HĐXX phiên tòa phúc thẩm vụ án vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm (58 tuổi, P.Trần Lãm, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình), Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết, và bà Phạm Thị Quyết (53 tuổi) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cho rằng cấp sơ thẩm xét xử sơ sài, CQĐT chưa làm rõ được nhiều vấn đề; đồng thời đề nghị khởi tố Đường “Nhuệ”.
Trước đó, ngày 16.4.2018, ông Lẫm, bà Quyết bị Công an TP.Thái Bình bắt về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sau khi một chủ nợ là ông Đỗ Văn Tới (65 tuổi, ngụ P.Phúc Khánh, TP.Thái Bình) tố cáo đã chiếm đoạt khoản vay 900 triệu đồng. Ngày 12.6.2019, ông Lẫm, bà Quyết bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 14 và 13 năm tù. Tuy nhiên, hai người này liên tục kêu oan.
Liên quan vụ việc này, tại phiên xét xử phúc thẩm diễn ra ngày 11.5, HĐXX cho rằng cần làm rõ mâu thuẫn trong lời khai trả tiền của ông Lẫm, bà Quyết. Ngoài ra, CQĐT cần làm rõ vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết đã trả tiền cho ông Tới hay chưa. Theo HĐXX, cấp sơ thẩm và quá trình điều tra của Công an TP.Thái Bình còn sơ sài, quy kết hành vi chưa rõ ràng.
Trong cáo trạng của Viện KSND (VKS) tỉnh Thái Bình, kết luận điều tra vụ án và bản án sơ thẩm đều cho rằng việc ông Lẫm và bà Quyết bỏ trốn là dấu hiệu tội chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm cho rằng cần làm rõ việc vợ chồng ông Lẫm có bỏ trốn hay không, vì sao trốn, đi những đâu, thời gian nào, làm việc gì?...
Trước tòa, vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết đều cho rằng do lo sợ bị Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”, 49 tuổi, ngụ P.Kỳ Bá, TP.Thái Bình; là người đã bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố để điều tra về tội cố ý gây thương tích, chiếm đoạt tài sản trong 3 vụ án) giết nên mới trốn.
HĐXX phúc thẩm cũng nhận thấy quá trình điều tra cần làm rõ việc ông Tới có vay tiền ngân hàng rồi cho vợ chồng ông Lẫm vay lại hay không. Đặc biệt, cần làm rõ việc chiếc xe Camry là tài sản thế chấp có hợp pháp hay không. Điều này, cấp sơ thẩm không làm được. Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về VKS tỉnh Thái Bình giải quyết theo quy định của pháp luật. Còn ông Lẫm, bà Quyết bị cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến khi VKS tỉnh thụ lý lại vụ án.
Trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án vợ chồng ông Lẫm, Đường “Nhuệ” cũng được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và trách nhiệm liên quan. Theo thông tin Thanh Niên thu thập, năm 2017, vợ chồng ông Lẫm vay của Đường “Nhuệ” 1,7 tỉ đồng. Sau đó, Đường “Nhuệ” đòi nợ; vợ chồng ông Lẫm xin khất, nhưng Đường không đồng ý và yêu cầu vợ chồng ông Lẫm bán lại Công ty TNHH Lâm Quyết để trừ nợ.
Ngày 3.10.2017, Đường dẫn người đến chiếm Công ty TNHH Lâm Quyết và đe dọa vợ chồng ông Lẫm. Ngày 16.10.2017, gia đình ông Lẫm gửi đơn tới cơ quan chức năng, tố cáo Đường chiếm đoạt, tẩu tán, phá hoại tài sản, đe dọa giết người. Đến ngày 19.10.2017, người của Đường rút khỏi Công ty TNHH Lâm Quyết. Công ty TNHH Lâm Quyết sau đó phát hiện mất nhiều tài sản, hồ sơ quan trọng.
Tại phiên tòa hôm qua (11.5), Đường thừa nhận cùng con nuôi là Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến “trắng”) đến Công ty TNHH Lâm Quyết. Tuy nhiên, khi thấy nhiều người có mặt tại đây định mang đồ đạc đi, Đường đã có “ý tốt” giữ tài sản cho vợ chồng ông Lẫm, nên đã ngăn cản. Đường “Nhuệ” cũng phủ nhận việc huy động đàn em chiếm và cướp phá tài sản Công ty Lâm Quyết. Thế nhưng, nhiều nhân chứng được triệu tập đến phiên tòa phúc thẩm đều cho biết Đường “Nhuệ” cùng đàn em đã chiếm Công ty Lâm Quyết.
HĐXX phúc thẩm cho rằng Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình không khởi tố việc Đường “Nhuệ” xâm phạm bất hợp pháp Công ty TNHH Lâm Quyết là chưa thận trọng, thiếu căn cứ, không điều tra quyết liệt; đồng thời kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình và VKS tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, phục hồi điều tra Đường “Nhuệ” cùng đồng bọn về hành vi chiếm Công ty TNHH Lâm Quyết. Ngoài ra, Công an tỉnh Thái Bình cần xem xét làm rõ có hay không việc Đường “Nhuệ” cho vợ chồng ông Lẫm vay nặng lãi, với khoản tiền 1,7 tỉ đồng.
Bình luận (0)