Vừa đặt cẩn thận những bông cúc xuống trước tượng đài Công an nhân dân vì dân phục vụ trên phố Trần Nhân Tông, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội, 2 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) của Công an Hà Nội vừa kể lại, chiều 1.8.2022, nhận tin báo cháy tại quán karaoke ISIS (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), thượng tá Đặng Anh Quân, Đội trưởng; thượng úy Đỗ Đức Việt, hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc cùng đồng đội đến hiện trường chữa cháy, cứu người.
Sau khi hướng dẫn được 8 người dân thoát ra khỏi đám cháy, 3 chiến sĩ tiếp tục quay lên tìm các phòng, các tầng để chắc chắn không ai còn mắc lại. Tuy nhiên, khi 3 người lên tới tầng 4, các vật liệu từ trên trần sập xuống, bịt lối thoát nạn và 3 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Trước những hành động dũng cảm, không quản ngại hy sinh của 3 chiến sĩ, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất; Thủ tướng Chính phủ cấp bằng "Tổ quốc ghi công"; Bộ trưởng Bộ Công an thăng cấp bậc hàm vượt cấp đối với 3 chiến sĩ.
Gia đình tự hào về anh
Ngôi nhà của liệt sĩ Đặng Anh Quân nằm sâu trong ngõ nhỏ ở phố Chùa Láng (Q.Đống Đa, Hà Nội), một năm nay, ngôi nhà đã mất đi một người trụ cột, một người con, người chồng, người cha đáng kính. Trước khi hy sinh, thượng tá Quân là một người đội trưởng hiền lành, tận tụy với công việc và luôn yêu thương đồng đội. Về nhà, anh lại là người đàn ông của gia đình, là tấm gương cho các con noi theo.
Không khí lại càng xúc động khi kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023) cũng cận ngày giỗ đầu của 3 chiến sĩ.
Đang chuẩn bị cơm cúng cho chồng, chị Nguyễn Thu Huyền, vợ liệt sĩ Đặng Anh Quân, cho biết những ngày gần đây chị liên tục đón tiếp các cơ quan, đoàn thể, những đồng đội cũ của chồng đến thăm hỏi. Điều này giúp chị phần nào vơi đi sự mất mát trong suốt thời gian qua.
Theo chị Huyền, thời gian đầu chồng mất, cuộc sống gia đình chị xáo trộn hoàn toàn từ sinh hoạt, đến công việc, con cái. Những áp lực trên đè nặng khiến nhiều lúc, người phụ nữ này cảm tưởng như mình khó có thể vượt qua. Thế nhưng, nhờ có sự động viên của người thân, bạn bè, hàng xóm, chị đã biến nỗi đau thành động lực để trở lại cuộc sống và làm việc bình thường.
Trước di ảnh chồng, trong thâm tâm của người vợ này vẫn luôn nghĩ liệt sĩ Quân còn sống mãi và dõi theo từng bước đi của gia đình. "Gia đình và các con luôn tự hào về anh, anh cứ yên nghỉ anh nhé", chị Huyền xúc động.
Đối với những người hàng xóm, họ vẫn luôn nhớ về người lính chữa cháy dũng cảm, chính trực với nụ cười hiền lành, luôn kính trọng mọi người.
Anh "siêu nhân" sẽ còn sống mãi
Cùng là chiến sĩ công an, trung úy Nguyễn Hồng Dương, cán bộ Đội CSGT Công an Q.Hà Đông (Hà Nội), cho biết liệt sĩ Đỗ Đức Việt không chỉ là đồng đội mà còn là người bạn, người anh em tri kỷ của anh trong suốt quãng thời gian học phổ thông cùng nhau.
Trung úy Dương cho hay, từ nhỏ liệt sĩ Việt đã ước mơ trở thành người lính cứu hỏa. "Là con trai, từ bé mình nghịch và thích xem phim siêu nhân lắm, mà siêu nhân lại hay cứu người, từ đó mình có ước mơ. Khi lớn, mình chứng kiến một vài vụ cháy, thấy người dân được cứu ra nhờ lính cứu hỏa, mình cảm tưởng họ giống siêu nhân vậy, nên quyết tâm nuôi dưỡng ước mơ, hy vọng sẽ trở thành một người lính cứu hỏa", trung úy Dương không cầm được nước mắt khi kể lại lời Việt từng tâm sự.
Khi anh Việt được khoác lên mình màu áo lính cứu hỏa và "hóa thân thành siêu nhân đi cứu người", trung úy Dương đã rất vui, như niềm vui của riêng chính mình vậy. Trung úy Dương cho hay, anh Việt là một chàng trai hiền lành với trái tim nhân hậu và luôn nở nụ cười tươi trên môi, nhưng cũng là một người lính cứu hỏa trẻ nhiều kinh nghiệm, cống hiến trọn vẹn cuộc sống mình cho nghề, ai gặp cũng quý mến.
"Sự hy sinh của Việt đã thể hiện tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm, không ngại hiểm nguy, gian khổ. Với Việt, nhiệm vụ cứu tính mạng người dân luôn đặt trên hết. Phẩm chất ấy, hình ảnh ấy và tấm lòng ấy sẽ mãi được nhắc, nhớ đến tận sau này", trung úy Dương nghẹn ngào.
