Không muốn thấy đối thủ tiến xa hơn nhờ Washington
Trong cuộc phỏng vấn với Politico hồi tháng trước, Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger đã từng đặt câu hỏi trước quyết định của Washington về việc trợ cấp cho nhà máy chế tạo chip trị giá 12 tỉ USD của đối thủ Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) đang được xây dựng ở Arizona.
“Các nhà sản xuất chip nước ngoài tranh giành trợ cấp của chính phủ Mỹ sẽ giữ tài sản trí tuệ có giá trị cho riêng họ và đảm bảo rằng ngành sản xuất bán dẫn tiên tiến nhất, sinh lời nhất vẫn ở nước họ”, ông Gelsinger nói.
Mỹ đã thu hút TSMC với lời hứa hỗ trợ hào phóng như một phần trong nỗ lực phá vỡ sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp các bộ phận quan trọng ở nước ngoài. Tuy nhiên, Intel, công ty chip hàng đầu của Mỹ có các nhà máy sản xuất riêng ở tiểu bang Arizona, đã không đồng ý với việc chính phủ tài trợ để đối thủ nước ngoài cạnh tranh với các công ty trong nước ngay trên sân nhà.
Xung đột về lợi ích đã khiến Mỹ mắc kẹt giữa cuộc chiến của hai trong số các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. “Chúng ta phải nhìn xa hơn về vấn đề năng lực trong ngắn hạn và suy nghĩ nghiêm túc về khả năng lãnh đạo ngành chip của Mỹ thực sự sẽ trông như thế nào. Khi Washington tìm cách đưa Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất chip một lần nữa, thì chính phủ liên bang nên đầu tư vào tài sản trí tuệ và năng lực của Mỹ. Họ nên đầu tư từng đồng USD thuế của Mỹ vào các công ty có trụ sở trong nước và lưu trữ các tài sản quan trọng nhất của các công ty, bao gồm bằng sáng chế và nhân lực, ngay trên đất Mỹ”, ông Gelsinger viết trong một bài báo.
Thái độ phản đối đối với trường hợp của TSMC thể hiện rõ ràng hơn khi ông Gelsinger lưu ý rằng, công nghệ sản xuất chip 5 nanomet (nm) được áp dụng tại cơ sở Arizona sẽ không còn dẫn đầu ngành vào năm 2024, khi nhà máy của TSMC ở Mỹ mở cửa. “TSMC vẫn sẽ sản xuất các sản phẩm tiên tiến nhất ở Đài Loan”, ông Gelsinger nói, với ngụ ý rằng việc trợ cấp cho TSMC sẽ gây hại cho sự phát triển của cơ sở công nghiệp Mỹ. Cuối cùng, Mỹ sẽ buộc phải “đưa ra lựa chọn khó khăn giữa việc từ bỏ các chip tiên tiến cần thiết cho ứng dụng an ninh quốc gia quan trọng, hoặc dựa vào các chuỗi cung ứng nước ngoài không an toàn”.
Tóm lại, Intel, vốn đã tụt lại phía sau so với TSMC về công nghệ, không muốn nhìn thấy đối thủ tiến xa hơn nhờ Washington. Tuy nhiên, về phần mình, TSMC không nghĩ đến việc từ bỏ các khoản trợ cấp. Nhà sản xuất chip lớn nhất Đài Loan vẫn quyết định xây dựng nhà máy mới “vì chính phủ Mỹ kêu gọi chúng tôi làm điều đó”.
Theo Nikkei, Thượng viện Mỹ hôm 8.6 đã thông qua một dự luật bao gồm 52 tỉ USD trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn, với các sáng kiến như xây dựng nhà máy gia công chip của TSMC. Song, hiện có nhiều điều vẫn còn chưa cố định. Các cuộc tranh luận mới đang bắt đầu tại Hạ viện Mỹ và luật trước đó không đề cập đến các khoản trợ cấp. Đối chiếu các dự luật sẽ là một quá trình phức tạp và sau cùng sẽ cần chữ ký của Tổng thống Joe Biden.
Sự phức tạp của cuộc cạnh tranh toàn cầu trong ngành chip
Khi tìm cách giành lại ngôi vương trong ngành bán dẫn, Mỹ không thể bỏ qua quan điểm của một trong những công ty chip hàng đầu đất nước như Intel. Song, trước một thực tế là Đài Loan đang kiểm soát 92% thị trường bán dẫn tiên tiến toàn cầu, Washington cũng không thể chỉ nghe theo một mình Intel, một người chơi vốn đã chậm đổi mới trong ngành.
TSMC đã có nhiều phát triển đáng ngạc nhiên ở Đài Loan trong những năm gần đây. Công ty đã và đang đạt được tiến bộ nhanh chóng trong một dự án nhà máy sử dụng công nghệ 3 nm, chuẩn bị sẽ đi vào hoạt động sớm nhất trong năm 2022. Những người trong ngành đồng ý rằng nhà máy này sẽ sản xuất chip cho Intel. Theo một nguồn thạo tin, nhà máy nêu trên vốn được dùng như cơ sở nghiên cứu và phát triển. Nhưng “khi có khả năng TSMC sẽ nhận được đơn đặt hàng từ Intel, cấp trên đã đột ngột ra lệnh chuyển nó thành một nhà máy gia công chip”.
Trước đây, Intel đã từng ký hợp đồng đặt hàng gia công một số sản phẩm ở TSMC. Nếu đơn hàng mới chính thức được thực hiện, nó sẽ đánh dấu lần đầu tiên một công ty Mỹ đặt gia công phần mềm bán dẫn tiên tiến bên ngoài nước. Việc Intel phản đối kịch liệt việc Washington trợ cấp cho TSMC ở Mỹ, trong khi hãng này vẫn dựa vào hoạt động gia công chip ở Đài Loan đã phản ánh sự phức tạp của cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành vị trí thống trị chip.
Trước tình trạng thế giới ngày càng thiếu chất bán dẫn, các chính phủ sẽ coi việc đảm bảo nguồn cung cấp chip quan trọng như mối quan tâm về an ninh quốc gia. Họ sẽ tăng cường trợ cấp và cung cấp những nỗ lực khác cho các nhà sản xuất bán dẫn, kể cả công ty từ nước ngoài. Việc kéo qua, đẩy lại giữa Mỹ và Đài Loan cho thấy một điều rằng: bất chấp tất cả các cuộc thảo luận về hợp tác quốc tế, khả năng tạo ra các mối quan hệ thành công trong lĩnh vực chip có vẻ luôn nói dễ hơn làm.
Bình luận (0)