Johnathan Hạnh Nguyễn - Người đi mở đường bay – Kỳ 4: Vận động viện trợ nhân đạo, xúc tiến đầu tư...

21/05/2015 06:29 GMT+7

Johnathan Hạnh Nguyễn lớn lên trong gia đình thuộc diện giàu có trước 1975 ở miền Nam, từng làm thanh tra ở Mỹ, thân cận với Phủ tổng thống Philippines... Hoàn cảnh đặc biệt đó khiến ông bị nghi ngờ là “người của CIA”.

Johnathan Hạnh Nguyễn lớn lên trong gia đình thuộc diện giàu có trước 1975 ở miền Nam, từng làm thanh tra ở Mỹ, thân cận với Phủ tổng thống Philippines... Hoàn cảnh đặc biệt đó khiến ông bị nghi ngờ là “người của CIA”.

Áo giáp chống đạn và bản photo hồ sơ mở đường bay là kỷ niệm mà Johnathan Hạnh Nguyễn nói “chết phải mang theo” Áo giáp chống đạn và bản photo hồ sơ mở đường bay là kỷ niệm mà Johnathan Hạnh Nguyễn nói “chết phải mang theo” - Ảnh: Đình Phú

Quay lại bối cảnh câu chuyện mở đường bay, tối 4.9.1985, Johnathan Hạnh Nguyễn cùng với ông Trần Tiến Vinh, đại biện lâm thời tại Philippines những năm 1984 - 1987 vào Phủ Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Hai ông đi ô tô của Đại sứ quán VN, do Johnathan Hạnh Nguyễn cầm lái.

Được cho là “người ngoài” nhưng vì sao Johnathan Hạnh Nguyễn lại được sử dụng xe Đại sứ quán VN?

Đặc cách sử dụng xe của đại sứ

Ông Vinh kể, trong sứ quán, đại sứ (ông Lưu Đình Vệ, nhiệm kỳ 1985 - 1988) nhiệt tình ủng hộ mở đường bay TP.HCM - Manila nhưng lại ngần ngại để ông dùng xe cắm cờ của sứ quán vào dinh tổng thống, vì khi đó đại sứ vẫn đang ở sứ quán. Nhiều cán bộ nhân viên sứ quán, kể cả cán bộ ngành an ninh rất thắc mắc trước việc để Johnathan Hạnh Nguyễn lái xe của đại sứ. Lý do ông Hạnh là Việt kiều từ Mỹ về, nhỡ đâu lại là nhân viên CIA?

Tình hình đang lúc cấp bách, nếu không để cho ông Hạnh được đặc cách sử dụng xe thì cơ hội có được chữ ký của Tổng thống Marcos sẽ bị vuột qua. Một cuộc gọi được nối ngay về Hà Nội và sau khi có ý kiến cho phép “vừa đi cửa chính, vừa đi cửa phụ” từ Bộ Ngoại giao, ông Hạnh đã có cái quyền đặc biệt ấy. Ông Vinh giải thích: “Cửa chính lúc đó là thông qua đường ngoại giao, còn “cửa phụ” là nhờ vào mối quan hệ cá nhân của ông Hạnh”.

“Vai trò của ông Hạnh lúc đầu không phải ai cũng biết. Để làm yên lòng và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, nhân viên đại sứ quán, trong nhiều cuộc họp, tôi đã phải cam kết xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc hợp tác với ông Hạnh thúc đẩy mở đường bay. Tôi phải giải thích, chứng minh rõ rằng, qua một năm tiếp xúc và làm việc với ông Hạnh, tôi thấy rõ ông là một Việt kiều yêu nước, tuy xa quê hương đã lâu nhưng luôn hướng về Tổ quốc”, ông Vinh chia sẻ.

Johnathan Hạnh Nguyễn nói có những lúc ông thấy nản lòng lắm. Những năm đầu ông về nước đầu tư ở quê nhà Nha Trang, có vị lãnh đạo còn điện ra Hà Nội đề nghị ra lệnh bắt vì nghi vấn ông là “người của CIA, chứ nếu không thì tại sao lại mang tiền về nhiều quá, xây dựng khách sạn, mở công ty sản xuất này kia...”.

“Ngành công an lúc đó có ủng hộ tôi hay không?”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tự hỏi và nói: “Rõ ràng là chưa. Tôi về nước làm ăn rồi mà còn nghi ngờ là CIA nữa. Có một thiểu số như vậy nhưng cũng rất may cho tôi là nhờ có lãnh đạo ở trên sáng suốt”. Ông kể có vị lãnh đạo cấp cao còn thẳng thắn: “Thằng Hạnh mà CIA thì mừng nữa. CIA ngầm mới đáng sợ. Còn CIA lộ diện, mang tiền về đầu tư, mở được đường bay thì phải khen thưởng thằng CIA đó” để bác bỏ tất cả những lời đề nghị “phải bắt Johnathan Hạnh Nguyễn”.

Mặc áo chống đạn

Ông Nguyễn Văn Ích (còn gọi là Chín Ích), nguyên Phó chủ nhiệm phụ trách Khối kinh tế đối ngoại của Văn phòng Chính phủ, cũng từng xác nhận: “Tôi, anh Quyền Sinh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, anh Dương Thông, nguyên Cục trưởng bên Bộ Công an lúc đó được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng giao nhiệm vụ cùng trực tiếp đến làm việc, tìm hiểu tình hình, nguyện vọng của anh Johnathan Hạnh Nguyễn; thống nhất đề xuất ý kiến cho phép anh Johnathan Hạnh Nguyễn được tiếp cận với một số cơ quan, doanh nghiệp tiếp nhận viện trợ nhân đạo và để vận động một số người nước ngoài có thiện ý vào giúp đỡ nhân đạo, tìm cách đầu tư vào VN như nguyện vọng của anh ấy”.

Theo ông Chín Ích, vượt qua nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn đầu, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã vận động được nhiều tổ chức từ thiện gửi thuốc men về giúp các bệnh viện, vận động gửi kiều hối về giúp đỡ người thân trong nước, chung vốn đầu tư vào một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo công ăn việc làm và nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, xây dựng nhiều cơ sở du lịch...

Trên thực tế, với 30 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, đặc biệt là các loại thuốc chữa bệnh trong chuyến bay đầu tiên từ Manila đến TP.HCM và hàng ngàn tấn trong các chuyến bay sau đó nữa, chính Johnathan Hạnh Nguyễn đã nghĩ ra cách lách lệnh cấm vận, chuyển từ Mỹ về VN bằng hình thức quà biếu. Mỗi thùng quà biếu của thân nhân từ Mỹ gửi về VN trị giá 200 USD, ông chỉ tính cước 6 USD, trong khi đối thủ cạnh tranh của ông chuyển qua đường Thái Lan tính gấp đôi. Và chính vì thế mà ông trở thành mục tiêu để kẻ xấu săn lùng.

“Người ta mất đi hàng chục triệu USD. Các anh nghĩ tôi có thể bị xử bắn không? Lúc đó tôi thường xuyên phải mặc áo giáp chống đạn mỗi khi ra đường. Người ta chiến đấu trên chiến trường có áo giáp, có súng đạn. Còn tôi dân sự cũng phải mặc áo giáp. Cái áo giáp là kỷ niệm. Bộ hồ sơ mở đường bay là kỷ niệm. Tôi nói bà xã khi tôi chết thì hai cái này phải theo tôi”, ông tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.