Đất nước sẽ không quên tên
Vừa tiếp đoàn công tác của Bộ Công an tới thăm hỏi, thắp hương cho liệt sĩ Phúc, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh chia sẻ, nhiều tháng sau khi con trai hy sinh bà mới lấy lại được tinh thần. Do gia đình vốn truyền thống về Phật giáo, chính vì thế thời gian gần đây, bà Hạnh chuyên tâm nghiên cứu tài liệu và tích cực tham gia những công việc thiện nguyện. Quán cơm chay Quảng Phúc (nơi sinh sống của bà và con trai trước đây) đã được bà tặng lại cho một người quen là chị Phạm Thị Thu Thủy tiếp quản và vận hành.
"Hiện tại, tâm tôi đã tĩnh lặng, không như trước. Thời gian đầu, tôi đi làm việc thì không sao, nhưng khi về nhà thì mọi hình ảnh của con lại ùa về. Đôi khi thắp hương cho Phúc, tôi không dám nhìn vào ảnh của con", bà Hạnh kể.
Bà Hạnh cho rằng, vượt qua nỗi đau mất con là không hề dễ dàng bởi đó "là nỗi đau lớn nhất trên thế gian". Thế nhưng, bà luôn nghĩ rằng con trai hy sinh đã để lại niềm tự hào cho gia đình, được người dân trên cả nước biết và nhớ đến, đó là động lực giúp bà vượt qua sự mất mát đó.
"Nếu mình cứ sống mãi trong quá khứ, thì mọi thứ vẫn mãi chìm trong đau khổ và quá khứ không vui", bà Hạnh nói và cho biết, gần 1 năm qua, bà vẫn thường xuyên liên lạc với 2 gia đình chiến sĩ còn lại để cùng nhau chia sẻ nỗi đau, cùng nhau động viên, giúp nhau vượt qua để bước tiếp, sống tiếp và tự hào vì những gì 3 chiến sĩ đã lại cho xã hội này.
Chị Phạm Thị Thu Thủy chia sẻ, Phúc hy sinh là tổn thất lớn cho gia đình. Thế nhưng, sự hy sinh đó mang đã mang lại vinh quang, tự hào và cả đất nước sẽ không quên. "Bản thân ai cũng sinh ra, già đi rồi mất. Cùng là cái chết nhưng em mang lại vinh quang và mang theo tinh thần tuổi trẻ hăng hái, sẵn sàng nhảy vào biển lửa cứu người. Hình ảnh hy sinh của em đã để lại ý nghĩa rất lớn cho giới trẻ, cho xã hội", chị Thủy xúc động.
"Họ là những người anh hùng"
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (C07) Bộ Công an, cho biết cuộc chiến với giặc lửa luôn là cuộc chiến cam go, vất vả và hiểm nguy luôn trực chờ. Các chiến sĩ phải làm việc ở môi trường nhiệt độ cao, chịu tác động của khói, khí độc; nguy cơ sập đổ cấu kiện công trình, nguy cơ nổ các thiết bị, bị nhiễm độc hóa chất. Tuy vậy, quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH luôn đặt mục tiêu cứu người, cứu tài sản trong đám cháy nhanh nhất, ngăn đám cháy lan rộng để giảm thiểu thiệt hại xảy ra.
Theo ông Khương, khó có lời nào mô tả được hết sự dấn thân và quả cảm của những chiến sĩ đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ. Họ biết có thể mình sẽ gặp nguy hiểm, có thể phải hy sinh nhưng vẫn thực hiện nhiệm vụ và luôn luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đại tá Khương cho hay, 3 liệt sĩ Quân, Việt và Phúc đều là những cán bộ cần mẫn, tâm huyết, hết mình vì công việc. Sự hy sinh 3 chiến sĩ cùng các thế hệ trước đây của lực lượng cảnh sát PCCC đều là sự hy sinh cao cả, dũng cảm và họ đều là những người anh hùng. Những hy sinh này vô cùng ý nghĩa, thể hiện sự cống hiến, sự sẵn sàng hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, để có thể cứu được người và tài sản của nhân dân.
Theo đại tá Khương, C07 cũng như Công an TP.Hà Nội luôn quan tâm, tri ân gia đình và các chiến sĩ đã hy sinh, đặc biệt dịp 27.7. Trong ngày 20.7 vừa qua, Công an Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà ở xã hội tặng gia đình 3 liệt sĩ Quân, Việt và Phúc.
Trong đó, Công an Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí mua nhà, tổng cộng gần 3 tỉ đồng/3 căn; đồng thời các đơn vị trong và ngoài lực lượng đã tặng các gia đình gói nội thất cơ bản với tổng trị giá trên 200 triệu đồng/căn cùng nhiều phần quà có giá trị để gia đình có thể sử dụng, sinh hoạt ngay sau khi nhận bàn giao căn hộ.
Ngoài ra, để các chiến sĩ không bao giờ bị lãng quên, trong tuần tới, Bảo tàng Công an nhân dân sẽ tiếp nhận các kỷ vật của 3 liệt sĩ Quân, Việt và Phúc để trưng bày.
Bình luận (0)