Hy sinh khi đang thực tập: Khắc khoải một nỗi đau

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
17/02/2022 07:08 GMT+7

'Khoảng tháng 3.1979, nhà trường báo tin bố tôi mất tích, quân đội đang tìm kiếm. Mãi 2 năm sau, ngày 1.8.1981, bố tôi được xác nhận là liệt sĩ và thi hài bị thất lạc', chị Hương ứa nước mắt

Người thực hiện loạt bài này đến Quảng Bình, gặp anh Trần Anh Tuấn (con trai liệt sĩ Trần Văn Thùy) nghe tâm sự: “Nhà ở thì cuối năm trước, Trường Sĩ quan Chính trị huy động quyên góp, cùng gia đình xây dựng mới khang trang. Giờ chỉ mong tìm thấy mộ của cha hoặc ra thăm nơi cha đã hy sinh”.

2 con của liệt sĩ Trần Văn Thùy thắp hương cho cha mình

MAI THANH HẢI

Người cha chưa biết mặt con

Trung úy Trần Văn Thùy (sinh năm 1952, ở xã Quảng Tiến, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) là con đầu trong gia đình có 7 anh chị em. Tháng 8.1971, sau khi học hết lớp 10, ông xung phong đi bộ đội và chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Cuối năm 1973, ông Thùy cưới bà Tạ Thị Lợi (sinh năm 1954, đã mất năm 2018) và đến năm 1976, được cử đi học Trường Sĩ quan Chính trị, cũng đồng thời có con gái đầu Trần Thị Hương. Đầu năm 1978, ông Thùy về thăm nhà và để lại giọt máu thứ 2. Tháng 9.1978, con trai Trần Anh Tuấn chào đời, nhưng ông chưa kịp về thăm bởi tình hình biên giới phía bắc căng thẳng, và ông chuẩn bị đi thực tập.

Chị Trần Thị Hương hồi tưởng về người cha qua lời kể của mẹ: “Trước khi đi, bố tôi viết thư cho bà nội “chuyến này đi, con khổ 1 thì mẹ khổ 10. Con chưa biết khi nào về, nhờ mẹ chăm sóc vợ con của con”, và dặn vợ “nếu sinh con trai thì đặt tên là Tuấn, con gái thì đặt là Hường”...

“Khoảng tháng 3.1979, nhà trường báo tin bố tôi mất tích, quân đội đang tìm kiếm. Mãi 2 năm sau, ngày 1.8.1981, đại tá Văn Cương, phó hiệu trưởng mới ký giấy báo tử, chính thức thông báo bố tôi đã hy sinh, được xác nhận là liệt sĩ và thi hài bị thất lạc”, chị Hương nói vậy và ứa nước mắt: “Cả ông bà và mẹ tôi, trước khi mất đều để lại di nguyện tìm cho được thi hài bố tôi và đưa về quê. Thế nhưng, do hoàn cảnh quá khó khăn, thông tin lại sơ sài, nên bây giờ, chị em tôi vẫn chưa đi tìm được”.

Phần mộ của liệt sĩ Trần Văn Tương bị ghi sai nhiều thông tin, tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Quảng (Cao Bằng)

Ký ức về “nhà thơ Trần Thùy”

Tài liệu của Trường Sĩ quan Chính trị ghi: Trung úy Trần Văn Thùy hy sinh ngày 18.2.1979, trong khi chiến đấu trên cương vị chính trị viên, thực tập tại Đại đội 15, Trung đoàn bộ binh 567 (thuộc Quân khu 1) ở bản Pắc Tò, xã Mỹ Hưng, H.Quảng Hòa, Cao Bằng và “thi hài bị thất lạc”.

Ông Nguyễn Tiến Khoa (66 tuổi, đang sống tại TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) nhớ lại: Thời điểm tháng 2.1979, khi đang là chiến sĩ của Đại đội 15 (pháo DKZ) của Trung đoàn 567, thì thấy trung úy Trần Văn Thùy về thực tập làm chính trị viên. Sáng 17.2.1979, quân Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới Cao Bằng, các tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 567 đóng quân ở hướng Quảng Hòa cùng Đồn biên phòng Tà Lùng đánh trả quyết liệt.

Thời điểm ấy, Đại đội 15 được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng tăng cường cho 2 khẩu pháo chống tăng 76,2 mm. Chiều 17.2.1979, thấy nguy cấp, chỉ huy Trung đoàn 567 điều một nửa quân số của Đại đội 15 chuyển 2 khẩu 76,2 mm lên quả đồi ở bản Pắc Tò để diệt xe tăng địch. Trung úy Trần Văn Thùy đi cùng lực lượng.

Do bộ đội chỉ quen sử dụng DKZ, chưa biết thao tác pháo 76,2 mm nên trung đoàn cử 1 trợ lý pháo binh tên là Doãn đi cùng để hướng dẫn sử dụng. Khoảng 5 giờ sáng 18.2.1979, ông Khoa phát hiện lính Trung Quốc áp sát trận địa nên báo ngay cho trung úy Thùy và nhận lệnh nổ súng đánh trả. Gần trưa thì hết đạn, đơn vị thương vong nặng, trong đó có trung úy Thùy.

Thấy xe tăng Trung Quốc ào lên, ông Khoa cùng chiến sĩ Nguyễn Viết Cường và trợ lý pháo binh Doãn trốn dưới hố đất, đêm vượt vòng vây về phía sau. Ngày 13.3.1979, sau khi lính Trung Quốc rút đi, ông Khoa được lệnh dẫn đường cho đơn vị lên chiếm lĩnh trận địa. “Chúng tôi chỉ thấy hài cốt của 13 anh em, mãi không thấy liệt sĩ Trần Văn Thùy”, ông Khoa rành rọt vậy và cho biết: “Anh Thùy mặc sĩ quan, liên tục di chuyển qua các vị trí để chỉ huy và trực tiếp chiến đấu, diệt nhiều tên địch, nên có thể khi đã chiếm được trận địa ta, địch đã phá hủy thi hài”.

