Đám bạn tôi giãy nảy lên, không thích nhưng cuối cùng cũng phải đồng ý với tôi rằng, bọn tôi sẽ đến một số chỗ “có hồn” vào mỗi cuộc gặp gỡ cuối tuần, không tới những nơi nhạt nhẽo trước đây. Tôi giải thích, đó là nơi chủ quán đầu tư thời gian và niềm đam mê của họ vào đó, đó là nghệ thuật, là cách làm mới bầu không khí.
Bố tôi thường gọi tôi là đầu trâu, để miêu tả tôi cứng đầu, lì như trâu. Nhưng bây giờ, đám bạn người nước ngoài của tôi cũng bắt đầu cứng đầu giống tôi.
David chắc có lẽ là người cứng đầu nhất mà tôi đã từng gặp (ngoài tôi). Chúng tôi thường hay tranh luận với nhau về việc: “Tại sao Jesse luôn muốn thay đổi mọi người nhiều quá vậy?”. Trong nhóm ai cũng có quan điểm sống khác nhau, ví dụ có hai người trong nhóm cho rằng mọi chuyện trên đời đều có số phận rồi, bất cứ điều gì mình làm đều không thể thay đổi được nó, vậy thì tại sao phải lãng phí thời gian để thay đổi một chuyện, một người.
Tôi cho rằng họ chưa nhìn ra được tổng thể một bức tranh lớn: phát triển cộng đồng cũng chính là phát triển bản thân. Dù sao thì ngay cả khi bị lạc trong cuộc sống thì họ vẫn là những người có trái tim tốt.
Tôi rất hay chia sẻ những ý tưởng mới với họ như: Thiền kiểu Wim Hof, tập yoga, đi xe đạp, rèn luyện đức hạnh, bỏ thói quen xấu như dùng điện thoại khi đang đi chơi với bạn bè chẳng hạn… như một cách thúc đẩy và khuyến khích họ chịu trách nhiệm, trung thực để phát triển bản thân. Tôi mong muốn mọi thứ ngày càng tốt đẹp. Chúng ta cùng nhau cải thiện từng chút.
Tôi kể cho David nghe một ví dụ trong cộng đồng người Sài Gòn, nơi tôi đang sống. Hàng xóm tôi có một nhóm trên Viber, chia sẻ thông tin trong xóm cho nhau. Mấy ngày trước, một tên trộm lẻn vào nhà anh Mỹ lấy mất chậu hoa mai lúc 3 giờ sáng. Mỹ gửi hình từ camera cho mọi người hay. Tôi và mọi người rất thông cảm với anh, vì vấn đề của anh cũng là vấn đề của mình, sự an toàn của cộng đồng. Giống như nhóm bạn người nước ngoài là một phần của tôi, thì hàng xóm cũng thế. Có câu bà con xa không bằng láng giềng gần, họ bị trộm cũng như tôi bị trộm.
|
Tôi xem cả Sài Gòn giống như nhà của mình vậy, vì đây là môi trường tôi đang sống nên tôi muốn Sài Gòn phát triển. Vì Sài Gòn tốt đẹp, vui vẻ thì cuộc sống của tôi cũng vui vẻ nữa.
Tôi may mắn được làm MC trên VTC10, một chương trình đi đó đây gặp người Việt Nam, xem họ làm gì hằng ngày. Trong mùa trung thu vừa qua, tôi đến ghi hình ở nhà một cô tên Tuyết, người Sài Gòn. Cô làm bánh từ thiện và năm nay tặng cho người nghèo ở Quảng Nam. Trước khi đến nhà cô Tuyết, tôi chỉ nghĩ cô biết làm bánh ngon. Mà khi tận mắt chứng kiến một cộng đồng tình nguyện lớn, bỏ thời gian và công sức của họ để giúp cô làm bánh cho người nghèo, tôi thấy đây là những người rất tốt, rất quan trọng cho thành phố Sài Gòn - mái nhà của mình.
Những người đặc biệt như cô Tuyết kết nối nhiều người lại với nhau bằng yêu thương, hy sinh và sự cần mẫn của họ.
Tôi giải thích chuyện này với David, nhìn Sài Gòn dưới hình tượng là một khu rừng lớn, thì những người như cô Tuyết là những cây cổ thụ, chúng kết nối khu rừng lại với nhau, chia sẻ chất dinh dưỡng giúp khu rừng càng ngày càng mạnh mẽ.
Một “cây xanh” khác tôi có dịp được gặp khi ghi hình chú Lê Văn Kinh, một thợ khắc bút thủ công hơn 40 năm, ngồi nép mình trong một góc nhỏ trên quận 1, Sài Gòn. Với tôi chú là một nghệ sĩ chân chính, rất tốt bụng, lan tỏa cảm giác đó cho mọi người xung quanh.
Cô giáo dạy yoga ở văn phòng tôi cũng là một “cây xanh lớn”. Cô kết nối và giúp mọi người phát triển. Khi học viên tập yoga nói chuyện nhiều, không tập trung, cô sẽ đẩy cho họ tập những bài khó hơn để không ai còn đủ sức nói chuyện được nữa. Càng tập thì họ sẽ càng giỏi, sức khỏe của họ vì thế cũng tốt lên.
Những giáo viên, nha sĩ, cha sứ, trụ trì hay ngay cả anh sửa xe… đều là những người quan trọng kết nối chúng ta lại với nhau, làm cộng đồng chúng ta tốt hơn trong đô thị Sài Gòn.
Mọi buổi sáng ta gặp ai trên đường, ta nở nụ cười, mọi người vui hơn thì cũng là góp phần làm Sài Gòn tốt lên. Ngược lại, mỗi hành động xấu cũng sẽ kéo mọi thứ đi xuống. Tên ăn trộm hoa mai nhà anh Mỹ đi theo con đường đó phá hoại chính cuộc sống của anh ta và cộng đồng. Vượt đèn đỏ, cướp thời gian của người khác gây nguy hiểm cho tất cả mọi người. Đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè mà mình chỉ ngồi bấm điện thoại phớt lờ mọi người thì hành động đó cũng đang làm khó cho cộng đồng mình.
Do vậy đừng ai thắc mắc vì sao tôi cứ quan tâm quá tới David - bạn tôi nữa, vì khi bạn tôi tốt hơn, tôi sẽ tốt hơn. Sài Gòn của chúng ta sẽ tốt hơn nếu tất cả mọi người đều sống tận tâm, biết nghĩ cho người khác.
Mời bạn đọc cộng tác chuyên mục 'Góc nhìn trẻ'
Các bạn thân mến!
Ai cũng có một thời tuổi trẻ, cái tuổi ‘bẻ gãy sừng trâu’ với bao ước mơ, hoài bão. Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy sức sống để bạn có thể học tập, làm việc, cống hiến …, và cũng là lứa tuổi với bao trăn trở trước nhiều ngã rẽ của cuộc đời: học đại học, học nghề, khởi nghiệp…
Dù con đường bạn chọn gặp nhiều thuận lợi, thành công hay khó khăn, thất bại, thì những chia sẻ của bạn về những gì đã trải qua đều có giá trị của nó. Nó sẽ là hành trang, bài học quý giá cho nhiều bạn khác sẽ và đang bắt đầu bước vào tuổi thanh xuân.
Những trăn trở, chia sẻ của các bạn có thể gửi về chuyên mục Góc nhìn trẻ theo địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn.
Các bài viết được đăng tải trên mục Giới trẻ/Góc nhìn trẻ của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
|
Bình luận (0)