Karaoke xóm: Lời ca vang vọng, mạng người ra đi cùng tình nghĩa hàng xóm

Hoài Nhân
Hoài Nhân
28/04/2019 09:34 GMT+7

Lại là chiếc loa kẹo kéo, lại là câu chuyện karaoke khiến người vui vì thêm náo nhiệt, nhưng cũng khiến không ít người khổ vì bị tra tấn. Án mạng xảy ra. Một người mất đi, hai người tù tội. Tình làng nghĩa xóm nát tan.

Án mạng từ chiếc loa kẹo kéo

Chiếc xe chở ông Tâm và các con dừng ở tòa lúc 7 giờ 30 sáng. Khởi hành từ lúc trời còn tờ mờ, chiếc xe chở gia đình từ xóm nghèo ven biển Cần Giờ, vượt quãng đường dài đi tìm công lý.
Chuyến xe không có vợ ông Tâm. Bà tuổi cao, mắt kém, ngồi xe chẳng nổi, vả lại còn phải ở nhà chăm 2 đứa cháu nội con của Tùng (bị hại, con trai ông). Chuyến xe cũng chẳng có Tùng. Anh giờ chỉ còn là tấm di ảnh ở nhà, sau trận hỗn chiến kinh hoàng ngày Tết Đoan Ngọ.
Bách và Chiến nhận tội trong phiên tòa HOÀI NHÂN
Người thân Tùng vẫn chưa hết bàng hoàng từ cái chết của anh HOÀI NHÂN
4 phiên tòa dai dẳng, vẫn chưa kết thúc được câu chuyện tội ác của Bách (31 tuổi) và Chiến (33 tuổi), hai bị cáo đã gây ra cái chết của Tâm. Nhiều người liên quan được triệu tập, bao gồm Mai “em”, Mai “chị” (biệt danh để phân biệt hai chị em ruột có họ tên trùng nhau) là vợ của Bách và Chiến; các anh chị em của Tùng;… Tất cả đều là hàng xóm sống gần nhà nhau.
Thằng em tôi hiền lắm, sống tình nghĩa với anh em. Nó có hiếu với ba mẹ, thương con cái, chịu khó làm lụng kiếm tiền. Đùng một cái…

Anh trai Tùng

Tình làng nghĩa xóm tan nát chỉ trong một đêm. Nhân ngày Tết nửa năm có người thân về chơi, anh chị em trong nhà Tùng bèn tổ chức ăn uống trước nhà. Rượu vào lời… ca ra, một người bạn của Tùng nổi hứng vác chiếc loa kẹo kéo sang cho cuộc vui thêm náo nhiệt. Mãi đến gần khuya, những tiếng hát vẫn còn lè nhè khiến Bách và Chiến ở gần đó tỏ ra bực dọc, nên tìm sang yêu cầu tắt đi.
Những tiếng văng tục giữa hai bên bắt đầu át cả tiếng karaoke trong con xóm nhỏ. Bách và Tùng bắt đầu lao vào đánh nhau. Cuộc hỗn chiến diễn ra giữa hai bên. Kẻ đánh, người can. Khi Tùng bị Bách vật xuống và bóp cổ, vợ chồng Chiến và Mai “em” còn đánh liên tục vào đầu nạn nhân.
Ngay khi Bách vừa bị một người anh của Tùng ôm lại can ngăn, thì Chiến đã chụp lấy một khúc tre đánh mạnh vào cổ Tùng. Tùng nôn thốc nôn tháo và giãy giụa dữ dội vì thức ăn trào ra miệng và mũi, sau đó thì tử vong vì ngạt thở.
Người thân Bách và Chiến cố nhìn hai bị cáo đang ngồi bên trong phòng xử HOÀI NHÂN
Nhóm người quen của Bách và Chiến cầm hung khí đuổi theo xe chở Tùng đến tận cổng bệnh viện Cần Giờ. Tùng được người thân tức tốc đưa đi cấp cứu, nhưng con xóm đêm vẫn tiếp tục ầm ĩ. Bàn nhậu đổ nát, nhà cửa anh em Tùng bị đập phá tan hoang. Mẹ của Mai “chị, Mai “em” còn xộc vào nhà Tùng, xốc cổ con trai anh dậy và hét lớn vào mặt đứa trẻ: “Cho mày đi theo thằng cha mày luôn”. Thằng bé chỉ mới 12 tuổi, sợ sệt tỉnh giấc, chẳng biết mình đã làm sai chuyện gì.
Cạnh đó, chiếc loa kẹo kéo - nguồn cơn của sự việc - nằm lăn lóc, lặng im…

Những phiên tòa dai dẳng...

