Vụ cảnh sát châu Âu vừa phối hợpđể bắt 5 người bị tình nghi là thành viên của IS tại Tây Ban Nha, Bỉ và Đức, công bố hôm 28.9 là một trong những bằng chứng cho thấy không phải cứ chiếm được các lãnh thổ do IS kiểm soát ở 2 "cái nôi" của tổ chức khủng bố này (Iraq và Syria) là xong.
Báo International Business Times dẫn kết luận của 2 chuyên gia Brian Michael Jenkins và Colin Clarke thuộc tổ chức tư vấn chính sách Rand Corporation: "Phương Tây đừng có mà ảo tưởng rằng IS sẽ bị đánh bại. Thay vào đó, cần chuẩn bị để chống lại kế hoạch B của tổ chức này".
Quả thực, ngay cả khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn còn đang sờ sờ ở Iraq và Syria, cái được gọi là "kế hoạch B" đã được triển khai từ lâu rồi. Hãy thử nhìn lại các cuộc tấn công mang hơi hám của IS trong thời gian qua.
|
Các thành viên hoặc ủng hộ viên của IS đã gây ra 143 vụ tấn công cả thảy ở 29 quốc gia khác nhau trong những tháng qua, xảy ra trên khắp ngóc ngách của thế giới, từ châu Bắc Mỹ, châu Âu đến châu Á và châu Phi. Ít nhất 2.043 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công này.
IS đã mất khoảng 22% lãnh thổ kiểm soát trong năm ngoái nhưng mở rộng 8 "chi nhánh" trên toàn cầu và liên tục gieo rắc chết chóc, chẳng hạn vụ đánh bom ở Brussels (Bỉ) hồi tháng 3 vừa qua làm 32 người chết. Hay vụ khủng bố Paris tháng 11.2015 lấy đi mạng sống của 130 người cũng là "sản phẩm" của IS. Hơn ở đâu hết, Tây Âu đang là mục tiêu của khủng bố.
Ở Mỹ, vụ tấn công có dính líu tới IS mới nhất xảy ra chỉ mới trong tháng này, khi một người đàn ông Somalia thề trung thành với IS đã tấn công làm bị thương 9 người ở bang Minnesota.
tin liên quan
FBI cảnh báo làn sóng 'phân tán khủng bố' toàn cầuGiám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), ông James Comey cảnh báo tình trạng "phân tán khủng bố" trên toàn cầu sẽ diễn ra chỉ trong vòng vài ba năm tới sau khi IS thất thủ.
Tại Trung Đông, các vụ đánh bom liều chết có bàn tay IS xảy ra như cơm bữa trên lãnh thổ Iraq và Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải chứng kiến vụ tấn công đẫm máu làm 44 người chết tại sân bay Ataturk hồi tháng 6 qua.
Ở châu Phi, Nigeria, Libya, Tunisia và một loạt nước khác cũng thường xuyên xảy ra tấn công khủng bố do IS nhận trách nhiệm.
Quay lại với vụ bắt giữ nghi can khủng bố ở 3 nước châu Âu nêu trên, báo The Sun ngày 29.9 dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết các phần tử bị tóm ở Đức và Bỉ đã bắt tay nhau lập một trang Facebook, đặt tên là Hồi giáo ở Tây Ban Nha với mục đích kích động và tuyển dụng khủng bố. Rất nhanh chóng, trang này đã có tới 32.000 người theo dõi.
Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết các phần tử vừa bị bắt đã lập nên "một kết cấu có tổ chức hoàn hảo" được đặt dưới sự chỉ đạo của IS để kích động khủng bố và thực hiện "khủng bố máy tính", tức chọn ra những kẻ cực đoan trong số người tuyển dụng được trên mạng, đưa các phần tử đó đến các vùng lãnh thổ do IS kiểm soát ở Iraq và Syria.
|
Nhưng cái được gọi là "kế hoạch B" của IS thì không cần thiết phải nhiêu khê đưa thành viên vào "hang ổ". IS không còn đơn thuần là một tổ chức khủng bố. Nó đã "nâng tầm" lên như một trào lưu, một ý thức hệ được những kẻ cực đoan tôn sùng. Cái này thì không cần phải ở Syria, ở Iraq, không cần "mối liên hệ chặt chẽ với tổ chức" mới gieo rắc khủng bố được. Thế giới thời gian qua đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công khủng bố theo kiểu "sói đơn độc", chỉ một kẻ duy nhất thực hiện hay những cuộc tấn công khủng bố mà thủ phạm liên hệ rất lỏng lẻo, có khi chẳng tí liên lạc nào với "đầu não" IS, chỉ "lấy cảm hứng" từ tổ chức này.
Chính Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ cũng vừa cảnh báo rằng tình trạng chống khủng bố khó khăn hơn bao giờ hết trong bối cảnh mối đe đọa trên toàn thế giới đã dịch chuyển từ các vụ tấn công do khủng bố chỉ đạo sang các cuộc tấn công "lấy cảm hứng" từ khủng bố.
Bình luận (0)