(TNTS) Một công ty của Mỹ đang chế tạo loại tên lửa đẩy Vasimr với hy vọng nó có thể giúp con người bay tới hành tinh Đỏ chỉ trong 39 ngày.
Động cơ tên lửa tốc độ cao giúp NASA tiếp cận gần hơn với sao Hỏa - Ảnh: Daily Mail
|
Công ty tên lửa Ad Astra ở thành phố Webster, bang Texas, đã ký hợp đồng với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để chế tạo tên lửa Vasimr, có thể giúp giảm thời gian tới sao Hỏa từ vài tháng xuống còn vài tuần. Đài RT dẫn lời tiến sĩ Franklin Chang-Diaz, Giám đốc điều hành công ty cho hay loại tên lửa đẩy này có khả năng tạo ra một cuộc cách mạng trong hoạt động thám hiểm vũ trụ. Chang-Diaz là một cựu phi hành gia và ông đã từng tham gia 7 chuyến bay của tàu con thoi vào không gian. Ông Chang-Diaz nhấn mạnh: “Vasimr không giống những tên lửa mà bạn đã nhìn thấy trước đây. Nó là loại tên lửa plasma. Vasimr không được sử dụng để phóng tàu mà chỉ phục vụ những phi thuyền trên vũ trụ”.
Cực quang tím bí ẩn trên sao Hỏa - Ảnh: nasa.gov
|
Theo tiến sĩ Chang-Diaz, động cơ Vasimr hoạt động bằng cách đốt nóng plasma, một loại khí mang điện tích, tới 11 triệu độ C. Sau đó, khí plasma được chuyển vào ống khí sử dụng từ trường để đẩy tàu vũ trụ. Theo kế hoạch, NASA sẽ cung cấp 10 triệu USD cho Công ty tên lửa Ad Astra trong khoảng thời gian 3 năm để phát triển đầy đủ phiên bản mới của động cơ Vasimr. Trong giai đoạn này, Ad Astra sẽ đẩy mạnh việc phát triển động cơ Vasimr đến mức lớn hơn 5, và đây là mức tiếp cận gần tới các chuyến bay không gian.
NASA thử nghiệm “đĩa bay” chắn nhiệt
NASA sẽ tiếp tục thử nghiệm tàu vũ trụ có hình dạng đĩa bay LDSD với vai trò làm lá chắn nhiệt trong không gian. Dưới tác động của bầu khí quyển sao Hỏa, cấu trúc hình đĩa sẽ được thổi phồng lớn giúp làm giảm tốc độ hạ cánh của tàu vũ trụ. Vì thế, đĩa bay LDSD cản nhiệt sẽ giúp những phi hành gia đầu tiên khi đáp xuống sao Hỏa không phải sử dụng dù hoặc lá chắn nhiệt thông thường như đã sử dụng trước đó. Theo tờ Daily Mail, đĩa bay LDSD là phương tiện phục vụ các sứ mệnh nghiên cứu sao Hỏa trong tương lai. Vào tháng 6 tới, công nghệ mới mang tính đột phá này sẽ được thử nghiệm và đây là một bước tiến quan trọng trong hành trình tới sao Hỏa.
Đĩa bay của NASA được thiết kế để đưa con người lên sao Hỏa trong tương lai - Ảnh: NASA
|
Ngày 31.3, NASA đã thử nghiệm chuyển động xoay của tàu vũ trụ tại phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực ở thành phố Pasadena, bang California.
Sau đó, đĩa bay LDSD được vận chuyển đến đảo Kauai, Hawaii và tại đây, tên lửa của hải quân Mỹ sẽ đưa nó bay vào không gian vào tháng 6 năm nay. NASA cho hay họ sẽ thử nghiệm công nghệ mới, cho phép đĩa bay với trọng tải lớn có thể hạ cánh an toàn xuống sao Hỏa, trái đất hay bất kỳ hành tinh nào khác, dù phải chịu tác động của bầu khí quyển. Hơn nữa, công nghệ mới cũng giúp đĩa bay tiếp cận bề mặt hành tinh Đỏ nhiều hơn vì nó cho phép LDSD hạ cánh ở những độ cao hơn. Đĩa bay LDSD là một thiết bị lớn với chiều rộng khoảng 4,6 m, trọng lượng 3.200kg và nó được thiết kế để đối phó với bầu khí quyển của sao Hỏa. Vào tháng 6, bốn cuộc kiểm tra đĩa bay LDSD sẽ diễn ra trên đảo Kauai, Hawaii, sau đó NASA quyết định có nên sử dụng nó vào các sứ mệnh khám phá sao Hỏa trong tương lai hay không.
