Huyền bí đảo Lý Sơn: Hang Kẻ Cướp và kho vàng bí ẩn

02/02/2023 07:13 GMT+7

Lý Sơn trong nhiều thế kỷ ở quá khứ nằm trên đường hàng hải nhộn nhịp, nối liền Trung Quốc với Ấn Độ dương và thế giới Hồi giáo, Ả Rập, Trung Á, Bắc Phi, Địa Trung Hải.

Khu vực này có nhiều nhóm cướp biển chuyên phục kích các tàu buôn biển, lắm khi tràn vào cướp phá người dân trên đảo cũng như ven bờ biển phía đất liền và không ít lần gây nên những vụ tàn sát kinh hoàng.

Lý Sơn có hai hòn đảo chính là cù lao Ré (đảo Lớn) và cù lao Bờ Bãi (đảo Bé). Khi đảo Lớn đã có người thì sau đó rất lâu đảo Bé vẫn còn hoang vu, vì ở đó không thể đào giếng lấy nước ngọt, việc sinh sống và canh tác của con người gặp rất nhiều khó khăn. Đảo vắng, nhiều hang động và sóng gió vần vũ quanh năm khiến đảo Bé trở thành nơi ẩn nấp của rất nhiều toán cướp biển, thậm chí có những toán hải tặc lấy nơi này làm nơi trú đóng dài ngày và cất giấu lương thực, thực phẩm cũng như tài vật có được do cướp bóc.

Huyền bí đảo Lý Sơn: Hang Kẻ Cướp và kho vàng bí ẩn  - Ảnh 1.

Bãi nham thạch ở đảo Bé tương truyền là khu vực có hang Kẻ Cướp

Trong lịch sử, đã có nhiều lần, những nhóm hải tặc xuất phát đảo Bé tấn công sang đảo Lớn hoặc vào cửa Sa Cần, cửa Sa Kỳ, cửa Đại Cổ Lũy, Vũng Quýt (Dung Quất), gây ra các vụ giết người, cướp của rất dã man.

Sách Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: "Năm 1867, thuyền giặc biển 22 chiếc vào cửa Sa Kỳ lên trên cạn hơn 300 tên, quan tỉnh Quảng Ngãi vì có ít quân, xin điệu quân ở quân thứ Tĩnh Man hội lại cùng đánh…".

Đến nay, nhiều người vẫn đồn đoán, đảo Bé chính là nơi giấu vàng của bọn cướp thời đó như cách mà người đọc hình dung từ tác phẩm Đảo giấu vàng của Robert Louis, nhà văn nổi tiếng người Scotland.

Trong các nhóm hải tặc ở Biển Đông, giặc Tàu Ô cướp phá thường xuyên nhất và duy trì hoạt động mãi đến đầu thế kỷ 20. Địa bàn chủ yếu của giặc Tàu Ô kéo từ vùng biển Nam Trung Hoa, Đài Loan, Hải Nam (Trung Quốc) đến dọc vùng biển Bắc bộ, Trung bộ (trong đó có Lý Sơn) của Việt Nam.

Từ thế kỷ 17, xuất hiện nhiều hơn các nhóm Tàu Ô cướp biển. Lúc này, bên Tàu, người Mãn tiêu diệt nhà Minh lập nên nhà Thanh, nhiều quan lại nhà Minh trốn vào rừng hoặc lánh ra biển. Một phần trong số đó biến chất dần và gia nhập vào đội quân thổ phỉ ở Vân Nam (Trung Quốc), miền núi phía bắc Việt Nam, số còn lại trở thành hải tặc miền duyên hải ở Nam Trung Hoa và ven biển Việt Nam.

Huyền bí đảo Lý Sơn: Hang Kẻ Cướp và kho vàng bí ẩn  - Ảnh 2.

Một khối nham thạch ở bãi sau (đảo Bé, Lý Sơn)

Trong số các hang đá ở Lý Sơn, hang Kẻ Cướp là nơi gắn với nhiều câu chuyện kỳ bí nhất mà đến nay vẫn còn lưu truyền trong dân chúng. Bóng dáng những kẻ cướp hung bạo và đầy bí ẩn; hình ảnh những thủy quái ăn thịt người gào thét trong đêm hay bóng ma chập chờn trong khói sóng là những gì vẫn được hình dung trong các câu chuyện về hang đá bí ẩn này.

Hang Kẻ Cướp nằm ở mặt sau của đảo. Ban đầu hang có tên là Chàng Thiếp. Theo lời kể của các bậc cao niên, hàng trăm năm trước, khi đảo Bé chưa có người sinh sống, đôi trai gái nọ sống trong đất liền, yêu thương nhau mà gia đình đôi bên không đồng ý nên đã đi thuyền ra đảo hoang, lấy hang đá làm tổ uyên ương. Một thời gian về sau, hai gia đình mất con đã hiểu ra chuyện, thông cảm cho đôi trẻ và cho làm lễ tác hợp. Hang đá mà đôi trẻ từng sinh sống trở lại hoang vắng như trước, nhưng lại được dân làng đặt cho một tên mới là hang Chàng Thiếp.

Có một nhóm hải tặc đã chọn đảo Bé làm nơi trú ngụ, vì nơi đây còn hoang vắng. Hang Chàng Thiếp bị chúng chiếm làm nơi ăn ngủ. Kể từ đó hang Chàng Thiếp được biết đến với tên hang Kẻ Cướp.

Đến nay, nhiều người Lý Sơn vẫn còn nhắc những lần cướp biển vào cướp phá trên đảo và dùng hang Kẻ Cướp làm nơi giấu vàng. Nhiều người còn cho rằng, khu vực quanh miệng hang có nhiều mảnh sành sứ cổ vỡ nát chính là hũ đựng vàng của cướp biển. Lại có người cho rằng, có những đêm không trăng sao, họ nghe tiếng gào khóc của những hồn ma lẫn trong tiếng sóng vỗ, tiếng gió rít từng hồi quanh bờ đá. Những câu chuyện truyền miệng như thế đã kích thích óc tò mò, mạo hiểm của nhiều người, trong đó có không ít những nhóm tìm vàng nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc.

Huyền bí đảo Lý Sơn: Hang Kẻ Cướp và kho vàng bí ẩn  - Ảnh 3.

Cổng Tò Vò (Lý Sơn)

Vậy thì hang Kẻ Cướp ở đâu? Tại sao ở đây lại có những mảnh gốm sứ bị vỡ vương vãi?

Người ta đã tìm được câu trả lời hợp lý cho câu hỏi sau, ấy là những mảnh gốm sứ từ những con tàu đắm ở miền Trung trong những thế kỷ trước, mà người ta có thể không mấy khó khăn để tìm ra ở Lý Sơn, Sa Kỳ, Bình Châu, Dung Quất…

Còn hang Kẻ Cướp ở đâu lại là câu hỏi rơi vào vô vọng, mà nếu có cũng chỉ là những câu nói vu vơ của ai đó, hoặc là bịa đặt, hoặc nghe lõm từ người khác rồi "mắm muối" thêm vào! Bạn không tin điều này ư? Vậy xin hỏi bạn: Đã có ai cho bạn nhìn thấy một bức ảnh về hang Kẻ Cướp? Hay là ngày mai bạn sẽ khăn gói quả mướp đi tìm?

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.