Hy vọng về sự sống trên hành tinh cách Trái đất 6 năm ánh sáng

15/01/2019 10:00 GMT+7

Một siêu Trái đất - tức là hành tinh có khối lượng lớn hơn địa cầu nhưng nhỏ hơn Thiên Vương tinh và Hải Vương tinh - nằm cách trái đất 6 năm ánh sáng có thể đang chứa sự sống ngoài hành tinh.

Hành tinh được các nhà nghiên cứu của Đại học Villanova (Mỹ) đặt tên là Barnard b, đang xoay quanh ngôi sao lùn đỏ già Barnard, theo Đài ABC News.
Sao trung tâm hiện đã 9 tỉ năm tuổi, không còn đủ sức tỏa nhiệt lượng sưởi ấm hành tinh của nó, vì thế nhiệt độ trung bình trên bề mặt Barnard b được cho vào khoảng -150oC, tương tự mặt trăng Europa của sao Mộc.
Tuy nhiên, hành tinh trên nhiều khả năng có lõi kim loại nóng chảy, khi kết hợp với hoạt động địa nhiệt mạnh mẽ, vẫn có thể tạo ra đủ nhiệt lượng duy trì sự sống sơ khai ở vị trí sâu thẳm trong lòng đất.
Hai hệ sao gần hệ mặt trời nhất NASA
“Sự tỏa nhiệt từ hoạt động địa nhiệt có thể cho phép tạo ra “các vùng sống” bên dưới bề mặt, giống như những hồ nằm sâu dưới lớp băng dày ở Nam Cực”, theo nhà vật lý học thiên thể Edward Guinan của Đại học Villanova.
Điều mà các chuyên gia vẫn chưa thể chắc chắn là liệu có nước trên hành tinh hay không.
“Sao Barnard đang nằm trong tầm quan sát của chúng tôi nhiều năm qua”, tiến sĩ Guinan cho biết. Theo ông, khía cạnh đáng chú ý nhất trong phát hiện mới công bố là cả hai hệ thống sao gần hệ mặt trời nhất, bao gồm Barnard và Alpha Centauri, đều có hành tinh xoay quanh.
Điều này ủng hộ các cuộc nghiên cứu trước đây vốn dựa trên dữ liệu từ sứ mệnh của kính viễn vọng không gian Kepler rằng hành tinh vô cùng phổ biến khắp mọi góc ngách của vũ trụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.