Hy Lạp thỏa hiệp, châu Âu nhẹ nhõm

14/07/2015 07:27 GMT+7

Trong thế cùng đường, chính phủ Hy Lạp đã chấp nhận nhượng bộ để đạt thỏa thuận với khu vực sử dụng đồng euro.

Trong thế cùng đường, chính phủ Hy Lạp đã chấp nhận nhượng bộ để đạt thỏa thuận với khu vực sử dụng đồng euro.

Sau thời gian đối đầu căng thẳng, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã chấp nhận nhượng bộ - Ảnh: Reuters
Sau thời gian đối đầu căng thẳng, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã chấp nhận nhượng bộ
- Ảnh: Reuters
Hội nghị đặc biệt của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) về nợ công của Hy Lạp mở màn vào chiều 12.7 và sau 17 tiếng đàm phán trong căng thẳng, một bản thỏa thuận khung đã được ký kết.
Theo tờ Le Figaro, trong vòng 3 năm, Athens sẽ nhận gói hỗ trợ tài chính trị giá từ 82 - 86 tỉ euro, trong đó có 25 tỉ euro dành để tái vốn hóa các ngân hàng. Gói hỗ trợ này sẽ được giải ngân thành nhiều giai đoạn thông qua Chương trình bình ổn kinh tế châu Âu do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và eurozone giám sát.
Đổi lại, từ nay đến ngày 16.7, quốc hội Hy Lạp phải thông qua ít nhất 4 điều khoản quan trọng trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách gồm tăng và mở rộng áp dụng thuế giá trị gia tăng; tăng tuổi về hưu và siết lại quỹ lương hưu; cải cách để viện thống kê quốc gia hoạt động độc lập; áp dụng cơ chế tự động cắt giảm chi tiêu trong trường hợp thâm hụt. Athens cũng phải đưa ra thời hạn cụ thể để áp dụng các cải cách khác như sửa đổi các điều luật để khuyến khích người dân làm việc nhiều hơn, thay đổi quy định về đình công, siết chặt quản lý ngành tài chính, giảm chi phí hoạt động của bộ máy nhà nước...
Ngoài ra, Hy Lạp cam kết cho tư hữu hóa nhiều tài sản công và công ty nhà nước để thu về 50 tỉ euro, tạo cơ sở để củng cố và phát triển kinh tế. Athens đã đàm phán thành công để tự chủ quá trình này, thay vì phải giao cho một cơ quan của EU thực hiện như đề xuất của Đức.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đánh giá đây là một “thỏa thuận đầy khó khăn” nhưng cần thiết để ổn định nền tài chính của nước này. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc cử tri bác bỏ những yêu cầu của các chủ nợ quốc tế trong cuộc trưng cầu ngày 5.7 đã không giúp Athens có thêm lợi thế trên bàn đàm phán như kỳ vọng. Sự kiên quyết của nhiều thành viên eurozone, đứng đầu là Đức và gánh nặng nợ nần cùng khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng khiến Hy Lạp phải chấp nhận nhượng bộ ở phần lớn các điều khoản mà nước này trước đó vẫn kiên quyết phản đối.
Nếu quốc hội Hy Lạp thông qua các điều khoản nói trên đúng thời hạn, các bộ trưởng tài chính eurozone sẽ sớm họp để thảo luận về nội dung chi tiết của chương trình hỗ trợ kinh tế tiếp theo. Trước mắt, có thể một gói hỗ trợ khẩn cấp sẽ được thông qua để Athens trả khoản nợ 1,6 tỉ euro đã đáo hạn ngày 30.6 cho IMF và khoản nợ 3,5 tỉ euro của Ngân hàng Trung ương châu Âu đáo hạn vào ngày 20.7. Tờ Le Monde ngày 13.7 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định: “Nhờ thỏa thuận mới, nguy cơ Hy Lạp phải từ bỏ đồng euro đã bị xóa bỏ” còn NATO cũng ca ngợi thỏa thuận này “sẽ giúp bảo đảm ổn định và an ninh cho tất cả các nước ở châu Âu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.