Tìm hiểu kỹ hơn về Võ lâm Tân Khánh Bà Trà, chúng tôi khám phá nhiều câu chuyện ly kỳ của môn phái này gắn liền với lịch sử khẩn hoang vùng Đông Nam bộ từ thế kỷ 17.
Thanh gươm trong quán ven đường
Môn phái Võ lâm Tân Khánh ra đời từ thế kỷ 17, từ nhu cầu tự vệ trước thú dữ, giặc giã trong quá trình khẩn hoang vùng đất Nam bộ. Giữa thế kỷ 19, vùng đất Bình Chuẩn và Tân Phước Khánh (Bình Dương) đón chào một cô gái trẻ họ Võ cùng gia đình vào sinh sống, lập nghiệp. Đến vùng đất mới, cô gái có thân hình nhỏ nhắn này mở một quán nước ven đường làm kế sinh nhai. Điều đặc biệt, trên quầy của quán nước có treo một thanh gươm.
Múa song kiếm |
Nhân vật cung cấp |
Nhiều khách tò mò hỏi, cô nói quý khách nào vào uống nước mà không có tiền thì chỉ cần đến chào thanh gươm là có thể rời quán. Xã hội lúc ấy khá nhiễu nhương, khách đa tình tấp nập, cường hào ác bá cũng sớm tối lê la... Tuy nhiên, chưa một lần cô gái phải rút gươm ra khỏi vỏ.
Về sau người ta mới biết cô gái xinh đẹp ấy tên là Võ Thị Trà, hậu duệ của một tướng nhà Tây Sơn. Bà Trà là người nhân đức và hào sảng, luôn sẵn sàng chỉ dẫn cho bà con trong vùng võ thuật gia truyền của quan tướng nhà Tây Sơn mà bà được thừa hưởng, để vừa rèn luyện sức khỏe sống tốt nơi sơn lam chướng khí, vừa để bảo vệ thành quả lao động trước sự tấn công của thú dữ, đạo tặc. Ngày càng được người dân tin tưởng nên bà Trà quyết định mở lò võ trên vùng đất mới, khai sinh môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà. Vùng đất ấy sau này mang tên của bà (nay là phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), được biết đến như là vùng đất võ của phương Nam.
“Võ Tòng Tân Khánh”
Vùng đất Đông Nam bộ cách đây hơn 200 năm còn rất hoang vu, phủ xanh bởi những cánh rừng bạt ngàn và có rất nhiều thú dữ. Trong đó, loài cọp (hổ) của vùng này gắn liền với câu ca dao được lan truyền rộng rãi: Chèo ghe sợ sấu cắn chưn (chân). Xuống sông sợ đỉa, lên rừng cọp um. Thoạt đầu, để tránh bị “cọp um” - ăn thịt, người dân làng Tân Khánh chỉ biết cầu cứu đến thầy pháp, thợ săn đặt bẫy nhưng vẫn không tránh được những cái kết thương tâm.
Trong cuốn tư liệu mang tên Cọp Bầu Lòng, Võ Tòng Tân Khánh của tác giả Lưu Linh Tử, đăng trên tạp chí Phổ Thông ấn hành ở Sài Gòn năm 1962, có đoạn viết: “Suốt một tháng qua, dân làng Bầu Lòng bị một cơn đe dọa trầm trọng. Nguyên do là có cọp về làng quấy nhiễu… Mấy ông thợ săn rình rập suốt đêm nầy qua đêm khác, để rồi khi gặp không dám bắn mũi tên nào vì “ông ba mươi” to sầm sầm vừa thấy là kinh khủng rồi. Còn mấy chú chó săn tối đến là chui xuống gầm giường không sủa được một tiếng cho ra hồn, có chăng thì chỉ rên ư ử...”. Bầu Lòng là một làng nhỏ, dân cư thưa thớt, xung quanh bao phủ bởi rừng rậm, trước kia thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay). Vết tích còn lại ngày nay là khu phố Bàu Lòng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Bà Trà có rất nhiều đệ tử, trong số đó có Võ Văn Ất (Hai Ất) và Võ Văn Giá, người gốc Tân Khánh. “Ông Ất tuổi độ trên ba mươi, người cao lớn, nước da bánh ếch, cổ tay no tròn như ống tre. Người ta đồn rằng bắp tay ông chỉ có một cái xương mà thôi, nhưng chỉ là giả thuyết chớ chưa ai dám quả quyết. Lông tay và lông chân của ông xồm xàm đen trại. Ông chuyên sử dụng roi trường bằng cây mật cật to bằng cái chén đen mun. Ông Giá thì trái lại, trắng trẻo, mảnh khảnh hơn ông Ất độ một bảy một mười. Tay chân ông cũng liền lạc, nhặm lẹ, cũng chuyên sử dụng roi trường. Tài ông Ất, ông Giá thì hầu hết mọi người biết võ đều kiêng nể. Tuy không phải anh em ruột nhưng thương nhau còn hơn ruột thịt và đi đâu cũng có nhau”, trích từ cuốn tư liệu Cọp Bầu Lòng, Võ Tòng Tân Khánh.
