K’rể là một cháu bé tí hon đúng theo nghĩa đen. Trường hợp “không thể lớn” của cháu, trên thế giới không có quá 5 người, còn ở Việt Nam, cháu K’rể là trường hợp duy nhất.
Sinh ra trong một gia đình nghèo người dân tộc H’re trên núi Gò Da, câu chuyện K’rể không thể lớn, ban đầu đã khiến gia đình cháu và xóm làng hoảng sợ. Nhưng rồi, tất cả mọi người đã sớm nhận ra, cháu chỉ là một trường hợp đặc biệt về thể chất. Gia đình bố mẹ đã yêu thương cháu. Bà con xóm làng đã yêu thương cháu, dù chưa biết cháu sẽ phát triển như thế nào. Cho tới năm cháu 8 tuổi, cơ duyên đã cho cháu và thầy giáo Cương gặp nhau ở trường tiểu học dân tộc Sơn Ba. Từ đó, K’rể bắt đầu có một cuộc sống khác, giống như bao đứa trẻ bình thường khác, dù cháu không thể là một đứa trẻ phát triển bình thường. Từ năm 2015 tới hôm nay, khi cháu qua đời, K’rể đã có những tháng năm thật sự hạnh phúc. Cháu đã sống trong tình thương yêu của bố mẹ cháu, và đặc biệt, của gia đình thầy Cương, một gia đình nhà giáo đã nhận cháu là con, coi cháu như con đẻ. Điều hạnh phúc nữa là, hai đứa con của vợ chồng thầy Cương rất thương yêu K’rể, đứa em ít tuổi hơn K’rể luôn gọi cháu là anh. Tôi đã được xem những đoạn clip quay về những cảnh sinh hoạt thường ngày của cháu bé kỳ lạ này, và nhận thấy cháu rất bình thường. K’rể đá bóng, K’rể thả diều, K’rể chơi vui với các bạn ở trường Sơn Ba như một thành viên của trường. Đến lớp học thường xuyên, dù không học được chữ, không biết nói rành rẽ, nhưng K’rể có hiểu biết, và nhất là, có tình yêu thương như những đứa trẻ bình thường khác. Cả cộng đồng, từ Quảng Ngãi tới cả nước, đã biết cháu bé tí hon vô cùng dễ thương này, và đã yêu thương cháu không chỉ vì cháu đặc biệt, mà vì cháu là một đứa trẻ bình thường vui vẻ tiếp nhận tình yêu thương của tất cả mọi người.
“Hãy coi cháu như một đứa trẻ bình thường”, đó là thông điệp đầu tiên của K’rể gửi tới mọi người. Vài năm cuối đời, cháu đã lần đầu tiên phát âm được tiếng “Mẹ”, dành cho người mẹ nuôi của mình, là vợ thầy giáo Cương. Cháu gọi “mẹ”, và biết bóp chân cho mẹ khi mẹ làm việc nhiều bị đau nhức chân. Cháu không chỉ biết nhận về tình yêu thương, mà đã biết cho đi tình yêu thương của mình. Đó là thông điệp thứ hai: “Tình yêu thương là biết cho đi và nhận lại”.
Những giáo sư y khoa ở Hà Nội, khi thầy Cương ôm cháu ra Hà Nội thăm khám, đã nói riêng với thầy Cương: “ Cháu không thể có tuổi thọ cao, vì trường hợp căn bệnh này mặc định như vậy. Nhưng nếu yêu thương cháu thật nhiều, cháu sẽ có một cuộc sống hạnh phúc.”
Và không chỉ gia đình thầy Cương hay gia đình cháu K’rể, mà cả cộng đồng lớn đã dành cho cháu nhiều tình yêu thương nhất. Cháu đã sống những tháng năm hạnh phúc thật sự, như mọi đứa trẻ cùng tuối cháu được nhận từ gia đình và những người thân. Cháu không nói được, nhưng những biểu cảm của cháu đã nói lên rằng, cháu là một đứa trẻ đầy tình cảm. Cháu có thể hát những lúc vui, khóc những lúc buồn, như mọi đứa trẻ khác cùng tuổi cháu.
Hôm nay, cháu đã trở về quê nhà Gò Da trong những giọt nước mắt của tất cả những người thương yêu cháu, của gia đình thầy Cương, của bà con xóm Gò Da. Chỉ sống được 13 năm, nhưng cháu Đinh K’rể đã có một cuộc đời chan hòa hạnh phúc.
Và đây là thông điệp sau cùng cháu gửi lại cho chúng ta: “ Tất cả rồi sẽ ra đi, chỉ tình yêu thương còn lại”.
Xin vĩnh biệt cháu!
Bình luận (0)