Ì ạch nút giao cửa ngõ Đà Nẵng

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
27/05/2019 09:20 GMT+7

Gần 2 năm kể từ khi thông xe lần đầu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nút giao thông đầu tuyến cao tốc tại Túy Loan, H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) vẫn dở dang...

H.Hòa Vang là địa phương đầu tiên công bố hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ tháng 3.2017, kết nối với đường tránh Nam Hải Vân tạo nên trục đường thông suốt qua 3 tỉnh thành, nhưng “nghịch lý nút giao” Túy Loan vẫn chưa tháo gỡ. Lẽ ra nút giao này phải hoàn thành đầu tiên, lại đang còn ngổn ngang. Cả 4 mũi thi công ở 4 nhánh đều “đứng bánh”, máy móc gỉ sét vì phơi mưa nắng, cỏ dại um tùm. Do thi công gián đoạn, nhiều đoạn bị hạ cốt nền xuống thấp hơn mặt đường cả mét, gây mất an toàn giao thông…
Ông Nguyễn Đức Hóa, Chỉ huy trưởng công trình nút giao Túy Loan, cho biết chỉ cần 2 - 3 tháng có mặt bằng sạch thì công trình sẽ hoàn thành. Nhà thầu túc trực 2 mũi thi công với 70 nhân lực nhưng không dám thi công vì người dân ngăn cản, nên tiến độ chỉ đạt 70% và giậm chân tại chỗ cả năm qua, trong khi vẫn phải trả lương, thuê máy móc.

Chậm giải tỏa mặt bằng, vì sao?

Ì ạch nút giao cửa ngõ Đà Nẵng1
Tiến độ giải phóng mặt bằng dự án chậm do phát sinh nên phải làm thủ tục đền bù mới ẢNH: NGUYỄN TÚ
Nhưng không chỉ có nhà thầu kêu cứu lên UBND H.Hòa Vang và BQL Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, người dân thuộc diện giải tỏa trong nút giao thông này cũng cần ổn định cuộc sống. Theo UBND H.Hòa Vang, tính đến tháng 5, đã có thêm 9 hộ dân ủng hộ di dời, chấp nhận giải tỏa trước chờ đền bù sau. Còn lại 11 hộ vướng mặt bằng chưa bàn giao, cản trở thi công do chưa đồng thuận, thậm chí… trả lại tiền đền bù để tiếp tục yêu cầu mức đền bù khác.
Từ tháng 10.2017, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương của UBND TP.Đà Nẵng về việc giải tỏa trắng thay cho giải tỏa một phần, tuy nhiên một số hộ dân kiến nghị xin ở lại và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cũng như bồi thường giá trị đất do bị đường gom phía trước. Nhiều người dân cho rằng, công tác đền bù giải tỏa còn chưa thỏa đáng, việc bố trí đất tái định cư chưa hợp lý nên chưa đồng ý di dời. Thậm chí, có hộ bị giải tỏa một phần trong phạm vi nút giao thông, được bố trí tái định cư từ năm 2014 - 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất với việc giao đất thực tế, khiến việc đi hay ở đều dở dang.
Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND H.Hòa Vang, giải thích tiến độ giải phóng mặt bằng dự án chậm do phát sinh nên phải làm thủ tục đền bù mới, cụ thể là việc mở thêm đường gom ảnh hưởng dân sinh. “Người dân có nhiều yêu cầu với lý do đền bù chưa hợp lý, nhưng chúng tôi căn cứ theo quy định pháp luật. Nhà nước đã bù thêm vào, huyện cũng kiến nghị nhiều lần nhưng hiện cũng đang chờ nguồn tiền bổ sung giải phóng mặt bằng ở chỗ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN, dự kiến 30 tỉ đồng, nên Hội đồng giải phóng mặt bằng cũng “đứng sựng”, ông Đặng Thương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.