Cả hai ông có hơn 10 lần đối đầu với cọp và đều giành phần thắng. Một trong số chiến tích lưu danh sử sách là cuộc đối đầu với 3 con cọp dữ vào một buổi chiều ở địa danh Hố Ngỡi, nằm bên cạnh làng Tân Khánh - nay là Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên. Trong trận đánh dữ dội này, 3 con cọp đã bị hai ông hạ sát. Từ đây, võ phái đánh cọp lại càng vang danh.
Nữ nhi đánh cọp, phá đạo tặc
Năm 1914 (năm Giáp Dần), ông Võ Văn Ất được chính quyền Pháp mời về Sài Gòn đánh cọp nhân lễ khai thị chợ Bến Thành. Ông Ất khi ấy lấy cớ tuổi cao sức yếu nên giao nhiệm vụ lại cho cô con gái Năm Vuông (Võ Thị Vuông), lúc ấy mới ngoài 20 tuổi.
Khăn rằn - vũ khí của Võ lâm Tân Khánh Bà Trà |
Nhân vật cung cấp |
Trong cuốn Những môn võ bí truyền trên thế giới của tác giả Hàng Thanh được xuất bản năm 1973 đã dành nhiều trang nói về cuộc giao đấu “sinh tử” này. “Hàng ngàn quan khách dự lễ hôm đó ai cũng tỏ ra e ngại cho phận nữ nhi, phận “liễu yếu, sương mai” đâu dễ đương đầu chúa sơn lâm? Chỉ một tiếng gầm thôi cũng đủ làm người nhát gan mất vía. Ông Ất giao trách nhiệm đương đầu với cọp dữ trên sàn đấu cho con gái mình thật bội phần nguy hiểm, song ông tin vào tài năng võ học của con mình đủ sức hạ bất cứ con cọp dữ nào.
Bản thân bà Năm Vuông cũng hiểu rõ phận nữ nhi không dễ “tốc chiến, tốc thắng” mà phải đánh dai dẳng, nhằm phá sức cọp mới bảo toàn tính mạng. Cuộc thư hùng giữa người và thú khởi từ ban mai, đến giờ ngọ mới kết thúc. Cọp xoay trở rất nhanh, đưa vuốt chụp liên hồi, nhưng bà Năm Vuông nhanh hơn. Khi thọc ngược đao, lúc tả, lúc hữu… thân pháp nhịp nhàng, đáng mặt con nhà võ. Cọp dần dần ra máu nhiều và kiệt sức, xoay trở chậm chạp. Sau cùng nhận lấy ngọn lao hiểm kết thúc cuộc đấu”.
Khí chất con nhà võ còn được bà Năm Vuông phát huy qua giai thoại, bà một mình với cây đòn gánh đã xông vào sào huyệt của bọn cướp ở khu vực rừng rậm gần Tân Khánh, đánh chúng chạy tan tác...
Người thầy tâm huyết
Tiến sĩ, võ sư Hồ Tường là người con của phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), nơi phát xuất môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà. Cha của ông, ông Hồ Văn Lành (tức cố võ sư Từ Thiện, sinh năm Giáp Dần 1914) là một vị võ sư danh tiếng lẫy lừng, võ thuật cao siêu và có tấm lòng trượng nghĩa. Là con nhà võ nên ông Hồ Tường ý thức rất rõ việc gìn giữ và phát huy nền võ học nước nhà.
Tiến sĩ, võ sư Hồ Tường bên cạnh bằng chứng nhận môn Võ lâm Tân Khánh Bà Trà (Takhado) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Nhân vật cung cấp |
Khi nhắc đến thế đả hổ trong Võ lâm Tân Khánh Bà Trà, võ sư Hồ Tường kể: “Võ đánh cọp có 10 thế riêng, mỗi thế là 1 câu thiệu (thơ), diễn nôm như sau: Thứ nhất hoành đả hỏa xa; thứ hai phù phóng; thứ ba roi hoành; thứ tư phục hổ tang tành; thứ năm xà địa giữ mình cho xinh; thứ sáu roi đăm lèo; thứ bảy hồi mã đừng theo mà lầm; thứ tám phục hổ đạt trùng; thứ chín bát tự; thứ mười đâm đôi”.
