Tài liệu do WikiLeaks công bố cáo buộc Nga và Israel bí mật trao đổi thông tin về vũ khí 2 nước này bán cho Iran và Georgia.
Vì muốn nắm được mã nguồn dữ liệu của hệ thống phòng không Tor-M1 của Nga cung cấp cho Iran, Israel quyết định trao đổi bằng thông tin mật về máy bay không người lái (UAV) nước này bán cho Georgia trước đó. Đây là tiết lộ gây chấn động mới nhất trong số thư điện tử của hãng phân tích tình báo tư nhân Stratfor do website WikiLeaks lấy được và vừa tung ra.
Bán đứng khách hàng?
Theo trang tin Defense Update, Iran mua 29 hệ thống tên lửa đất đối không Tor-M1 của Nga vào năm 2005. Tor-M1 được tích hợp radar có tầm hoạt động 25 km, khả năng phát hiện và nhận diện tối đa 48 mục tiêu và bám sát 10 mục tiêu cùng lúc. Vũ khí này dùng để tiêu diệt máy bay ném bom, trực thăng, tên lửa, máy bay không người lái… và được Iran triển khai đến bảo vệ những cơ sở hạt nhân quan trọng.
Thư điện tử của Startfor tiết lộ do nhận thấy sự lợi hại của Tor-M1 nên từ lâu Israel luôn tìm cách lấy được mã nguồn điều khiển của hệ thống này. Cơ hội cuối cùng cũng đến khi căng thẳng dâng cao giữa Nga và Georgia xung quanh vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia. Israel lập tức dùng mã nguồn điều khiển các UAV bán cho Georgia để trao đổi với Nga.
|
RIA-Novosti ngày 29.2 dẫn bức thư do WikiLeaks vừa tung ra cho hay Georgia đã phát hiện mình bị “bán đứng” và vội vã tìm mua UAV thay thế từ một nhà thầu quốc phòng tư nhân tên Idra tại Mexico. Vụ mua bán diễn ra vào tháng 7.2008, một tháng trước khi bùng nổ cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Georgia mà chiến thắng thuộc về Moscow. Theo RIA-Novosti, do biết chiến tranh là không thể tránh khỏi trong khi lại vừa bị Israel “đâm sau lưng” nên giới chức Georgia khi đó rất hốt hoảng. Họ ngỏ ý sẵn sàng bỏ tiền mua thêm đạn dược và trực thăng nhưng không thành do Idra e ngại sẽ làm ảnh hưởng quan hệ Mexico - Nga. Chưa rõ việc trao đổi thông tin giữa Moscow và Tel Aviv có góp phần vào thất bại của Tbilisi trong cuộc chiến 2008 hay không. Sau đó, Georgia tìm cách bán những chiếc UAV bị lộ mã điều khiển cho nước láng giềng Azerbaijan nhưng không rõ có thành công hay không, RIA-Novosti dẫn thư tín của Stratfor cho hay.
Các nước liên quan đều chưa lên tiếng về vụ việc trong khi ngay từ đầu Stratfor đã tuyên bố không bình luận về độ xác thực của các thư tín mất vào tay WikiLeaks. Mới đây, Israel vừa bán cho Azerbaijan máy bay không người lái và một số vũ khí khác trị giá khoảng 1,6 tỉ USD. Đài Press TV dẫn lời giới chức Tehran chỉ trích thỏa thuận này và cho rằng Azerbaijan có thể cho Israel mượn lãnh thổ để làm bàn đạp tấn công Iran.
Israel muốn đánh, Mỹ cố can
Thông tin về việc Israel nắm được thông tin về tên lửa phòng không của Iran xuất hiện giữa lúc nguy cơ xung đột giữa 2 nước đang hiển hiện. Giới chức Tel Aviv ngày càng tỏ ra sốt ruột muốn tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Tehran nhưng đang vấp phải sự can ngăn từ Washington. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn muốn dùng sức ép kinh tế - ngoại giao để buộc Iran nhượng bộ về vấn đề hạt nhân vì một cuộc chiến mới ở vùng Vịnh sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường trong khi năm nay lại là năm bầu cử tổng thống. Chuyện đánh hay không đánh là trọng tâm cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và người đồng cấp Israel Ehud Barak vào ngày 29.2, theo Đài ABC News. Tuy nhiên, giới chức không thông báo rõ về những gì được thảo luận. Ngày 4.3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ thăm Mỹ và hội kiến với Tổng thống Obama vào ngày 5.3. “Chủ đề chính của cuộc đối thoại sẽ là việc Iran đẩy mạnh chương trình hạt nhân”, báo Haaretz dẫn lời ông Netanyahu nói. Có tin Thủ tướng Israel từng tuyên bố nếu cảm thấy cần thiết, nước này sẽ tự hành động mà không cần thông báo cho đồng minh.
Bên cạnh đó, AFP hôm qua dẫn lời Tư lệnh không quân Mỹ Norton Schwartz cho hay lực lượng này đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất khi biện pháp ngoại giao thất bại. Tuy nhiên, ông Schwartz từ chối xác nhận liệu vũ khí của Washington, trong đó có bom phá boong-ke GBU-57 nặng hơn 13 tấn, có khả năng xuyên phá cơ sở hạt nhân của Tehran hay không.
Thụy Miên
Bình luận (0)