Những quả bom rỗng ruột chứa đầy bọ cạp sống đã trở thành vũ khí mới của tổ chức Nhà nước Hồi giáo gieo rắc kinh hoàng tại Iraq.
Bọ cạp đã trở thành vũ khí đắc lực cho IS - Ảnh: Reuters
|
Gần đây, các thành phố làng mạc tại miền bắc Iraq chìm trong sự sợ hãi tột độ khi liên tục bị bọ cạp tấn công. Người dân hầu như luôn phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ khi ở đâu cũng thấy lúc nhúc bọ cạp và các biện pháp phòng ngừa như phun thuốc hay rải dầu hỏa quanh nhà đều tỏ ra bất lực, theo tờ Daily Mail. “Nhiều đêm tôi chuẩn bị đi ngủ, vừa lật mền ra thấy cả chục con đang giơ càng, giương đuôi rất đáng sợ”, một người ở thị trấn Sinjar kể. Tình trạng này là hậu quả của việc các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) liên tục tung bom bọ cạp để tấn công các địa phương chống lại đà tiến quân của họ.
“IS đã tìm ra vũ khí hữu hiệu chống các cuộc vây hãm khi các tay súng chế tạo được các thiết bị để phóng hoặc thả những quả bom rỗng ruột và chứa đầy bọ cạp vào các khu dân cư”, Daily Mail dẫn lời chuyên gia về vũ khí sinh hóa Hamish de Bretton-Gordon của NATO cho hay. Ông Bretton-Gordon vừa rời Iraq sau một thời gian làm cố vấn cho chính phủ nước này chống lại IS và cho biết gần đây, quân chính phủ đã liên tục bắt giữ các xe chuyên chở bọ cạp của tổ chức này. “Bọ cạp có khả năng sinh tồn rất cao nên vẫn sống được dù bị phóng đi xa nhiều
ki lô mét. Các tay súng nhồi nhét chúng vào những quả bom đã được khoét rỗng có chiều dài khoảng 60 cm và tung vào các thị trấn, thành phố. Khi chạm đất, vỏ bom vỡ ra và hàng trăm, hàng ngàn con sẽ tỏa ra khắp nơi”, chuyên gia người Anh cho biết.
Vũ khí sinh học cổ xưa
Theo ông Bretton-Gordon, loại vũ khí này tuy không gây sát thương cao vì chỉ có một số ít loài bọ cạp là có nọc độc chết người nhưng lại có tác dụng gây hoảng loạn tột độ. “Bom đạn, rốc két thì còn xuống hầm mà tránh được chứ bọn bọ cạp thì biết trốn vào đâu. Chúng tôi rất sợ con mình bị chúng cắn phải”, một người đàn ông ở thành phố Samarra than thở.
Nghe qua có vẻ đây là loại vũ khí mới nhưng thật ra bom bọ cạp đã xuất hiện từ cách đây hơn 1.800 năm. Trong cuốn Greek Fire, Poison Arrows & Scorpion Bombs: Biological and Chemical Warfare in the Ancient World (tạm dịch: Lửa Hy Lạp, tên độc và bom bọ cạp: Chiến tranh sinh hóa học trong thế giới cổ đại), sử gia Mỹ chuyên về khoa học cổ đại Adrienne Mayor đã mô tả tiến trình các binh sĩ cổ xưa chế tạo bom bọ cạp. Bọ cạp sinh sống rất nhiều ở các vùng sa mạc tại Iraq nên có thể bắt dễ dàng. Các binh sĩ dùng một xiên nhọn đâm xuyên đuôi của chúng khiến chúng trở nên chậm chạp rồi nhồi nhét vào các bình đất sét trước khi niêm kín. Trong giai đoạn năm 198 -199, đội quân bảo vệ thành phố Hatra, miền bắc Iraq, đã sử dụng loại vũ khí này để đẩy lui các cuộc vây hãm của đế chế La Mã. Những bình đất sét chứa đầy bọ cạp được phóng vào doanh trại của quân La Mã bằng máy bắn đá đã gây kinh hoàng cho các chiến binh hùng mạnh nhất thời đó và cuối cùng hoàng đế Septimius Severus đã phải hạ lệnh lui binh.
Theo báo mạng IBT Times, có vẻ như quân đội Iraq cũng như Lực lượng tự vệ người Kurd đang lâm vào tình trạng bất lực như quân đoàn La Mã năm xưa. Giới chức Baghdad gần đây đã xác nhận họ đang cầu cứu phương Tây cử chuyên gia sang tìm cách ứng phó loại vũ khí sinh học này.
Bóng ma “bom bẩn”
Hồi đầu tháng 12, một tài khoản trên mạng xã hội Twitter có liên quan tới IS tiết lộ tổ chức này đang chế tạo “bom bẩn” từ khoảng 40 kg uranium lấy được ở Đại học Mosul sau khi tấn công chiếm lĩnh thành phố Mosul vào tháng 6. Mới đây, Đại sứ Iraq tại LHQ Mohammad Ali Al-Hakim cũng viết thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon thông báo gần 40 kg uranium có thể đã rơi vào tay khủng bố, theo Reuters. “Bom bẩn” là thuật ngữ chỉ các loại bom phát tán phóng xạ tuy không có sức hủy diệt như bom hạt nhân nhưng vẫn có thể gây sát thương diện rộng và chúng được chế tạo đơn giản hơn nhiều. D.T
|
Bình luận (0)