“Hồi ấy tôi 23 tuổi, là chiến sĩ vì nhập ngũ muộn. Anh Thùy hơn tôi 4 tuổi nhưng đã chiến đấu trong miền Nam, lại là cán bộ sĩ quan, nên chỉ dám đứng nhìn thủ trưởng từ xa, trong mấy buổi sinh hoạt buổi tối, đèn đuốc phập phù. Thế nhưng, chúng tôi ai cũng quý anh Thùy vì anh ấy gần gũi, nhanh nhẹn và làm thơ hay. Bộ đội thời ấy, ai cũng biết câu thơ của anh:

Ở nhà có mẹ có cha/Ra đây có tổ ba ba chúng mình (“tổ ba ba” hay còn gọi “tổ tam tam” là tổ 3 người trong QĐNDVN - PV), ông Khoa kể.

Bản báo cáo của Tỉnh ủy - UBND tỉnh Cao Bằng trong đại hội mừng công giữa năm 1979, cũng ghi: “Trần Văn Thùy, người chính trị viên dũng cảm, lúc khó khăn nhất vẫn bình tĩnh động viên bộ đội chiến đấu giữ vững trận địa, liên tục tấn công địch và đã anh dũng hy sinh”.

Bị gãy chân tay vẫn bám trận địa chiến đấu

Trong danh sách 22 liệt sĩ của Trường Sĩ quan Chính trị, chúng tôi chú ý đến trung úy Trần Văn Tương (quê ở xã Nga Thiện, H.Nga Sơn, Thanh Hóa) nhập ngũ tháng 1.1972 khi chưa đủ 17 tuổi và hy sinh ngày 20.2.1979 khi chưa tròn 24 tuổi.

Thông tin về liệt sĩ Tương từ nhà trường rất ít ỏi, nên chúng tôi phải hỏi qua các cựu binh đã chiến đấu tại biên giới phía bắc tháng 2.1979. Rất may, chúng tôi tìm được cựu binh Hà Trọng Bảo (nguyên đại tá, trưởng phòng thông tấn quân sự, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐNDVN), tháng 2.1979 là chiến sĩ thông tin (thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1) đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược ở mặt trận Hà Quảng (Cao Bằng).

Đại tá Hà Trọng Bảo cho biết: Tháng 2.1979, trung úy Trần Văn Tương từ Trường Sĩ quan Chính trị lên thực tập làm chính trị viên Đại đội 10 của Tiểu đoàn 3. Ngày 17.2.1979, khi quân Trung Quốc đánh qua cửa khẩu Sóc Giang sang Hà Quảng, Đại đội 10 phòng ngự ở mỏm đồi đất dưới điểm cao 505, án ngữ con đường từ ngã ba Đôn Chương lên TT.Sóc Giang (nay thuộc xã Sóc Hà, H.Hà Quảng). Từ sáng 20.2.1979, Trung Quốc huy động lực lượng lớn bộ binh và xe tăng có pháo hạng nặng bắn phá ác liệt, quyết tâm nhổ trận địa của Đại đội 10. Mặc dù bị thương vong nặng, nhưng toàn đơn vị dưới sự chỉ huy của trung úy Trần Văn Tương, đã kiên cường đánh trả, bắn cháy 6 xe tăng và diệt hơn 400 tên địch, giữ vững trận địa.

“Riêng trung úy Trần Văn Tương đã trực tiếp xuống chân điểm chốt, chỉ huy các tổ chiến đấu tiêu diệt xe tăng. Khi bị thương gãy 1 tay và 1 chân, vẫn kiên quyết ở lại chỉ huy bộ đội, và hy sinh vào chiều 20.2.1979”, đại tá Hà Trọng Bảo khẳng định.

Cuối tháng 1.2022, chúng tôi lên Sóc Giang và vào nghĩa trang liệt sĩ H.Hà Quảng, tìm thấy mộ liệt sĩ Trần Văn Tương, nhưng ghi sai tên (Trần Văn Tương thành “Trần Văn Tướng”), năm sinh (từ 1955 thành 1952), đơn vị (Trường Sĩ quan Chính trị thành “trưởng sĩ quan chính trị thực tập”). Chỉ cấp bậc, đơn vị khi hy sinh và ngày hy sinh là đúng hồ sơ.

Tìm về quê liệt sĩ Tương (xã Nga Thiện, H.Nga Sơn), chúng tôi được biết ông Trần Văn Thám (anh trai liệt sĩ Tương) là người thờ cúng liệt sĩ vừa mất cách đây mấy tháng. Hiện, căn nhà để di ảnh liệt sĩ Tương và bố mẹ, đang khóa cửa, nhờ người cháu Trần Văn Hiển ở cách đó 2 km thi thoảng qua mở cửa quét dọn, hương khói.

Anh Hiển kể: “Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Chính trị đã rất nhiều lần đề xuất việc giúp đỡ, hỗ trợ hết mức việc gia đình di chuyển phần mộ liệt sĩ từ Cao Bằng về Thanh Hóa. Tuy nhiên, do điều kiện eo hẹp nên gia đình chưa lên thăm mộ, dự định sang năm 2022 sẽ xin di chuyển hài cốt liệt sĩ Tương về quê hương”.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.