Hy vọng nào cho Gaza từ Cairo?

06/05/2024 05:30 GMT+7

Vòng đàm phán mới nhằm đi đến thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã được khởi động tại thủ đô Cairo của Ai Cập, nhưng cả Hamas và Israel đều phát đi tín hiệu cho thấy không bên nào sẵn sàng nhượng bộ.

Cuộc thương thuyết mới nhất mở màn tại Cairo hôm 4.5 và tiếp tục diễn ra trong ngày 5.5. Các nhà đàm phán của Ai Cập, Qatar, Mỹ đã gặp phái đoàn Hamas, trong khi Israel không cử đại diện đến. Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns được cho là đã tham gia đàm phán.

Bế tắc tiếp diễn

Cả Hamas và Israel đều cáo buộc đối phương là nguyên nhân khiến các nỗ lực đàm phán đến nay chưa đạt kết quả. Cuối ngày 4.5, một quan chức cấp cao giấu tên của Hamas khẳng định họ sẽ "không đồng ý trong bất kỳ trường hợp nào" nếu thỏa thuận ngừng bắn không quy định rõ ràng về việc chấm dứt chiến sự một cách triệt để, bao gồm việc Israel rút quân khỏi Gaza, theo AFP. 

WHO cảnh báo về nguy cơ ‘tắm máu’ nếu Israel tấn công thành trì cuối của Hamas

Trước đó, một quan chức hàng đầu của Israel chỉ trích Hamas cản trở khả năng đạt được thỏa thuận khi không từ bỏ các yêu cầu liên quan việc chấm dứt xung đột. Quan chức này tiết lộ với AFP rằng Israel vẫn chưa đồng ý đảm bảo chiến sự sẽ kết thúc theo bất cứ cách nào và sẽ chỉ cử phái đoàn tham dự đàm phán nếu có chuyển động tích cực trong khuôn khổ được đề xuất.

Một ngôi nhà đổ nát ở Gaza hôm 5.5

Một ngôi nhà đổ nát ở Gaza hôm 5.5

Reuters

Giám đốc CIA từng tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn trước đây và Mỹ đã phát đi tín hiệu rằng lần này có thể có tiến triển. Người phát ngôn cấp cao của Hamas là Osama Hamdan hôm 4.5 cho hay họ cần có sự đảm bảo từ Washington rằng Israel sẽ không tiến hành tấn công trên bộ ở Rafah trong bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào, theo Al Jazeera. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố quân đội Israel vẫn sẽ tiến vào Rafah dù có đạt được thỏa thuận hay không.

Biểu tình lan rộng

Nỗ lực đàm phán tại Ai Cập diễn ra giữa lúc làn sóng biểu tình phản đối chiến sự ở Gaza ngày càng lan rộng. Mới nhất, sinh viên tại các trường đại học ở Ireland và Thụy Sĩ đã chiếm cứ khuôn viên để kêu gọi nhà trường chấm dứt hợp tác học thuật với Israel cũng như thoái vốn khỏi các công ty có liên hệ với nước này, theo Reuters. Làn sóng phản chiến lan từ Mỹ, nơi sinh viên của ít nhất 40 trường đại học đã dựng lều tọa kháng trong khuôn viên trường kể từ ngày 17.4. Truyền thông Mỹ cho hay cảnh sát đến nay đã bắt giữ gần 2.000 người biểu tình trên toàn quốc.

Tổng thống Biden lần đầu lên tiếng về phong trào biểu tình phản chiến ở Mỹ

Phong trào biểu tình ủng hộ Palestine cũng diễn ra tại các trường đại học ở Canada, Đức, Mexico, Pháp và Úc. Theo AFP, cảnh sát đã cưỡng chế giải tán lều trại của sinh viên biểu tình tại Đại học Sciences Po danh giá ở Paris hôm 3.5, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng chỉ trích phong trào. Tại Đức, cảnh sát đã can thiệp để bắt người biểu tình phải rời khỏi khuôn viên Đại học Humboldt ở trung tâm Berlin. 

Áp lực đè nặng lên thủ tướng Israel

Tại Israel, hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình ở Tel Aviv và Jerusalem vào tối 4.5, kêu gọi Thủ tướng Netanyahu chấp nhận thỏa thuận để giải cứu con tin đang bị giam giữ ở Gaza, đồng thời tổ chức bầu cử. Theo tờ The Times of Israel, một số người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.