Ngày 4.9.1985 đã mở ra một cơ hội mới cho ngành hàng không dân dụng VN, nhưng cũng là ngày “người đi mở đường bay” đối mặt “án tử” lơ lửng trên đầu.
Phi hành đoàn chuyến bay VN9033 chụp hình lưu niệm tại Đại sứ quán VN tại Philippines vào năm 1985. Ông Trần Tiến Vinh đứng ngoài cùng bên trái - Ảnh: T.L |
Trò chuyện với Johnathan Hạnh Nguyễn, ông bảo mình được chọn vì có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà vào những năm đất nước còn vô vàn khó khăn, những Việt kiều như ông không dễ có cơ hội góp phần vào việc thúc đẩy mối quan hệ bang giao giữa hai nước VN và Philippines.
Trái lệnh tổng thống
Johnathan Hạnh Nguyễn là Việt kiều quốc tịch Mỹ. Những năm 80 của thế kỷ 20 ông làm ăn kinh doanh tại Philippines. Ông là một trong những Việt kiều đầu tiên được Chính phủ VN cho phép về nước tham gia đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế.
Ngay khi các nhà chức trách VN đang chuẩn bị hồ sơ mở đường bay thì cùng lúc đó ở Philippines, ông đã dùng Công ty Impex International Phil (tiền thân của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP mà hiện ông đang giữ chức Chủ tịch HĐQT) của gia đình mình để làm đối tác với phía Vietnam Airlines.
Như đã đề cập ở bài trước, việc mở đường bay lúc đó gặp rất nhiều khó khăn cả về nhận thức lẫn thủ tục. Ông Trần Tiến Vinh kể: “Lúc đó ta chưa chính thức đưa ra chính sách đổi mới nên việc hội nhập quốc tế, nhất là làm ăn với đồng minh thân cận của Mỹ như Philippines, nội bộ ta còn nhiều ý kiến khác nhau. Thực tế là rất e dè”.
Theo ông Vinh, hồ sơ xin cấp phép đường bay qua đường ngoại giao gần như bị khép lại vì phía Philippines không hồi âm, trong khi những lãnh đạo cấp cao của ta liên tục thúc ép. Tình hình Philippines lúc đó rất phức tạp, thế cầm quyền của Tổng thống Marcos bị suy yếu nhiều sau vụ Thượng nghị sĩ Benigno Aquino Jr. bị ám sát. Đã có những dấu hiệu Mỹ ủng hộ phe đối lập lên cầm quyền thay Tổng thống Marcos. Vì vậy mà việc tranh thủ có được chữ ký của Tổng thống Marcos là rất quan trọng và cấp bách. Hồ sơ mở đường bay từng bị gạt thì bây giờ cụ thể sẽ tiến hành bước tiếp theo như thế nào cho có kết quả nhanh nhất và ai có thể tiếp cận được ngài tổng thống để đệ trình lại là một vấn đề vô cùng nan giải.
Dù là người quan trọng được “chọn mặt gửi vàng” trong quá trình xúc tiến nhưng ngay cả bản thân ông Johnathan Hạnh Nguyễn ban đầu cũng rất sợ trái lệnh tổng thống. Sợ là vì bên phía Philippines, ủng hộ mở đường bay hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của ông Marcos. Lúc này Philippines đang áp dụng chế độ thiết quân luật. Tổng thống Marcos từng khẳng định không có lý do gì để chấp nhận mở đường bay cả và lệnh không được trình lên nữa. Ai trái lệnh sẽ bị bắt nhốt. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhớ lại: “Tôi thú thật với anh Vinh: Thôi hết đường rồi anh Vinh ơi. Anh Vinh nghe vậy rất buồn nhưng cũng chia sẻ với hy vọng còn nước còn tát. Anh Vinh bảo: Em cố gắng tiếp cận tổng thống. Với tình hình lúc đó, tôi nhận định chỉ còn cách nhờ vào quan hệ cá nhân xem thử ra sao thôi”.
