Hy sinh khi đang thực tập: Hành trình tìm mộ người anh hùng

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
16/02/2022 06:41 GMT+7

Suốt 43 năm qua, gia đình miệt mài tìm kiếm phần mộ của liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Linh, nhưng vẫn chưa có kết quả…

2 ngôi mộ cùng ghi tên 1 người

Ông Phan Đình Nga (66 tuổi), em trai liệt sĩ Phan Đình Linh, cho biết: Giấy báo tử do thượng tá Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Chính trị ký ngày 1.6.1979 ghi chung chung: “Thi hài liệt sĩ Phan Đình Linh mai táng tại nghĩa trang mặt trận Cao Bằng”. Mãi đến năm 2017, sau nhiều lần tìm kiếm và dò hỏi, gia đình mới biết anh Linh được chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ Bản Khun (H.Trà Lĩnh, Cao Bằng) và sau đó được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ H.Trà Lĩnh (nay là TT.Trà Lĩnh, H.Trùng Khánh, Cao Bằng). Đầu tháng 9.2017, gia đình lên nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh, thấy 2 ngôi mộ ghi thông tin y hệt nhau là “Phan Đình Linh; sinh năm 1965; nguyên quán: Ngọc Chế - Kiến Quốc - Ninh Thanh - Hải Dương; đơn vị: Đồn BP 117”, chỉ khác là ngôi mộ ở hàng dưới có thêm dòng chữ “hài cốt liệt sĩ đã di chuyển”. Qua kiểm tra xác minh thì 1 ngôi mộ đã được di dời về Hải Dương, 1 ngôi mộ thì chưa có thân nhân đến viếng.

Hai ngôi mộ cùng ghi tên Phan Đình Linh (hàng trên bên trái và hàng dưới bên phải) tại nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh (Cao Bằng)

MAI THANH HẢI

Trung tá - quân nhân chuyên nghiệp Phan Thị Hồng Loan (con gái liệt sĩ Phan Đình Linh) kể: Gia đình đã tìm về Hải Dương xác minh thì đúng là ở xã Kiến Quốc có 1 liệt sĩ là Phạm Đình Linh, sinh năm 1965 thuộc Đồn biên phòng (BP) 117, hy sinh năm 1989, đã được gia đình đưa về từ nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh năm 1991.

Để làm rõ việc này, cuối tháng 1.2022, PV Thanh Niên tìm hiểu tại Cao Bằng và được biết: Đồn BP 117 là phiên hiệu của Đồn Công an nhân dân vũ trang Trà Lĩnh, Đồn BP Hùng Quốc và nay là Đồn BP cửa khẩu Trà Lĩnh, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội BP tỉnh Cao Bằng. Năm 1988 - 1989, Đồn BP Tri Phương được thành lập (một thời gian sau, sáp nhập vào Đồn 117) và trung úy Phạm Đình Linh (sinh 1965, quê xã Kiến Quốc, H.Ninh Thanh, Hải Hưng - nay là xã Kiến Quốc, H.Ninh Giang, Hải Dương) là Trung đội trưởng vũ trang thuộc Đồn BP Tri Phương.

Sáng 6.11.1989, trung úy Phạm Đình Linh và chiến sĩ Nguyễn Văn Kỳ (sinh 1969, quê xã Thanh Mai, H.Thanh Oai, Hà Sơn Bình - nay là xã Thanh Mai, H.Thanh Oai, TP.Hà Nội) làm nhiệm vụ tuần tra khu vực mốc 89 (nay là mốc 755) thì bị lính Trung Quốc phục kích bắn chết, cướp mất 1 súng AK và 1 súng K54. Ông Đoàn Văn En (nguyên đồn phó chính trị - nay là chính trị viên, Đồn BP Tri Phương) kể: “Thi thể của 2 đồng chí nằm trên đất VN, cách đường biên khoảng 250 m và cách xóm Củng Kẹo, xã Tri Phương, H.Trà Lĩnh (nay là xóm Bảo Biên, xã Tri Phương, H.Trùng Khánh) khoảng 500 m. Do lính Trung Quốc vẫn nằm phục kích, nên mãi đến đêm hôm sau, người dân mới đưa được thi hài liệt sĩ ra”…

Như vậy, có thể khẳng định: Bia ghi tên đã ghi sai họ của liệt sĩ Phạm Đình Linh thành Phan Đình Linh, và trong cùng một nghĩa trang mà có tới 2 ngôi mộ của 1 liệt sĩ, là sự sai sót của đơn vị quản lý - địa phương.

Bà Phạm Thị Vượng (trái) và con gái Phan Thị Hồng Loan

Mộ có - mộ không

Cuối năm 2017, gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Linh làm thủ tục xin giám định ADN để xác định danh tính và trả lại thông tin chính xác cho liệt sĩ. Sau khi được ngành chức năng đồng ý, gia đình khai quật ngôi mộ (tại nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh) chưa được di chuyển, thì thấy bên dưới không có... hài cốt. Khi chuyển sang ngôi mộ đã di dời, thì thấy xương cốt vẫn còn trong tiểu sành.

