Sau kỷ niệm mà Huyền Chip tự đặt tên là 'đau thương' tại hội trường Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace Hà Nội hồi tháng 9.2013, mới đây cô lại trở về ngay tại nơi này với tư cách mới, cùng thông điệp gửi tới các bạn trẻ VN: 'Lập trình đi!'.
Tuy nhiên, khi chia sẻ với Thanh Niên, Huyền Chip cho biết cô biết ơn những ngày tháng đó, bao gồm cả những kỷ niệm “đau thương”. Nhưng mức độ dũng cảm trong thái độ sống của cô vẫn không thuyên giảm.
tin liên quan
Phượt hay đi theo tour du lịch?
Sau đó thì Huyền “mất hút”, rồi có thông tin Huyền sang Mỹ du học, mà lại là ở một trong số những trường “đỉnh”. Vậy kế hoạch du học được Huyền vạch ra và chuẩn bị từ bao giờ?
Khi học xong THPT tôi từng muốn đi du học, trong đó ĐH Stanford là một ngôi trường ước mơ. Nhưng khi đó ước mơ viển vông, suy nghĩ ngây thơ, mà không có chuẩn bị gì nên bị Stanford từ chối (có một vài trường khác nhận nhưng tôi không hứng thú). Tôi không biết có bao nhiêu bạn 17 - 18 tuổi có một định hướng rõ ràng về tương lai cho mình. Còn với tôi hồi ấy, tương lai là cái gì đó mông lung, mờ nhạt. Tôi nghĩ mình còn trẻ, mình cứ làm những gì hiện tại mình thích cho đến 25 tuổi, rồi sau đó tính tiếp. Mà hồi ấy thích viết, thích đi du lịch, nên tôi đi và viết.0
Nhưng sau khi ra bộ sách Xách ba lô lên và đi, tôi rơi vào những chuyện ồn ào và phải chịu đựng một quãng thời gian khá là căng thẳng. Thực ra, lúc đó tôi cũng có một số lựa chọn nhưng rồi thấy mình còn nhiều lỗ hổng về kiến thức và kỹ năng, nên muốn sống trong một môi trường mà ở đó mình chỉ tập trung vào học tập. Từ tháng 10 - 12.2013, trong suốt 6 tuần lễ liên tục tôi chỉ chúi đầu vào học, thi và làm hồ sơ.
Hồi ấy Huyền nộp hồ sơ vào nhiều trường không hay chỉ mỗi ĐH Stanford?
|
Tôi nộp nhiều đấy. Không chỉ ở Mỹ mà còn ở châu Âu, Trung Đông, hay Argentina. Nhưng Stanford là trường tôi thích nhất, không chỉ vì nó là ngôi trường ước mơ từ xưa của tôi mà còn bởi thời tiết ở đó cũng rất đẹp. Tôi đã từng sang Mỹ, từng đến Stanford, thấy trường rất đẹp. Với lại tôi thích văn hóa của trường, một không gian điển hình cho bờ Tây nước Mỹ. Và gần Stanford còn có Thung lũng Silicon (bang California). Tôi cực thích tinh thần khởi nghiệp ở đó, nên đương nhiên là mơ ước được đến đó làm việc.
Nói tới Thung lũng Silicon người ta nghĩ ngay tới công nghệ thông tin. Lúc nộp hồ sơ vào Stanford là Huyền đã biết mình sẽ thích ngành khoa học máy tính?
Tôi quan tâm tới Thung lũng Silicon thực ra là quan tâm tới khía cạnh tinh thần khởi nghiệp mà người ta tạo dựng được ở đó. Còn khi nộp hồ sơ tôi chưa xác định được mình sẽ học ngành gì, vì ĐH Mỹ cũng không yêu cầu ứng viên chọn ngành ngay mà đến cuối năm 2 mới phải chọn. Lúc đó, với tôi việc đi học ĐH là bắt đầu hành trình khám phá đam mê của mình, nên tôi chọn môi trường nào cho mình nhiều khả năng, nhiều hướng đi nhất. Đây là một lựa chọn ứng dụng lý thuyết trong vật lý, tức là khi mình không biết mình thích cái gì thì mình cần phải làm sao để tiếp cận tối đa số lượng những con đường khác nhau. Stanford là một môi trường như vậy, bởi nó là một trong số ít trường của Mỹ mà hầu hết các ngành đều nằm trong top 10.
