngoài sân đang chớm nụ. Trong trà thất đẫm hương thảo mộc. Anh nhẹ nhàng mở những cánh sen hồng e ấp cho chị đổ trà vào nhụy hoa. Hai người đang làm món trà ướp hoa sen tặng thân hữu mùa xuân này. Anh châm lửa cho chị sấy hoa sen. Củi lò sấy ấm áp khiến đôi má người phụ nữ ửng hồng. Chị bảo, chị yêu những khoảnh khắc này. Giản dị nhưng quý giá xiết bao với một người đàn bà đã trải qua dâu bể.
Nghệ nhân Viên Trân
Sinh năm 1972, tại Sài Gòn
1990: Học ĐH Sư phạm Ngoại ngữ và Học viện Bưu chính viễn thông
1996: Thành lập DNTN Vien An Advertisement and Trading
2002: Thành lập Hương Trà Việt và hoạt động đến nay
2005 - 2010: Học lớp Hán văn Phật học nâng cao 2 tại Viện Nghiên cứu Phật học
2013: Hội trưởng Chi hội trà Việt tại Hội Hữu nghị Việt - Nhật
Từ 2010 đến nay: Thỉnh giảng môn Việt Nam học và Văn hóa du lịch tại một số trường đại học; hợp tác với Ban Khoa giáo Đài truyền hình TP.HCM và Đài truyền hình Đồng Tháp chuyên đề ẩm thực VN và trà VN.
|
Người truyền tình yêu trà Việt
Đã chứng kiến những giai đoạn thăng trầm buồn vui của bạn, nhưng dù thế nào vẫn chung thủy son sắt với trà. Có lần bắt buộc phải dời quán trà trong tình cảnh hết sức chật vật, ông xã Trân tâm sự: “Không có quán trà, chắc Trân không sống nổi!”. Nói vậy cũng không quá. Bởi vì mình đã chứng kiến cảnh Viên Trân đi làm nhiều nơi chỉ để có tiền nuôi... quán trà. Mà quán trà ấy không phải để kinh doanh. Trân mở ra cốt để... đợi tri âm, chia sẻ tình yêu trà Việt.
Nhiều bạn bè thấy Trân vất vả, nhiều khi cũng xót. Nhưng rồi ai cũng âm thầm ủng hộ bạn bằng cách đi công tác xa đều mang về tặng bạn những chiếc bình, những bánh trà hay đơn giản là chiếc lá trà. Bạn có cả bộ sưu tập lá trà ép trong sách. Thỉnh thoảng lại mang ra nâng niu...
Người còn giữ được những nét văn hóa xưa như Viên Trân bây giờ thật hiếm. Những đứa cháu trong gia đình lớn lên đều được Trân truyền tình yêu với trà, tập cho cách pha trà và thưởng trà.
Vũ Thị Thanh Hà, kế toán viên
Không có đam mê sẽ không thể theo đuổi bền bỉ
Viên Trân là một phụ nữ khá đặc biệt. Với tôi, đó là một nghệ nhân tài năng, đủ công - dung - ngôn - hạnh theo tiêu chí của người Nam bộ xưa. Thêm vào đó, cô ấy có sự tìm tòi nghiên cứu về trà Việt và văn hóa dân tộc. Một lĩnh vực mà nếu không có niềm đam mê sẽ không thể bền bỉ theo đuổi như cô ấy.
Bác sĩ Đặng Công Hân, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định
|
Bình luận (0)