IELTS 9.0 cũng không nên nói chuyện 'nửa Tây nửa ta' với cô bán rau ngoài chợ

09/02/2023 12:19 GMT+7

Hiện nay, việc học thêm một ngoại ngữ hay có chứng chỉ IELTS là vô cùng cần thiết . Tuy nhiên, việc học ngoại ngữ cũng dẫn đến vấn đề giao tiếp “nửa Tây nửa ta” trong đời sống của một bộ phận gen Z.

Để thành thạo một ngôn ngữ nào đó là cả một quá trình siêng năng, mất nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc. Vì vậy, việc có được chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS khiến người trẻ tự hào là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, vì học nhiều, nói tiếng Anh nghe sang hơn… hay vì một số lý do nào khác mà hiện nay lại phổ biến kiểu giao tiếp “nửa Tây nửa ta” trong mọi hoàn cảnh tạo cảm giác khó chịu đối với người nghe.

ELTS 9.0 cũng đừng nói chuyện “nửa Tây nửa ta” với cô bán rau ngoài chợ - Ảnh 1.

Trào lưu nói chuyện "nửa Tây nửa ta" từng được một nữ ca sĩ áp dụng và đã gây sốt giới trẻ

CHỤP MÀN HÌNH

Cảm thấy mệt mỏi với đồng nghiệp “sính ngoại” khi liên tục sử dụng cách nói chuyện “nửa Tây nửa ta” trong lúc trao đổi công việc, Ngô Thùy Dương (24 tuổi), làm việc tại 20 Nguyễn Đăng Giai, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: “Mình thật sự ám ảnh với một anh bạn đồng nghiệp giỏi tiếng Anh, cứ mỗi lần nói chuyện với mình là kiểu: 'Anh có một vài issues (vấn đề) muốn discuss (bàn luận) với em. Hôm trước em có submit (nộp) một file (tài liệu) nhưng có rất nhiều vấn đề rất complicated (phức tạp) cần phải fix (sửa chữa)'. Nói chuyện với anh ấy lúc nào mình cũng áp lực vì phải vừa dịch các từ sang tiếng Việt mà còn phải xử lý thông tin trong đầu xem có hiểu đúng ý hay không”.

Còn Ninh Hoàng Ngân, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết từng vì cách nói chuyện “nửa Tây nửa ta” của một chàng trai mà từ chối lời tỏ tình của anh ta: “Hồi năm 2 có một anh bạn làm quen với mình, anh ấy có ngoại hình ưa nhìn, học giỏi nhưng mỗi tội thích thể hiện bản thân quá đà. Điển hình như trong một cuộc nói chuyện rủ mình đi ăn thì anh ấy cứ: 'Ngày mai em có free (rảnh) không? Anh định mời em đi ăn ở cái restaurant (nhà hàng) mới mở, bán đồ Korea (Hàn Quốc). Hôm trước anh có đến ăn thử và enjoy (thích) lắm'. Mình biết là anh ấy đang cố tạo ấn tượng với mình về việc giỏi ngoại ngữ nhưng thật sự mình thích kiểu người khiêm tốn và tinh tế hơn”, Ngân chia sẻ.

Cười ra nước mắt với đứa em có chứng chỉ IELTS 6.0 của mình, Nguyễn Quang Hiếu (27 tuổi), làm việc tại 65 Lê Lợi, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM, nói: “Hồi tết về quê ở Đồng Nai, mình với đứa em họ đi chợ, đến sạp của cô bán rau thì nó kêu: “Cô ơi bán cho con 3 củ "carrot” thay vì cà rốt như bình thường khiến cô bán rau lớn tuổi ngẩn người ra hỏi lại. Lúc đấy mình mới giải thích là nó muốn mua cà rốt. Hay một lần khác lỡ đụng trúng một người đi đường thay vì “xin lỗi” em ấy lại “sorry” khiến mình thấy buồn cười. Mình góp ý bảo đừng nên nói chuyện kiểu nửa Tây nửa ta như vậy nữa vì đâu phải ai cũng hiểu và cảm thấy thoải mái, thì được nhận lại lời giải thích là đã quen miệng nên khó bỏ”.