Gia đình liệt sĩ Phan Đình Linh lấy mẫu sinh phẩm trong ngôi mộ đã chuyển, kèm với sinh phẩm của một số người thân trong gia đình, gửi Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) để thực hiện giám định ADN hài cốt liệt sĩ; sau một thời gian thì nhận được hồi đáp “Không trùng khớp”.

“Có thể là trong thời điểm đêm tối, việc cất bốc thi hài thời điểm đó chưa đúng quy định, nên gia đình liệt sĩ Phạm Đình Linh đã vội bốc nhầm. Hoặc có thể khi tôn tạo sửa chữa nghĩa trang, người ta đã gắn bia mộ cẩu thả, khiến không thành có, có thành không”, trung tá - quân nhân chuyên nghiệp Phan Thị Hồng Loan đưa ra giả thiết và kể: “Chúng tôi đã về Hải Dương thuyết phục gia đình cho phép lấy mẫu vật trong mộ đã di chuyển, nhưng người thân của liệt sĩ Phạm Đình Linh không đồng ý”.

“Tôi chắc chắn, bố tôi hoặc là bị bốc nhầm, hoặc vẫn nằm trong nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh, cần phải xét nghiệm ADN”, chị Loan khẳng định.

Không lấy tiền xe của gia đình liệt sĩ

“Gia đình lên Cao Bằng gần chục lần để tìm anh ấy. Riêng tôi, cũng được 3 - 4 lần với em trai, với con gái và cả cháu trong họ”, bà Phạm Thị Vượng (vợ liệt sĩ Phan Đình Linh) nhớ lại, và lẩn mẩn kể: Có lần, ra Hải Dương - Hưng Yên, vạ vật cả chục ngày để nhờ… nhà ngoại cảm. Sau sốt ruột quá, nhờ đứa cháu đi cùng, bắt xe khách lên thẳng TP.Cao Bằng. Xuống bến xe, có một anh lái taxi thấy lớ ngớ liền đến hỏi đi đâu. Bà Vượng nói: “Tôi lên đây tìm mộ chồng hy sinh tháng 2.1979. Không có tiền, bác chỉ tôi cách đi xe buýt lên Hà Quảng”. Nghe vậy, anh lái taxi gật đầu: “Tôi chở chị lên Trà Lĩnh, lấy tiền đúng như giá vé xe buýt”. Lên đến nơi, anh lái xe không nhận tiền mà còn bảo: “Ai mà lấy tiền của gia đình liệt sĩ”…

Mới đây, bà Vượng lên nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh để dò hỏi rõ hơn về 2 ngôi mộ cùng mang tên Phan Đình Linh. Biết bà đi tìm mộ chồng, các anh chị xe ôm ở thị trấn tình nguyện chở miễn phí đến các nghĩa trang có chôn cất bộ đội, và buổi trưa còn mời bà ăn cơm. Ngồi rì rầm nói chuyện với cả 2 ngôi mộ cả nửa ngày, buổi chiều bà định bắt xe buýt về TP.Cao Bằng để xuôi Hà Nội chuyến đêm, thì lại có một anh lái xe taxi đón bà về miễn phí với lý do “cháu tiện đường, chở bà về luôn”.

“Dù không tìm thấy mộ của anh Linh, nhưng tôi cũng phần nào yên tâm bởi dù có nằm đâu, thì anh ấy cũng được người dân Cao Bằng chăm sóc cẩn thận”, bà Vượng nói. (còn tiếp)

Ngày 27.2.1979, trung úy Phan Đình Linh hy sinh, đúng 1 tháng sau (27.3.1979), con gái của anh là Phan Thị Hồng Loan chào đời. Gần 20 năm được mẹ nuôi ăn học bằng đồng lương y tá của Xí nghiệp gạch ngói Thuận Lộc 2 (TX.Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), năm 1997, Phan Thị Hồng Loan trúng tuyển vào Khoa Sư phạm ngoại ngữ, Đại học Vinh.

Tốt nghiệp ra trường, mặc dù Ban Giám hiệu Trường đại học Chính trị hết sức khuyên nhủ mời gọi ra làm việc trong trường, nhưng Loan xin được ở lại quê, làm giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để tiện chăm sóc mẹ. Tháng 1.2016, Trường đại học Chính trị tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập và đón vợ con liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Linh ra dự lễ. Hôm ấy, đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (sau là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện đã nghỉ hưu) ân cần thăm hỏi 2 mẹ con; và khi biết hoàn cảnh, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng hoàn tất thủ tục, chuyển công tác Loan sang quân đội. Hiện Phan Thị Hồng Loan đeo cấp hàm trung tá - quân nhân chuyên nghiệp, trợ lý chính sách thuộc Ban Chỉ huy quân sự TP.Vinh (Nghệ An).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.