Theo võ sư Hồ Tường, khởi thủy của Võ lâm Tân Khánh Bà Trà từ một gốc chung là võ Việt Nam, sau đó được chia ra là võ kinh (trong cung đình), võ lâm (trong cuộc sống) và võ gia truyền (trong các gia đình) nên sẽ trở nên khác nhau. Sau đó đến từng vùng miền sẽ lại biến thể. Ví dụ bài quyền Thần Đồng của môn phái Bình Định có 8 câu thiệu thể tứ ngôn (mỗi một bài quyền hoặc bài binh khí của võ Việt Nam đều có bài thiệu. Bài thiệu của võ Việt Nam là một bài thơ vần với nhau. Còn bài thiệu của võ Trung Quốc không có vần với nhau nên rất khó nhớ). Nhưng khi vào đến Tân Khánh, bài quyền Thần Đồng tăng lên thành 20 câu, vì đất mới người mới sẽ phải có thế đánh khác.
Đặc trưng của Võ lâm Tân Khánh Bà Trà là lối tấn công phối hợp và liên hoàn. Những đòn chân, đòn tay, tung theo đường thẳng, làm rối loạn sự phòng ngự của đối phương, giúp cho sự tấn công đạt hiệu quả cao. Những kỹ thuật cận chiến dùng đầu gối, cùi chỏ, nắm đấm, cạnh bàn tay, ức bàn tay… giúp môn sinh có kỹ năng chiến đấu trong mọi tình huống. Quyền cước không cầu kỳ, phù hợp với thể trạng người Việt Nam...
Ngoài thập bát ban, Võ lâm Tân Khánh Bà Trà có hàng chục binh khí cổ truyền, trong đó có nhiều loại binh khí riêng của môn phái như khăn, đòn xóc, đòn gánh, kỷ (ghế), kỳ (cờ), liềm, thiết phủ…, những binh khí là nông cụ sản xuất và vật dụng đời thường gắn liền với đời sống của cư dân.
Trong buổi gặp gỡ nhân dịp cuối năm 2021 vừa qua, võ sư Hồ Tường đang ở tuổi thất thập cổ lai hi, ánh mắt vẫn rất tinh tường, chia sẻ: “Giờ đây Võ lâm Tân Khánh Bà Trà đã là di sản rồi, chúng ta cần phải biết trân trọng và giữ gìn bản sắc. Tôi luôn hy vọng người dân của Tân Khánh, Bình Dương trở lại truyền thống tập võ như xưa. Thứ nhất để giữ sức khỏe. Thứ hai là có khả năng tự vệ. Thứ ba là lưu truyền môn võ cổ truyền này”.
Đến nay, võ sư Hồ Tường đã có hơn 40 năm gắn bó với võ thuật, trong đó có 25 năm không ngừng truyền bá niềm đam mê võ thuật cổ truyền Việt Nam đến với đông đảo học sinh, sinh viên. Đặc biệt, ông đã hợp tác và ký kết với Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM đưa Võ lâm Tân Khánh Bà Trà trở thành bộ môn giáo dục thể chất của trường. Theo võ sư Hồ Tường, hiện có đến 90% sinh viên của trường đăng ký chọn Võ lâm Tân Khánh Bà Trà là môn giáo dục thể chất. Chính điều này đã giúp ông được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là võ sư dạy võ miễn phí cho sinh viên lâu năm nhất của Việt Nam vào ngày 4.1.2009. Hiện nay, Võ lâm Tân Khánh Bà Trà có 61 câu lạc bộ với 3.000 môn sinh có mặt ở nhiều tỉnh thành như: Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Thuận, Tây Ninh, Nghệ An, Hà Nội...
Môn võ thứ hai được công nhận di sản quốc gia
Ngày 3.2.2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch ký quyết định công bố tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian Võ lâm Tân Khánh Bà Trà thuộc phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên); phường Bình Chuẩn, Bình Nhâm, Bình Hòa, Hưng Định (thành phố Thuận An); phường Phú Hòa, Hiệp Thành (thành phố Thủ Dầu Một) thuộc tỉnh Bình Dương vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cần nói thêm, cho đến lúc này Việt Nam chỉ mới có 2 môn võ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là võ Bình Định và Võ lâm Tân Khánh Bà Trà.
Bình luận (0)