Chưa đâu vào đâu
Từ Quảng Bình ra Hà Nội lập nghiệp đã 10 năm, đây là lần đầu tiên chị Trần Thị Lan (công nhân may tại Q.Long Biên, Hà Nội), được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ. “Khi nhận thông báo thuộc diện hỗ trợ chúng tôi mừng lắm, đơn xác nhận của chủ nhà trọ đã gửi, còn khi nào nhận được tiền thì mình chưa biết”, chị Lan nói.
Nhiều công nhân mong muốn sớm nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà trọ |
NGỌC THẮNG |
Trong khi người lao động (NLĐ) trông ngóng từng ngày được nhận tiền hỗ trợ thì tại nhiều doanh nghiệp hiện mới chỉ dừng ở bước thông báo, nhận đơn của NLĐ. Chị Vũ Thị Hồng Hạnh, Phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH điện tử Atis, KCN Quang Minh (Hà Nội), cho biết dự kiến có khoảng 300 công nhân của công ty được thụ hưởng chính sách này, nhưng đến nay mới chỉ dừng ở công đoạn đầu tiên là NLĐ nộp hồ sơ cho công ty.
Lý giải nguyên nhân có sự chậm trễ này, chị Hạnh cho rằng: “Do mãi đến ngày 28.4, Hà Nội mới có văn bản hướng dẫn, sau kỳ nghỉ lễ 30.4 chúng tôi bắt đầu thông báo tới NLĐ. Hơn nửa tháng qua, NLĐ nộp hồ sơ lắt nhắt, đến nay mới chỉ có gần 100 hồ sơ. Dự kiến sang tháng 7 chúng tôi tổng hợp làm thủ tục một lần, xem vướng mắc ở đâu, sai sót ở đâu rồi mới trình lên cấp trên”.
Đánh giá chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất có ý nghĩa đối với NLĐ sau dịch Covid-19, song ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH điện tử Meko VN, KCN Thạch Thất (Hà Nội), cho rằng cần có sự thông thoáng linh hoạt hơn. “Công ty chúng tôi có hơn 5.000 công nhân, chính sách đã triển khai đến 600 NLĐ đủ điều kiện, nhưng giờ vẫn chưa đâu vào đâu. NLĐ thuê trọ rất nhiều, để đáp ứng thủ tục có người chưa có giấy tạm trú, tạm vắng, có người lại chưa gặp được chủ nhà trọ. Thủ tục hành chính cứ phải có nhiều chữ ký xác nhận là lằng nhằng rồi, chúng tôi mong muốn thủ tục đơn giản hơn, có thể công đoàn và doanh nghiệp xác nhận cho công nhân bớt khó khăn cho NLĐ”, ông Hải bày tỏ.
Tăng cường giám sát
Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, tính đến hết ngày 16.5, có 53 địa phương ban hành kế hoạch triển khai gói hỗ trợ; 8 tỉnh chưa có kế hoạch và 2 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên) không có lao động thuộc chính sách hỗ trợ.
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), gói hỗ trợ chưa thể chi trả cho NLĐ vì các địa phương vẫn đang rà soát, hoàn thiện các thủ tục. Doanh nghiệp, NLĐ đang làm hồ sơ, lập danh sách và qua các bước xác nhận từ cơ quan chức năng. Theo quy định, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ gộp 2 - 3 tháng, nên nhiều nơi chờ đủ thời gian để làm gộp, sớm nhất đầu tháng 5 mới tập hợp đủ hồ sơ. Bộ LĐ-TB-XH đang trình Thủ tướng ban hành công điện đôn đốc các địa phương giải ngân gói hỗ trợ này.
Trước phản ánh của NLĐ về việc chậm triển khai gói hỗ trợ, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN, cho biết từ ngày 17.5, các đoàn giám sát của Tổng LĐLĐ VN bắt đầu làm việc tại một số địa phương và doanh nghiệp để ghi nhận những vướng mắc. “Vướng mắc nhất là thủ tục hành chính như giấy xác nhận của chủ nhà trọ, nhiều chủ nhà trọ không muốn cung cấp thông tin cá nhân hoặc ủy quyền cho họ hàng, người thân trông coi nhà trọ. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn chậm ban hành hướng dẫn thực hiện. Tiến độ triển khai trên thực tế rất chậm, cứ đà này, qua đến tháng 6 tiền hỗ trợ vẫn chưa đến tay NLĐ”, ông Hiểu nhìn nhận.
Hôm qua (18.5), Bộ LĐ-TB-XH cũng đã cử đoàn đi kiểm tra, giám sát tình hình triển khai gói hỗ trợ các địa phương. Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, cho hay: “Hiện chưa có tỉnh nào giải ngân tiền hỗ trợ đến tay NLĐ. Thủ tướng rất sốt ruột và yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH cử đoàn công tác đi các địa phương xem việc thực hiện triển khai đến đâu”.
“Đề nghị các tỉnh có quyết sách để triển khai quyết liệt hơn nữa, nhất là công đoạn xác nhận tại UBND cấp huyện và công an”, ông Bình nói. Liên quan thắc mắc của các địa phương về đối tượng hỗ trợ, ông Vũ Trọng Bình lưu ý, những trường hợp nghỉ ốm đau, thai sản, lao động được doanh nghiệp hỗ trợ tiền nhà trọ hoặc lao động nước ngoài đang thuê trọ đều được thụ hưởng chính sách này.
Bình luận (0)