iOS nổi tiếng là hệ điều hành đóng khi không cho phép người dùng cài ứng dụng từ các bên khác ngoài App Store vào máy, trong khi Google đã cho phép Android thực hiện từ lâu. Apple cho rằng những phần mềm không qua kiểm soát từ kho ứng dụng của hãng có thể ẩn chứa mã độc hay nhiều lỗi bảo mật, do đó tốt nhất nên ngăn chặn việc này để tránh rủi ro.
Một lý do khác khiến "táo khuyết" không cho nhà phát triển đưa ứng dụng cho iOS lên một kho phần mềm thứ ba là nhằm tránh việc né khoản hoa hồng lên tới 30% cho mỗi chi tiêu của người dùng trong chương trình hoặc mua từ App Store. Vì App Store là địa chỉ duy nhất mà người dùng iOS có thể tải phần mềm về máy, các nhà phát triển trước giờ không có cách nào khác ngoài việc trả "thuế Apple".
Tuy nhiên, theo Đạo luật Thị trường số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU), người dùng thiết bị di động phải được phép cài đặt ứng dụng từ các gian phần mềm do bên thứ ba cung cấp.
Đầu năm 2023, cây viết Mark Gurman của Bloomberg tiết lộ Apple sẽ cho phép cài ứng dụng ngoài trên iPhone, nhưng chỉ giới hạn trong 27 thị trường là thành viên của EU. Việc đặt ra giới hạn nhằm giảm thiểu rủi ro phát tán các phần mềm độc hại, đồng thời cung cấp cho hãng dữ liệu thực tế về khả năng mở quyền cài ngoài App Store ở những thị trường khác trước khi quyết định.
Trong phát hiện mới nhất của 9to5Mac, mã lập trình iOS 17.2 cho thấy khả năng iPhone sẽ mở quyền cài đặt ứng dụng ngoài lên thiết bị, nhờ đó các nhà phát triển có thể tạo kho phần mềm riêng. Ngoài ra, thông tin về việc giới hạn thị trường cũng được tìm thấy - điều chứng tỏ Apple buộc phải tuân theo DMA.
Thời gian chậm nhất để đáp ứng yêu cầu trong DMA là tháng 3.2024, nhưng giới quan sát cho rằng CEO Tim Cook và đội ngũ của mình sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn việc phải tuân thủ DMA để "mở cửa" iOS, kể cả trong EU.
Bình luận (0)