Tờ The Jerusalem Post đưa tin xe tăng Israel đã bao vây phần phía đông Rafah và kiểm soát con đường chính phân chia hai nửa thành phố.
Chiến dịch diễn ra bất chấp lời đe dọa từ Nhà Trắng rằng Mỹ sẽ ngừng cung cấp vũ khí nếu Israel thực hiện cuộc tấn công trên bộ vào Rafah, nơi ước tính có 1,4 triệu dân thường đang nương náu. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo chiến dịch như vậy sẽ gây ra thảm họa nhân đạo kinh hoàng. Theo LHQ, hơn 100.000 người đã chạy khỏi Rafah trong tuần này, trong đó có nhiều người quay lại TP.Khan Younis, nơi chiến sự diễn ra căng thẳng trong năm nay.
Israel tiếp tục kêu gọi người dân sơ tán khỏi Rafah
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby của Nhà Trắng hôm qua nói chưa thấy dấu hiệu về một chiến dịch trên bộ lớn tại Rafah. Trước đó, Mỹ đã có lời chỉ trích gây bất ngờ về việc Israel sử dụng vũ khí của Washington trong xung đột tại Dải Gaza. Trong báo cáo ngày 10.5, Bộ Ngoại giao Mỹ nói có lý để đánh giá rằng Israel đã sử dụng vũ khí được cung cấp theo cách "không nhất quán" với luật nhân đạo quốc tế. Tuy nhiên, báo cáo không đưa ra kết luận cụ thể và nói không đủ bằng chứng để ngừng cung cấp vũ khí cho Israel.
Trong khi đó, cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn gần như đã lâm vào bế tắc. Hamas chỉ trích việc Israel phản đối đề xuất của các bên trung gian đã khiến quá trình đàm phán quay về vạch xuất phát. Quan chức cấp cao Khalil al-Hayya của Hamas tuyên bố phong trào này muốn bình yên và một thỏa thuận trao đổi con tin thực sự, đồng thời tố cáo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ muốn chiến sự tiếp tục.
Tuy nhiên, theo tờ The Times of Israel, đề xuất mà Hamas cho là do Ai Cập và Qatar đưa ra bao gồm nhiều điểm khác biệt lớn so với phiên bản mà Israel đã đồng ý.
Hôm qua, tờ New Arab loan tin Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã mời Giám đốc Tổng cục Tình báo Ai Cập Abbas Kamel và Giám đốc CIA William Burns đến Doha để khôi phục đàm phán nhưng không rõ hai quan chức này có đến dự hay không.
Mỹ dừng chuyển bom, Thủ tướng Israel nói dù chỉ còn "móng tay" cũng đánh Rafah
Trong một diễn biến khác, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi HĐBA ủng hộ việc trao cho Palestine tư cách thành viên đầy đủ tại LHQ. Theo CNN, nghị quyết được thông qua với tỷ lệ áp đảo là 143 phiếu thuận, 25 phiếu trắng và 9 phiếu chống, gồm Mỹ và Israel. Dù chỉ mang tính biểu tượng nhưng nghị quyết cũng trao cho Palestine thêm quyền hạn tại LHQ. Đại diện Palestine gọi đây là cột mốc lịch sử, trong khi Ngoại trưởng Israel Katz của Israel nói nghị quyết gửi thông điệp đến Hamas rằng hành vi bạo lực của phong trào này đã mang lại kết quả.
Bình luận (0)