Cần thể hiện đúng nơi, đúng chỗ

Đưa ra lý giải về vấn đề giao tiếp “nửa Tây nửa ta”, Trần Nguyễn Mẫn Châu (24 tuổi), giảng viên bộ môn tiếng Anh tại Trường ĐH Văn Lang, sở hữu IELTS 8.5 chia sẻ: “Điều gì cũng có hai mặt, hiện tượng nói chuyện nửa Anh nửa Việt theo chuyên ngành được gọi là "code-switching". Một số ý kiến cho rằng việc nói như vậy là không giữ gìn bản sắc dân tộc và sính ngoại, nhưng cũng có ý kiến cho rằng phải dùng cả 2 ngôn ngữ mới diễn đạt được hết ý mình muốn nói. Cá nhân Châu cho rằng mình nên sử dụng đúng lúc, đúng chỗ với đúng đối tượng thì sẽ hay hơn. Trong ngữ cảnh học tiếng Anh hoặc nói chuyện với bạn bè rành tiếng Anh thì việc nói đan xen như vậy thường không thành vấn đề vì sẽ hiểu ý nhau dễ dàng".

ELTS 9.0 cũng đừng nói chuyện “nửa Tây nửa ta” với cô bán rau ngoài chợ - Ảnh 2.

Trần Nguyễn Mẫn Châu

NVCC

"Chẳng hạn như những ca sĩ, người nổi tiếng hoặc người được phỏng vấn... thì vẫn nên sử dụng 100% tiếng Việt khi giao tiếp với khán giả. Bối cảnh giao tiếp trước công chúng thì việc nói đan xen như vậy ít nhiều sẽ gây mất thiện cảm”, Mẫn Châu chia sẻ.

Mẫn Châu cho biết dưới góc nhìn của người dạy và nghiên cứu tiếng Anh thì trong một số trường hợp bắt buộc phải sử dụng kèm ngôn ngữ này mới diễn đạt được đủ ý, vì trong tiếng Việt không có từ thay thế tương ứng. Khi muốn nói một khái niệm gì bằng tiếng Anh thì Châu sẽ kèm theo giải thích, diễn giải bằng tiếng Việt để thuyết phục hơn.

Đồng quan điểm với Mẫn Châu, Trần Đặng Kim Nguyên, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) sở hữu IELTS 8.5 bày tỏ: “Mình nghĩ chung quy lại thì đây là một vấn đề của việc đúng người và đúng thời điểm. Suy cho cùng, ngôn ngữ cũng chỉ là công cụ để chúng ta giao tiếp. Cá nhân mình, khi ở trong môi trường học thuật, hoặc chuyên môn, việc linh hoạt sử dụng những thuật ngữ tiếng Anh là vô cùng cần thiết, bởi sẽ luôn có những từ mà không thể dịch sang tiếng Việt một cách hoàn toàn chính xác".

Nguyên cho biết thêm: "Ngược lại, trong những cuộc giao tiếp bình thường, đặc biệt là với người lớn tuổi, mình luôn hạn chế hết mức có thể việc sử dụng tiếng Anh. Nếu bắt buộc phải dùng thì mình luôn đi kèm một lời giải thích bằng tiếng Việt ngay sau đó để người nghe có thể hiểu được ý của mình”, Kim Nguyên chia sẻ.

ELTS 9.0 cũng đừng nói chuyện “nửa Tây nửa ta” với cô bán rau ngoài chợ - Ảnh 3.

Trần Đặng Kim Nguyên

NVCC

Kim Nguyên cho biết việc nói chuyện “nửa Tây nửa ta” không phải là một điều xấu, thứ khiến người ta khó chịu chính là thái độ của người nói. Nam sinh viên cho biết có một bộ phận người trẻ vì muốn thể hiện rằng “tôi giỏi tiếng Anh nè” mà sử dụng bừa bãi, quá đà, gây khó chịu cho người khác. Và Nguyên cho rằng điều này rất gây mất cảm tình với những người đối diện và là một thói xấu cần được sửa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.