Dấu vết mới về sự sống
Sử dụng máy phân tích mẫu thử sao Hỏa (SAM), robot tự hành Curiosity của NASA mới đây đã phát hiện sự tồn tại của nitrat trong các mẫu đá trên hành tinh Đỏ. Chất này là một trong những yếu tố quan trọng đối với quá trình hình thành và duy trì sự sống trên trái đất. Theo tờ Los Angeles Times, Curiosity đã phân tích 3 mẫu đá lấy từ 3 vị trí gần nơi hạ cánh của robot này tại các khu vực có tên Rocknest, Cumberland và John Klein. Các mẫu đá trên được nung trong lò của SAM rồi phân tích khí thoát ra và phát hiện nó có chứa một lượng đáng kể oxit nitric. Dựa trên cơ sở các dữ liệu từ phòng thí nghiệm, Jennifer Stern, chuyên gia địa hóa học của NASA cho hay lượng oxit nitric được tạo thành có khả năng do các mẫu đá bị nung nóng chứa nitrat. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã loại bỏ ảnh hưởng của tạp chất từ môi trường xung quanh, để bảo đảm kết quả được chính xác.
Robot tự hành Curiosity - Ảnh: astronaut.com
|
Thế nhưng, kết quả cuối cùng tiếp tục cho thấy sự tồn tại của một lượng nitơ đủ để vi sinh vật hình thành sự sống ở những vùng khô hạn nhất trên trái đất. Từ lâu, các nhà khoa học NASA đã không ngừng tìm kiếm các phân tử carbon hữu cơ vì nó là bằng chứng hàng đầu về sự sống trên sao Hỏa. Tuy nhiên, nitơ cũng là yếu tố cần thiết cho sự sống bởi các hợp chất của nó là nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho các sinh vật sống. Do vậy, sự sống cần nitơ nhiều cũng như cần carbon.
Các vi sinh vật sử dụng nitơ để tạo nên những thành phần cơ bản của sự sống như các axit amin và nucleobase vốn cấu tạo nên DNA cũng như RNA. Mặc dù hầu hết các nitrat trên trái đất được tạo ra bởi các sinh vật sống, nhưng nguồn gốc của chất này trên sao Hỏa hiện chưa được xác định rõ. Nhóm nghiên cứu tin rằng nitrat trên hành tinh Đỏ được tạo thành từ những cú sốc nhiệt lớn như sét đánh hoặc do va chạm với các thiên thạch.
Các nhà khoa học NASA mới đây cho hay tàu vũ trụ Maven đã phát hiện ra hiện tượng cực quang rực sáng trên sao Hỏa. Luồng cực quang tím sáng được gọi là “ánh sáng ngày Giáng sinh” vì nó diễn ra từ ngày 18-23.12 năm ngoái trên khắp bán cầu bắc của hành tinh Đỏ, và điều này chưa từng được thấy trước đó. Tuy nhiên, trước đây, các chuyên gia đã quan sát cực quang trên bán cầu nam, nơi có từ trường mạnh nhất trên sao Hỏa. Vì thế, Bruce Jakosky, một nhà khoa học NASA khẳng định ông đã nhìn thấy cực quang không kết nối với các vùng từ tính. Hơn nữa, Jakosky không biết cực quang chỉ xảy ra ở những nơi ông quan sát hay nó diễn ra trên toàn cầu.
Theo BBC, mặt trời đã phóng ra các electron ở mức năng lượng đủ cao để thâm nhập sâu vào bầu khí quyển sao Hỏa, góp phần tạo ra hiện tượng cực quang kỳ lạ này.
|
Bình luận (0)