Huyền thoại những Pơtao Tây Nguyên - Kỳ 6: Lễ chuyển gươm cuối cùng ở Plei Ơi

23/07/2014 03:00 GMT+7

Người dân Plei Ơi chờ khi gươm được chuyển đi, họ mới dám ra dự lễ. Đó là lễ chuyển gươm cuối cùng, mang màu sắc truyền thuyết - thần thoại ở vùng đất của các Pơtao Apuih, kết thúc một tín ngưỡng thần thoại vùng “Hỏa Xá”.

 Các đồ vật của nhiều đời Pơtao Apuih - Ảnh: Trần Hiếu
Các đồ vật của nhiều đời Pơtao Apuih - Ảnh: Trần Hiếu

Làng sợ… gươm thiêng

Ba giờ sáng, trời tối đen như mực. Chúng tôi bị đánh thức để kịp ra làng Plei Ơi, xã Ayun Hạ, H.Phú Thiện (Gia Lai) dự lễ cúng chuyển gươm. Cả “làng Vua” dù đã được báo trước ngày lễ trọng nhưng tịnh không một bóng người. Từng cơn gió lạnh buổi sớm thông thốc thổi tới càng khiến vùng bình nguyên như thêm hoang lạnh. Chị Thùy Trang, một cán bộ văn hóa H.Phú Thiện (Gia Lai) đến hơn chục nóc nhà gọi cửa vẫn gặp phải những cái lắc đầu quầy quậy. Mãi đến hơn bốn giờ sáng, Rơlan Hieo - người phụ tá cuối cùng của “Vua lửa” đời thứ 14 Siu Luynh (đã mất năm 1999), mới dẫn theo một vài người đến. Lễ vật cúng chuyển gươm gồm một con trâu đen, một con heo đen, hai con gà, hai ghè rượu.

Rơlan Hieo cầm trên tay một chiếc gùi đựng vài thứ vật dụng cho buổi cúng rồi lý giải cho sự vắng mặt của nhiều người: “Cúng gươm thiêng mà. Tục ngày xưa rồi, trẻ con, phụ nữ không được đến gần, chỉ có thanh niên và người già mới được đứng gần đó. Người trong làng không đi làm ngày cúng gươm. Người còn sinh con không đi được, đàn bà hết đẻ mới đi được. Chỉ được cúng trâu, không cúng bò”.

Già Rơlan Hieo ngậm ngùi rằng chỉ cúng lần này nữa thôi, vì Plei Ơi không còn ai làm “Vua lửa” nữa. Với tuổi già hơn 70, dường như ông đã không còn hợp với hành động tự đâm trâu phục vụ cho lễ cúng. Song, ông vẫn quyết tự mình làm việc ấy, bảo là muốn tôn trọng các vua, tự tay đâm trâu để lấy đồ cúng. Con trâu ngã ra nhưng chỉ vài người loay hoay vì tục kiêng cữ của người làng. Một số người Tày cùng ngụ cư ở đây đã xúm vào xẻ thịt trâu kịp giờ cúng.

“Ơi Yàng, ơi Pơtao Apuih, ơi thần hàng ngàn, hàng vạn. Hôm nay chúng tôi dâng lễ một con trâu, một con heo, gà, ghè rượu cầu xin, thông báo đến các thần linh biết. Chúng tôi xin phép các Pơtao Apuih cho dân làng Plei Ơi chuyển gươm thần về nơi ở mới, nơi chân núi Chư Tao Yang. Chúng tôi cầu xin các vị thần, các Pơtao cho người làng sức khỏe, hòa thuận, mưa thuận gió hòa” - già Rơlan Hieo khấn một bài dài bằng tiếng Jrai trước khi lên chòi để gươm.

Nhiều người làng dù lệ tục kiêng cữ nhưng không giấu được tò mò, đứng lấp ló nơi bậu cửa, hướng mắt ra chòi để gươm. Một số người dân từ các nơi khác hay tin cũng tìm đến, với hy vọng chờ lễ cúng gươm xong sẽ được tận thấy thanh gươm truyền thuyết.

Sau khi chắp tay khấn trước căn chòi để gươm được làm trên cao, Rơlan Hieo leo lên chòi lấy xuống một cái bọc đựng thanh gươm, một cái gùi đã bắt đầu mục nát, trong đó đựng nhiều vật dụng của Hỏa vương các đời. Trong suốt quá trình đưa gươm xuống, chỉ ông mới được chạm vào thanh gươm và các đồ vật.

