Việc mở đường bay TP.HCM - Manila đã khó nhưng việc duy trì đường bay những năm đầu còn khó gấp bội. Johnathan Hạnh Nguyễn nhận lệnh phải giữ đường bay bằng bất cứ giá nào và ông không chỉ hoàn thành nhiệm vụ này mà còn “giữ được mình”.
Gia đình Johnathan Hạnh Nguyễn góp tiền xây dựng bia tưởng niệm tại đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) - Ảnh: T.L
|
Johnathan Hạnh Nguyễn nhớ lại, ngày đầu trở về nước vào dịp Tết 1985 sau 10 năm sang Mỹ du học, định cư, ông không chỉ đối mặt với việc bị nghi ngờ là “người của Mỹ” mà còn bị ám ảnh bởi căn bệnh sốt xuất huyết hành hạ 2 đứa con của ông thập tử nhất sinh.
“Chà chanh” trị bệnh sốt xuất huyết
Rời ngôi nhà đầy muỗi và ám bụi than của gia đình ở Sài Gòn sau 2 ngày tá túc khi mới đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Johnathan Hạnh Nguyễn đưa bà Cristina và Henry (lúc đó mới 4 tuổi) và Louis (2 tuổi) về nhà nội ở Nha Trang.
Xuất phát từ sáng sớm nhưng đến 10 giờ tối mới đến nơi. Nhưng vừa đến nhà ở Nha Trang, chưa kịp ăn uống gì ông đã phải tức tốc đưa 2 con vào bệnh viện, chúng đã sốt cao, mệt lả trên đường về. “Lúc này mắt, mũi, răng mấy đứa nhỏ bị chảy máu; đi ngoài cũng ra máu đen thui. Ở bệnh viện có bác sĩ quen với gia đình, tên Thiệt, sau khi thăm khám thì nói các cháu bị sốt xuất huyết nặng quá rồi. Ở đây với giai đoạn cuối như vậy có 65% trẻ bị tử vong”, Johnathan Hạnh Nguyễn kể lại và bảo rằng lúc đó ông “lạnh sống lưng” vì ở Philippines cũng có bệnh sốt xuất huyết nhưng tỷ lệ tử vong không đến mức cao khủng khiếp như vậy.
“Tiếp tục sốt cao, hai đứa tối hôm đó cứ nằm há miệng. Do thiếu thuốc nên bác sĩ cũng đành bó tay. Anh Thiệt bảo giờ chỉ còn cách lấy chanh chà liên tục vào người cháu. Nếu đến sáng mai mà cháu hạ nhiệt được thì có cơ hội sống. Còn chưa thì khó tiên lượng được. Người nhà liền chạy đi tìm mua mấy bịch chanh tươi, cắt đầy hai cái thau. Tôi chà liên tục, liên tục mà mấy đứa nhỏ đều không phản ứng gì. Nó nằm mê man như sắp chết rồi. Lúc đó mọi người hoảng cả lên. Mỗi tích tắc trôi qua, tôi như chết lặng khi nhìn hơi thở của con yếu dần. Ngay lúc đó tôi thấy ân hận. Tại sao bên kia sung sướng vậy mà giờ dẫn hai thằng nhỏ về thì cả hai thằng đều bị sốt xuất huyết cả. Mình chỉ dẫn về thăm nhà thôi mà...”, ông đã không thể cầm được nước mắt khi kể lại với chúng tôi câu chuyện sinh tử của con mình khi ấy.
Suốt đêm hôm đó ông và người nhà thay phiên nhau liên tục chà chanh. Cũng nhờ sự tận tình cứu chữa của bác sĩ và y tá, điều kỳ diệu đã xảy ra. Hai con ông sáng hôm sau dần hạ sốt và vượt qua được cái chết.
Vì hàng triệu đứa bé…
Cũng từ lần trở về này, với sự tin tưởng của lãnh đạo cấp cao, Johnathan Hạnh Nguyễn đã nhận lời tham gia vào việc mở đường bay TP.HCM - Manila. “Tại sao tôi nhận lời? Hai đứa nhỏ thoát chết rồi. Con mình bị bệnh mình còn đau xót như vậy nhưng chưa chết thì mình đã muốn tự tử rồi, huống chi hàng triệu đứa bé còn lại và hàng ngàn đứa bé đã mất rồi... Trong tâm tôi nó nổi lên một cái gì đó rất khó tả”, ông chia sẻ.