Thích chuyện khoa học viễn tưởng
Trong 2 năm đầu ở Stanford Huyền khám phá được những gì?
Trong năm đầu tiên, tôi học đủ các môn của khoảng 10 ngành khác nhau. Tôi học cả địa chất, rồi học diễn xuất, văn học... Tôi chọn những môn trong ngành khoa học máy tính ngay trong kỳ học đầu tiên và thích luôn, nên kỳ 2 tôi tiếp tục chọn khoa học máy tính, đến kỳ 3 thì tôi được chọn làm trợ giảng cho một môn của ngành này. Kể từ lúc đó tôi xác định mình sẽ học chuyên sâu vào ngành khoa học máy tính.
Hiện giờ thì Huyền đã chọn học chuyên sâu ngành nào trong khoa học máy tính?
Tôi có học thử một số ngành của khoa học máy tính, chẳng hạn như về hệ thống thì thấy không hợp vì rất khó. Rồi học thử an ninh mạng, lập trình web... cũng đều không thấy thích. Từ năm thứ 2 tôi học về trí tuệ nhân tạo và thấy mê. Vì tôi thích chuyện khoa học viễn tưởng, thích chơi game... Rồi tôi nhận thấy trí tuệ nhân tạo có nhiều tiềm năng ứng dụng trong cuộc sống thực. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp con người giải quyết được những khó khăn này.
|
Một ngày của Huyền diễn ra như thế nào?
Kỳ vừa rồi tôi không làm trợ giảng nhưng lại học 6 lớp với 22 tín chỉ cùng một lúc, nên rất bận. Mỗi ngày tôi chỉ được ngủ khoảng 6 tiếng. Sáng dậy làm bài tập, đọc tài liệu. Trưa đi ăn với bạn. Chiều làm bài tập. Buổi tối xem bài giảng. Rất may là trường tôi ghi hình các bài giảng rồi phát trên mạng, nếu sinh viên nào không muốn hoặc không thể lên lớp trực tiếp nghe giảng thì có thể xem các bài giảng qua máy tính của mình. Họ kiểm soát việc học của sinh viên thông qua kết quả (làm bài tập, thực hiện các dự án). Mỗi tuần các giáo sư có khoảng 4 giờ mở cửa phòng để sinh viên muốn trao đổi thì đến gặp (tuy nhiên phải gửi email hẹn trước).
Học dồn ép thế liệu có hiệu quả không?
Tôi nghĩ là hiệu quả. Bằng chứng là tôi vẫn có thời gian tham gia làm nghiên cứu, và được giải ở hai cuộc thi. Một giải thưởng tại cuộc thi Ericsson Innovation Awards (EIA) 2018 do Ericsson cho dự án mà tôi cùng làm với 2 người bạn Mỹ. Dự án được lọt vào nhóm 15 trong tổng số 1.400 dự án trên toàn cầu, và là dự án được yêu thích nhất của khu vực châu Mỹ. Ngoài ra, cá nhân tôi còn được giải thưởng của Snapchat (ở một dự án khác), là một suất học bổng trị giá 10.000 USD.
|
Phù hợp với môi trường nghiên cứu
Hồi bắt đầu ngừng “di chuyển” để chuyên tâm học hành, Huyền có thấy tù túng không?
Tôi thấy mình yếu đi vì ngồi khá nhiều. Nhưng tôi rất chịu khó chạy (thể dục). Thi thoảng cũng thấy nhàm chán, vì cuộc sống quá ngăn nắp. Gần như buổi sáng dậy thì gần như biết ngày hôm nay chính xác chuyện gì sẽ xảy ra vì mình có lịch hết tất cả mọi thứ. Không có chuyện gì để mình ngạc nhiên. Thậm chí có những hoạt động được lên lịch cả năm trời. Điều này rất khác với thời kỳ “xê dịch” trước đây, vì hồi đó gần như mình không biết ngày hôm đó chuyện gì sẽ xảy ra, thậm chí không biết ngày mai mình ở đâu.tin liên quan
Hành trình với 3 hang động mới ngỡ ngàng ở miền TrungHuyền thích như hiện tại hay trước đây?