Bí mật của Rơlan Hieo

Một cách cẩn trọng, Rơlan Hieo lấy những đồ vật vốn từng là vật bất ly thân của các đời Hỏa vương. Đó là một cái nhẫn đá, một cái rìu đá cổ, một khẩu súng hỏa mai, một cái chén đá, một hồ lô bằng đá, một cái kiềng ba chân, chén đồng cổ… Lần giở bọc vải trắng đã ngả màu thời gian, già Rơlan Hieo lấy ra đến mấy thanh gươm. Chúng tôi bất ngờ vì ngỡ rằng chỉ có một thanh gươm thiêng theo truyền thuyết. Đoán biết ý nghĩ của chúng tôi, ông nói: “Đó là các thanh gươm phụ tá của gươm thiêng. Đây mới là gươm thiêng” - nói xong, ông đưa ra một thanh gươm cũng hoen gỉ giống như các thanh gươm khác. Điều khác biệt là thanh gươm này có đai bằng đồng. Trên đai gươm có các hoa văn dạng như nước và lửa cuốn lấy nhau.

Khi cúng gươm, phụ tá cho Rơlan Hieo là Oi Phơ xẻo từng miếng thịt heo, thịt trâu, gà. Tuy nhiên, Oi Phơ chỉ lấy một miếng thịt nhỏ từ mỗi con vật để cúng, ở các bộ phận: gan, thịt nách, tim... Sau đó, Oi Phơ ghé chiếc bát đồng hút rượu từ ché lấy rượu ra. Tất cả những miếng thịt nhỏ đó được thả vào trong bát rượu.

Rơlan Hieo lúc bấy giờ cẩn thận lấy từ trong túi xách của mình một củ giống củ riềng xắt từng lát nhỏ bỏ vào bát rượu. Xong việc, ông nhanh chóng gói lại cất vào túi cẩn thận. Chúng tôi gặng hỏi nhưng ông chẳng hé răng. Oi Phơ ghé tai chúng tôi nói nhỏ: Củ đó là “củ rửa sạch tội lỗi” mà tiếng Jrai gọi là Jrao hchich mà chỉ mỗi Rơlan Hieo biết và lên rừng đào lấy về trước khi tổ chức cúng gươm.

Đủ các thủ tục trên, Rơlan Hieo lần lượt tưới rượu lên thanh gươm mà như lời ông giải thích là cho gươm thần “ăn” và rửa sạch gươm thần. Ngay cả chiếc trống cổ, tương truyền có gắn ba chiếc lông đuôi voi trắng và ba chiếc chiêng cổ của Hỏa vương cũng được rửa bằng thứ nước này.

Sau lễ cúng xin chuyển gươm, người làng Plei Ơi và dân bản địa các nơi mới ùa tới xem tận mắt thanh gươm truyền thuyết với sự ngưỡng vọng. Rơlan Hieo dùng vải trắng bọc thanh gươm, bỏ những đồ vật là của Pơtao APuih các đời vào chiếc gùi mới và bước về dãy núi Chư Tao Yang. Nơi đó, H.Phú Thiện đã xây dựng căn nhà để gươm.

Vầng dương bắt đầu le lói, chiếu những tia sáng ban mai lên cánh đồng trơ những gốc rạ sau mùa gặt. Bàn chân trần của Rơlan Hieo bước qua cánh đồng rộng đưa gươm về “nơi ở” mới, như gạch nối chấm dứt “miền suy tưởng” của một tín ngưỡng thần thoại vùng Hỏa Xá…

Trần Hiếu

 >> Huyền thoại những Pơtao Tây Nguyên - Kỳ 5: Hậu duệ của những Pơtao Apuih
 >> Huyền thoại những Pơtao Tây Nguyên - Kỳ 4: Gươm thiêng vùng Hỏa Xá
 >> Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 3: Người không muốn làm vua
 >> Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 2: Về đất Hỏa xá
 >> Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 1: Miền hư ảo của Pơtao Ia
 >> Huyền thoại những con đường - Kỳ 2: Đất của những lời thề
 >> Huyền thoại những con đường: Tầm chiến lược của giao thông
 >> Huyền thoại 4 kỳ trăng máu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.