Ông nhớ lại chỉ đạo từ trong nước khi mở được đường bay là phải bay liền. Tuy Tổng thống Marcos ngày 4.9.1985 đã ký duyệt nhưng để máy bay Vietnam Airlines đáp được xuống thủ đô Manila phải trải qua hàng chục thủ tục khác với tất cả hơn 18 con dấu, chữ ký của các cơ quan chức năng Philippines như ngoại giao, quốc phòng, hàng không... Để hồ sơ qua hết “các cửa” đó phải mất hơn 1 tháng. Không thể chờ đợi lâu, ông trực tiếp đi xin chữ ký lãnh đạo từng cơ quan và hoàn tất hồ sơ chỉ trong vòng 4 ngày. Nắm được trong tay giấy phép mở đường bay mới, đã “bung” được thêm cánh cửa ra rồi nhưng ông nói việc giữ cánh cửa ấy không hề đơn giản.
Vấn đề giao thương kinh tế, tham quan du lịch lúc đó còn nhiều hạn chế. Nguồn khách từ bên ngoài vào VN và ngược lại rất ít ỏi. Ông kể, xin visa nhập cảnh vào VN thường mất đến 60 ngày, xuất cảnh phải đợi chờ đến 6 tháng. Chở được đoàn khách đi du lịch trên các chuyến bay là chuyện vô cùng hiếm hoi. Thời gian đầu bị thua lỗ lên đến 5 triệu USD vì chuyến vào chở hàng hóa, còn chuyến ra thì... trống trơn.
Những nỗ lực của cá nhân ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã được đền đáp. Trong năm 2012, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hữu nghị, được Chủ tịch Hạ viện Philippines ra Nghị quyết ghi nhận và tôn vinh những đóng góp quan trọng của cá nhân ông cho việc mở đường bay Manila - TP.HCM. Còn theo nguyên Đại sứ VN tại Philippines Nguyễn Vũ Tú thì: “Những đóng góp của anh về ý tưởng và vật chất, dù rất có ý nghĩa nhưng cũng không bao giờ to lớn bằng tấm lòng anh, một người con của quê hương VN”.
Khi được hỏi nếu được lựa chọn lại, sẽ lựa chọn cuộc sống ở Mỹ hay về VN, Johnathan Hạnh Nguyễn nói: “Nếu 30 năm trước khi mang con về mà tôi biết trước con sẽ bị sốt xuất huyết, cái chết treo lơ lửng trên đầu, chắc chắn tôi không mang mấy đứa nhỏ về. Nhưng trong cái rủi nó lại đẻ ra cái may. Cái may này không chỉ là may cho riêng gia đình tôi. Có thể nhiều người không trải qua những cái mà 30 năm nay tôi mới nói ra. Cá nhân tôi luôn trân quý những giá trị của hòa bình và đổi mới, vì nhờ đó chúng ta mới có điều kiện hàn gắn, vượt qua khó khăn”.
Tiến ra Phú Quốc
Đầu năm nay, Johnathan Hạnh Nguyễn đã chính thức gửi đề nghị tới Bộ GTVT xin thí điểm nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc. Ông giải thích: “Làm để có chút gì đó đóng góp cho xã hội. Mình làm những gì là thế mạnh của mình, mình am hiểu được. Ôm đồm đâu có tốt. Tôi đã sống 30 năm với ngành hàng không, tôi biết khuyết điểm gì nếu là một doanh nghiệp nhà nước đầu tư. Tôi biết việc gì tôi cần phải làm”.
Trên thực tế, Tập đoàn IPP do ông làm chủ tịch cũng chính là nhà cung cấp hàng hóa miễn thuế đầu tiên tại nhiều sân bay và trên các chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines; cũng như tiên phong xây dựng hệ thống siêu thị miễn thuế tại các cửa khẩu biên giới VN với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Bình luận (0)