Thành thật mà nói, tôi thích như trước đây hơn. Nhưng tôi nghĩ động lực sống giai đoạn này đã khác với trước đây. Một khi tôi vẫn còn thấy mình học được nhiều, còn nhiều thứ để khám phá trong môi trường học thuật, thì tôi vẫn sẽ sống như bây giờ. Tôi còn muốn học lên tiến sĩ, nhưng sau một thời gian đi làm khi đã tốt nghiệp ĐH (và thạc sĩ), tôi thấy mình là người phù hợp với môi trường nghiên cứu.
Giai đoạn là “Huyền Chip” có mang lại giá trị gia tăng cho bạn khi ở Stanford hay không?
Với chính mình thì tôi nghĩ là có. Bởi nếu sau khi học xong THPT mà đi học ĐH ngay chắc là Huyền sẽ là người không biết nói chuyện thế nào, hoặc nói theo cách mà ai cũng ghét. Nhưng ở Stanford, chẳng ai quan tâm tôi từng là Huyền Chip ở VN hay là gì cả. Ở chỗ tôi học, nhiều người lý lịch khủng lắm, nhưng chẳng ai quan tâm. Chẳng hạn như có bạn là con gái Bill Gates. Rồi có bạn là đại kiện tướng cờ vua khi mới 13 tuổi. Rồi bạn thì lọt vào danh sách Under 30 của Forbes trên toàn thế giới... Họ quan tâm tới con người hiện tại của mình, sống có tốt không, năng lực thế nào...
Sau năm 2013 đầy những ồn ào với những thị phi mà đỉnh điểm là cuộc họp vào tháng 9.2013 để giới thiệu cuốn sách Xách ba lô lên và đi: Đừng chết ở châu Phi, Huyền rời VN lên đường sang Mỹ du học ở ĐH Stanford danh tiếng. Gần đây, Huyền trở về và xuất hiện trên truyền thông với tư cách là một diễn giả quảng bá cho ngành khoa học máy tính với lời hiệu triệu “Lập trình đi!”. Hiện cô có kế hoạch từ tháng 6.2018 này sẽ mở một khóa học hướng dẫn lập trình online (miễn phí) cho người Việt.
|
Tài năng, thông minh và tràn đầy năng lượng
Victor Lavrenko
(Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Cốc Cốc)
Tôi biết Huyền Chip từ nhiều năm về trước khi đang ấp ủ ước mơ đi vòng quanh thế giới, và còn chưa xuất bản hai quyển sách đình đám Xách ba lô lên và đi. Rồi Huyền đi học Stanford. Chúng tôi thi thoảng vẫn liên lạc, trò chuyện về sách, về viết lách và dự định tương lai. Khi Huyền ra quyển sách mới nhất, Giấc mơ Mỹ - đường đến Stanford, tôi nhận thấy Huyền đã có sự trưởng thành và chín chắn hơn trước. Quan điểm của Huyền cũng đã thay đổi và sâu sắc hơn. Có những điều mà tôi thấy là tích cực, ví dụ như không quá xem trọng việc đi nữa vì biết đi thường chỉ là vì mình, chỉ là quá trình tiếp thu nhận lại, chứ không tạo ra nhiều giá trị. Hay như việc mục đích sống không phải là trải nghiệm, thụ hưởng, mà mục đích là sống có ích.
Huyền bây giờ biết mình, biết người hơn, có mong muốn làm điều có ý nghĩa để phục vụ cộng đồng. Và hiện tại em đang hiện thực hóa mong muốn đó bằng những việc cụ thể và tích cực, như các bài viết chia sẻ về kỹ năng dành cho người trẻ, quá trình học ĐH ở Mỹ, hay các dự án hỗ trợ các bạn trẻ khác trong các lĩnh vực mà cô có chuyên môn.
Rosie Nguyễn
(Tác giả cuốn sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu) |
Bình luận (0)