Hướng xuất hành của lòng biết ơn

13/02/2021 14:00 GMT+7

Tết, lên mạng xem, có rất nhiều chỉ dẫn cặn kẽ về hướng xuất hành sáng mùng một Tết. Năm nay Tân Sửu cũng vậy. Và rất nhiều năm trước cũng vậy.

Nhưng từ gần 20 năm nay, sáng mùng một Tết với gia đình tôi chỉ có một hướng xuất hành duy nhất: đi thắp hương viếng mộ ở nghĩa trang liệt sĩ thành phố.
Hướng xuất hành không thay đổi, và giờ xuất hành cũng gần như không thay đổi: đó là giờ Mão (từ 7-9 giờ sáng).
Mấy năm đầu tiên khi gia đình tôi chọn hướng xuất hành này, mà tôi gọi là “Hướng xuất hành của lòng biết ơn”, có rất ít người đồng hành cùng chúng tôi. Nhưng rồi, năm qua năm, Tết qua Tết, số người đồng hành theo hướng của lòng biết ơn ngày càng đông thêm.
Sáng mùng một Tết Tân Sửu năm nay, khi gia đình chúng tôi tới nghĩa trang liệt sĩ Núi Bút, thì đã thấy khá đông người đến viếng. Có hẳn một đoàn, ăn mặc rất chỉnh tề, áo vét, thắt cà vạt, đang chuẩn bị hành lễ trước đài Tưởng niệm liệt sĩ. Một anh trong đoàn thấy tôi đã chào vồn vã. Tôi hỏi đây là đoàn nào, anh nói là đoàn của phường Nghĩa Lộ, gồm cả mặt trận, đoàn thanh niên, lãnh đạo phường…nghĩa là “đầy đủ thành phần”, tới viếng nghĩa trang sáng đầu năm.
Tôi cảm thấy rất nhẹ lòng khi biết, ngày càng nhiều người, từ quan chức tới nhân dân, biết chọn hướng xuất hành sáng mùng một Tết. Hướng ấy không có tài lộc, cũng chẳng có hỷ thần, nhưng là hướng của lòng biết ơn-một phẩm chất vào hàng cao cả nhất của con người.
Chúng ta sẽ sống thế nào nếu không có lòng biết ơn?
Nghĩa trang liệt sĩ Núi Bút Tết này trông khang trang hẳn, tươi sáng hẳn, vì tất cả những ngôi mộ liệt sĩ đã được thành phố cho quét sơn vôi, và dọn cỏ rác hết sức sạch sẽ. Mỗi ngôi mộ liệt sĩ đều có một lọ hoa, dù là hoa giả, nhưng cũng làm nên sự trang trọng, thành kính. Tất cả những người đến thắp hương, dù là viếng mộ thân nhân mình, đều thắp hương cho các liệt sĩ. Có quá nhiều ngôi mộ liệt sĩ, cho tới bây giờ, vẫn là mộ “chưa xác định được tên”, cụm từ này thay cho cụm từ “liệt sĩ vô danh” khá phản cảm trước đây. Nào có ai vô danh trên đời này, nhưng các liệt sĩ “chưa xác định được tên” đã hy sinh không chỉ cuộc sống của mình, mà cả cái tên cha sinh mẹ đẻ của mình. Đó là sự hy sinh tuyệt đối, vì Tổ quốc. Tôi cắm hương trên mộ các anh chị, nhìn dòng chữ mà lòng rưng rưng. Có thể, mãi mãi vẫn chưa tìm được đúng tên của các anh chị, vì thế, sự hy sinh càng trở nên cao cả. Tôi chợt nghĩ đến một người bạn học cùng lớp mình hồi cấp ba ở trường Chu Văn An Hà Nội. Anh ấy tên là Thuận. Hồi cùng học, Thuận là một cầu thủ tài năng của đội bóng trường Chu Văn An. Chúng tôi đã cùng học tập, cùng vui chơi với nhau suốt 3 năm cấp ba, và tôi nhớ, Thuận là một người bạn cực hiền. Gia đình anh cũng nghèo, như phần lớn bạn học cùng lớp ngày ấy. Sau khi không vào được đại học, Thuận đi bộ đội. Chúng tôi xa nhau, mãi sau này tôi mới biết, Thuận đã vào chiến trường miền Nam, và đã hy sinh ở đâu đó trên dải đất miền Nam đầy máu lửa này.
Cách đây đã nhiều năm, tôi có viết một bài thơ tưởng nhớ người bạn học của mình, và tôi nghĩ, bài thơ nói được nỗi lòng của rất nhiều học sinh có bạn học đi bộ đội, vào chiến trường, và đã hy sinh. Cho tới bây giờ, gia đình vẫn chưa biết Thuận hy sinh cụ thể ở đâu, thì làm sao biết mộ Thuận nằm ở chỗ nào.
Đây là bài thơ tôi viết để tưởng nhớ người bạn học của mình:
THANH THẢO
                  THUẬN
những đường bóng của Thuận ngày ấy
đẹp ngẫu nhiên
có thể dắt bóng lách qua đối phương
Thuận không dắt nổi đời mình
lách qua số phận
“hy sinh ở chiến trường miền Nam”
những đường bóng của Thuận ngày ấy
không vô danh

thắp thêm một nén hương trên mộ liệt sĩ
mình nghĩ, biết đâu, may ra, sẽ gặp nơi Thuận nằm
cái sân bóng mênh mang
vắng lạnh
và tiếng loa thông báo thản nhiên
“hy sinh ở chiến trường miền Nam”
quả bóng tròn
bây giờ thành quả đất
mãi mãi Thuận nằm phía khuất
đường Thụy Khuê vườn Bách Thảo sân trường…
Bây giờ, mỗi khi thắp hương trên mộ liệt sĩ, nhất là các liệt sĩ “chưa xác định được tên”, tôi lại nghĩ, biết đâu, mình đang thắp hương trên mộ người bạn mình. Dù đó chỉ là mong ước, nhưng đó cũng là một niềm an ủi, nhất là với những người từng đi qua chiến tranh.
Về viếng nghĩa trang liệt sĩ vào sáng mùng một Tết, đó là “Hướng xuất hành của lòng biết ơn” mà mỗi chúng ta có thể tự chọn cho mình. Tôi tin, các liệt sĩ sẽ phù hộ cho những ai sống với lòng biết ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.