Nói ông Johnathan Hạnh Nguyễn may mắn có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là nhờ ông có mối quan hệ thân thiết và uy tín với các nhà chức trách, lãnh đạo Philippines. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông nhiều lần trân trọng nhắc đến bà vợ đầu Cristina Serrano, cháu họ của bà Imelda Marcos - phu nhân Tổng thống Marcos. Chính nhờ mối lương duyên đầu tiên này mà ông đã vượt qua được không ít bước ngoặt lớn trong đời. Những người thân quen với ông ở Philippines đều muốn giúp đỡ ông và cả cho VN.
“Tất cả mọi người đều không dám”
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kể: “Tôi được xem như người nhà trong phủ tổng thống. Giải quyết mọi chuyện khác đều khá dễ dàng nhưng việc trái lệnh tổng thống thì không riêng gì tôi mà tất cả mọi người đều không dám. Ai cũng sợ vì lo bị bắt nhốt. Lúc tình thế bức bách quá rồi, tôi gặp bà Leita, Trợ lý tổng thống, là em vợ Tổng thống Marcos. Tôi nói: Bây giờ bà làm ơn giúp tôi. Lúc nào thấy tổng thống vui vẻ thì bà báo liền cho tôi. Tôi sẽ tự mình vào xin. Công ty thì tôi cũng đã có để làm đối tác ký thuê bao máy bay với phía VN rồi. Bà Leita đáp: Vì ước nguyện của Johnathan, tôi sẽ giúp”.
Trong lúc chờ đợi tin báo của bà Leita, ông đến gặp quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Pacificio Castro tiếp nhận bộ hồ sơ hoàn chỉnh về việc xin phép mở đường bay. Đến ngày 4.9.1985 thì có một cuộc điện thoại gọi đến nhà. Ông bảo ngày đó ông không bao giờ quên. “Bà Leita nói: Bây giờ Johnathan qua liền vì thấy tổng thống chiều nay rất vui. Ông ấy nhảy đầm, ăn uống vui vẻ với mọi người ở sân vườn và đang chuẩn bị vào dinh”, ông nhớ lại.
Vào dinh thự tổng thống, ông nài nỉ cận vệ và trợ lý của ông Marcos cùng vào phòng riêng tổng thống nhưng không ai dám đi. “Tôi nói như trăn trối với mọi người, nếu chẳng may tôi bị tổng thống ra lệnh bắt nhốt thì ra nói với ông Trần Tiến Vinh, lúc này đi cùng nhưng đang ở phòng lễ tân phủ tổng thống chờ đợi, và bà Cristina vợ tôi báo cho Đại sứ quán VN và Đại sứ quán Mỹ làm công hàm gửi tổng thống cứu xét”. Nói xong, ông ôm bộ hồ sơ bước tới. Chỉ vài bước chân nhưng ông bảo khoảnh khắc đó “trong người” có cảm giác xa hút “như đi xe đò từ bắc đến nam thời bao cấp vậy”. Ông có thể nhận ngay “án tử” nếu tổng thống nổi giận.
Phòng của Tổng thống Marcos mờ tối. Theo lời kể của Johnathan Hạnh Nguyễn, chỉ có bật một chiếc đèn trên bàn làm việc. Ông cũng không thể thấy rõ được khuôn mặt, thái độ tổng thống lúc đó vui buồn thế nào. “Tờ trình được đưa vào kế bên tổng thống và sau đó tổng thống đã ký vào văn bản đề nghị của Bộ Ngoại giao một cách rất tự nhiên”, ông thuật lại và nói: “Đầu óc tôi như bay bổng hẳn lên nhưng cái chân không biết sao không nhấc lên nổi để bước ra khỏi phòng. Có lẽ bản án tử được xóa làm tôi như vừa sống lại từ cõi chết vậy”.
Theo Johnathan Hạnh Nguyễn, Tổng thống Marcos đưa ra quyết định giữa lúc tình thế đất nước đang căng thẳng, có thể đó cũng như là một “nước cờ” tính toán của riêng ông.
Bình luận (0)