Huyền thoại Netanyahu trên đường trở lại cầm quyền ở Israel

Khánh An
Khánh An
05/11/2022 08:01 GMT+7

Cựu thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trở lại sau cuộc bầu cử mới nhất để tiếp tục lập kỷ lục mới về thời gian cầm quyền.

Tờ The Times of Israel ngày 4.11 đưa tin liên minh do đảng Likud của cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dẫn đầu giành thắng lợi trong bầu cử với 64 ghế, đảm bảo thế đa số tại quốc hội 120 ghế. Với tổng số gần 4,8 triệu phiếu được kiểm đếm, chính trị gia 73 tuổi này không chỉ kiểm soát đảng lớn nhất tại quốc hội mà còn dự kiến trở lại cầm quyền nhờ thắng lợi của liên minh các đảng cực hữu và tôn giáo.

Sau khi có kết quả kiểm phiếu, đương kim Thủ tướng Yair Lapid chúc mừng đối thủ tranh cử và chỉ đạo các bộ ngành chuẩn bị chuyển giao một cách trật tự. “Nhà nước Israel đứng trên bất cứ cân nhắc chính trị nào. Tôi chúc ông Netanyahu may mắn vì lợi ích của nhân dân và nhà nước Israel”, ông Lapid nói.

Ông Netanyahu và phu nhân tại trụ sở chiến dịch tranh cử ở Jerusalem

AFP

Nhiều thách thức

Theo Reuters, ông Netanyahu, người có thời gian cầm quyền lâu nhất Israel, dự kiến sẽ thành lập một trong những chính phủ thiên hữu nhất lịch sử nước này. Ông đã cam kết xây dựng trên những thành tựu đạt được từ nhiệm kỳ cuối của mình (kết thúc vào ngày 14.6.2021) và Hiệp định Abraham năm 2020 với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain, vốn mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ với các nước Ả Rập. Trong khi đó, nhiều sự chú ý tập trung vào liên minh của ông với đảng cực hữu Religious Zionism và lãnh đạo Itamar Ben-Gvir, người bị kết án năm 2007 về hành vi kích động phân biệt chủng tộc đối với người Ả Rập và gần đây vẫn tiếp tục kêu gọi trục xuất người Palestine khỏi Israel.

Hai khía cạnh trên phản ánh những thách thức của ông Netanyahu khi chuẩn bị thành lập chính phủ mới, nơi ông dự kiến đối diện áp lực từ nội bộ liên minh, trong khi phải trấn an các đồng minh, trong đó có Mỹ. Nhằm trấn an những lo ngại, ông tuyên bố sẽ xây dựng một liên minh có trách nhiệm, tránh “những cuộc phiêu lưu không cần thiết” và “mở rộng phạm vi hòa bình”.

Ông Netanyahu khi còn trong quân ngũ

Times of Israel

Những năm biến cố

Chào đời năm 1949 ở Tel Aviv trong một gia đình trí thức, ông được nuôi dạy ở Jerusalem, trước khi gia đình di cư đến Mỹ và ông học trường trung học ở Philadelphia (bang Pennsylvania). Cha ông là nhà sử học tham gia tích cực vào phong trào vận động phục quốc cho người Do Thái. Quay về Israel sau khi tốt nghiệp trung học và thông thạo tiếng Anh, ông Netanyahu gia nhập đơn vị biệt kích Sayeret Matkal tinh nhuệ của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).

Theo AFP, trong 5 năm tại ngũ, ông được thăng chức đại úy và vài lần bị thương khi tham gia các chiến dịch quân sự ở Jordan, Lebanon và Chiến tranh Ả Rập - Israel lần thứ tư (Yom Kippur), diễn ra năm 1973. Xuất ngũ, ông quay lại Mỹ và tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và theo học ngành khoa học chính trị của Đại học Harvard và MIT.

Năm 1976, ông quay về Israel khi nghe tin anh ruột Yonatan Netanyahu tử trận trong chiến dịch quân sự Entebbe nhằm giải cứu con tin trong vụ cướp máy bay ở phi trường Uganda. Cùng năm, ông và cha thành lập Viện Chống khủng bố Yonatan Netanyahu theo tên người anh, và bắt đầu xây dựng các mối quan hệ với giới chính khách. Thời gian tiếp đó, ông quay lại Mỹ để hoàn tất các văn bằng liên quan đến kiến trúc và quản trị kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho Tập đoàn Boston Consulting Group. Đến năm 1978, ông Netanyahu xuất hiện trên sóng truyền hình Mỹ. Với khả năng thông thạo tiếng Anh, ông trở thành khách mời lý tưởng cho những đề tài thảo luận về Israel.

Sự nghiệp thăng trầm

Đầu những năm 1980, ông chính thức gia nhập ngành ngoại giao và năm 1982 được bổ nhiệm làm phó đại sứ tại sứ quán Israel ở Washington D.C trước khi trở thành Đại sứ Israel tại LHQ (trụ sở ở TP.New York, Mỹ) từ năm 1984 - 1988. Trong thời gian làm đại sứ, ông Netanyahu trở thành bạn bè thân thiết của ông Fred Trump, cha cựu Tổng thống Donald Trump.

Phản ứng các bên

Theo Reuters, từ trước khi có kết quả bầu cử, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố muốn duy trì mối quan hệ với Israel dựa trên hiểu biết lẫn nhau, cho dù kết quả ra sao. Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh hai bên muốn xuống thang căng thẳng lâu dài, sau khi Tổng thống Israel Isaac Herzog thăm Ankara vào ngày 9.5 và là nhà lãnh đạo Israel đầu tiên thăm Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2008. Trong khi đó, ông Bassam Salhe, thành viên Ủy ban Điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine cho rằng liên minh của ông Netanyahu chắc chắn sẽ gia tăng thái độ thù địch đối với người Palestine và có nhiều biện pháp cực đoan hơn. Phong trào Hồi giáo Hamas cũng dự báo nguy cơ bạo lực gia tăng.

Sau khi quay về Israel, ông bước vào chính trường với việc gia nhập đảng Likud năm 1988 và đắc cử vào quốc hội trước khi trở thành thứ trưởng ngoại giao. Năm 1993, trên cương vị chủ tịch Likud, ông Netanyahu mạnh mẽ chỉ trích Thủ tướng Yitzhak Rabin thuộc đảng Lao động đã ký kết Hiệp ước hòa bình Oslo với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Đây là hiệp ước là cơ sở cho việc thành lập chính quyền tự trị Palestine, mở đường tiếp tục đàm phán giữa Israel và Palestine và hướng đến mục tiêu hình thành nhà nước Palestine độc lập, theo Reuters.

Sau khi ông Rabin bị ám sát vào năm 1995, ông Netanyahu vào năm 1996 đánh bại ứng viên được Mỹ hậu thuẫn là ông Shimon Peres để trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất của Israel vào thời điểm nhậm chức (46 tuổi). Đến năm 1999, đảng Likud thất bại trước đảng Lao động và mất ghế thủ tướng. Ông tạm thời lui khỏi chính trường trước khi quay lại nội các dưới thời Thủ tướng Ariel Sharon.

Năm 2007, ông được bầu làm chủ tịch Likud và một lần nữa quay lại cương vị thủ tướng năm 2009 và liên tục cầm quyền suốt 12 năm. Dù đang vướng vào 3 vụ kiện tham nhũng, giờ đây ông Netanyahu tiếp tục quay lại lập kỷ lục mới, với hy vọng chấm dứt thế bế tắc về chính trị trong 4 năm qua khiến đất nước liên tiếp trải qua nhiều lần bầu cử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.