Hút thuốc lá nguy hiểm như thế nào trong đại dịch Covid-19?
Từ những bệnh lý nền về hô hấp hoặc tim mạch, người hút thuốc lá hay người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi nhiễm Covid-19. Đây là lời khuyến cáo không thể bỏ qua của bác sĩ.
Tự động phát
Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, với khoảng 18 triệu người. Đó là còn chưa kể đến những người dù không hút thuốc lá nhưng lại chịu những hậu quả nghiêm trọng từ việc tiếp xúc gần với khói thuốc.
|
Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sử dụng thuốc lá hay thuốc lá điện tử được xem là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Vì vậy những người hút thuốc dễ bị viêm phổi do vi khuẩn và virus, bao gồm cả virus gây bệnh Covid-19.
“Chúng ta biết rằng một cái người nhiễm virus Corona có thể trải qua 3 giai đoạn cơ bản: giai đoạn đầu tiên nhân lên của virus, gian đoạn thứ 2 là đáp ứng quá mức của hệ miễn dịch, giai đoạn thứ 3 là tàn phá phổi. Tuy nhiên không phải ai cũng trải qua giai đoạn này, trong đó các bạn biết rằng có 80% những người mắc Covid-19 thể hiện ở thể nhẹ, còn 20% còn lại là thể hiện ở thể nặng hoặc nguy kịch. Như vậy cái người có lá phổi hút thuốc lá, đặc biệt là lâu năm ảnh hưởng đáng kể thì rất dễ rơi vào 20% này”, Ông Lê Hồng Anh - BS.CK2 chuyên ngành bệnh phổi và lao, TP.HCM cho biết.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, nghiên cứu dịch tễ học gần đây cho thấy những người hút thuốc khi nhiễm Covid-19 có nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt, thở máy hoặc tử vong cao gấp 2,4 lần bình thường.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền SARS-CoV-2 từ tay lên miệng. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc như: thuốc lào, ống điếu, ống tẩu,... ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền virus. Đó là còn chưa kể người hút thuốc khi hút không thể đeo khẩu trang khiến nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết thuốc lá làm hơn 8 triệu người trên toàn cầu tử vong mỗi năm. Hơn 7 triệu người trong số đó hút thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút nhưng tiếp xúc với khói thuốc.
|
"Tôi hút được khoảng 30 năm nay rồi. Tần suất hút một ngày là khoảng một gói. Hút thuốc đầu tiên là lúc thời còn trẻ mình cũng muốn hút để mình thể hiện mình. Khi mà mình thể hiện xong rồi thì càng ngày nó trở thành thói quen nên cuối cùng mình nghiện Khoảng 20 năm nay rồi, khi mình nhận kết quả mình bị lao phổi thì mình cũng sợ, bản thân tôi lúc đó là ho ra máu rồi. Mình cũng tâm sự thật thế này, một khi những bạn nào đã hút và đang hút và chuẩn bị hút thì nên ngưng lại, tốt nhất là nên ngưng lại không nên hút. Hút thì có nhiều cái tác động nó không hay đến sức khỏe của mình”, Ông Mạnh Hùng, Q. Tân Bình, TP.HCM chia sẻ.
Trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn, mỗi cá nhân cần ý thức làm tất cả những gì có thể, trong đó có việc nói không với thuốc lá, để giữ cho lá phổi khoẻ mạnh. Từ đó giúp làm giảm nguy cơ nhiễm Covid-19 đồng thời hạn chế những ảnh hưởng xấu nhất của bệnh nếu không may mắc phải.
Bình luận (0)