Nửa đêm, ông Tâm bàng hoàng khi nhận cuộc gọi báo tin dữ. Ông chỉ kịp nghe mấy chữ “thằng Tùng chết rồi ba”, rồi lỗ tai lùng bùng, chẳng còn biết gì thêm…
Tôi mới lên thăm tụi nó mấy bữa trước, rồi trở về quê. Chiều mùng 4, tôi còn gọi hỏi tụi con đi mần về chưa. Tụi nó nói “tụi con mới về, chút ăn uống mừng Tết nè ba”. Tôi dặn dò có uống thì ít ít thôi. Tự nhiên khuya đó, tụi nó gọi về nói… thằng Tùng chết rồi…

Ông Tâm

Sống ở cái xứ Bạc Liêu có “công tử đốt tiền như giấy”, nhưng đâu phải ai cũng giàu. Cái nghèo vây lấy gia đình ông suốt bao nhiêu năm. Những đứa con lần lượt ra đời, nhưng đều bỏ xứ đi làm ăn đâu đó, thỉnh thoảng mới về thăm ông bà. Thấy cái nghề cào nghêu, bắt ốc ở Cần Giờ cũng dễ sống, cả 5 anh em Tùng cùng vợ con mới kéo về dựng chòi trong một xóm nhỏ ven biển, nương nhau mà sống cũng đã mười mấy năm nay.
Ấy mà chỉ vì vài tiếng karaoke, Tùng đã vĩnh viễn lặng im. Ông Tâm và vợ tức tốc lên đường trong đêm. Bao nhiêu năm sống với cái nghèo, nhưng chẳng khó chịu bằng quãng thời gian chờ đợi nhìn con lần cuối. Bao nhiêu căn bệnh trong người ở ngưỡng tuổi 70, nhưng chẳng khiến ông bà đớn đau bằng mất mát đêm hôm ấy…
Xót xa bao trùm lên xóm nhỏ. Hai chị em Mai, có tấm chồng mà chẳng được nương nhờ, giờ đây phải cùng vào tù ra khám thăm nuôi Bách và Chiến. Nhưng dẫu sao, họ vẫn còn hy vọng chờ đợi ngày chồng trở về, nếu luật pháp xem xét khoan hồng.
Còn vợ Tùng, đã vĩnh viễn mất đi người đàn ông trụ cột gia đình. Cô đổ sụp trong một khoảng thời gian rất dài, không biết làm gì ngoài khóc, từ ngày đeo khăn tang cho đến tận những phiên tòa. Cô nói, nếu không có 2 con thơ, chắc cô không gắng gượng đứng dậy được nữa… Chúng đâu có tội. Chúng còn tương lai.
Anh trai Tùng vẫn chưa hết đau xót về sự ra đi của em HOÀI NHÂN
Ông Tâm và con rể mệt mỏi ngồi chờ đợi phiên xử ngày 26.4. Cuối cùng phiên xử bị hoãn HOÀI NHÂN
Gia đình Tùng thất thểu rời tòa. 5 phiên tòa là 5 chuyến xe thuê từ Cần Giờ vào thành phố HOÀI NHÂN
Tai họa ập xuống gia đình, mà còn chẳng chịu dừng. Chẳng lâu sau đám tang, con trai Tùng trên đường đi học về gặp tai nạn xe gãy cả hai chân. Những phiên xử lại dai dẳng. Tình tiết hỗn loạn, lời khai bất nhất, tội danh Bách và Chiến nhiều lần bị thay đổi. Mỗi chuyến xe thuê ngốn hơn 1 triệu đồng, ngốn cả thời gian, công sức của những người lao động nghèo vùng biển. Cái khổ chồng cái khó, khốn đốn một gia đình.
Nhà ở sát bên, dù gì cũng tình làng nghĩa xóm, sao phải chém giết nhau? Các bị cáo có thế nào cũng còn trở về với gia đình. Còn con người ta chết đi là không bao giờ về nữa. Chấp nhận bồi thường chỉ là thể hiện một phần sự ăn năn, chứ mạng người bao nhiêu là đủ!

Thẩm phán

Phiên xử thứ 4, tòa nhiều lần hỏi (thậm chí gợi ý) ông Tâm về vấn đề bồi thường. Nhưng cũng nhiều lần, ông hạ giọng: “Ngoài chi phí mai táng, tôi chẳng đòi hỏi gì cả… Con tôi chết rồi, tiền làm gì, có sống lại được đâu?”. Vợ Tùng cũng bất lực, chỉ nói về một khoản phụ cấp rất nhỏ để nuôi dưỡng 2 con. Bên ngoài phòng xử, chị nghẹn ngào: “Tiền tôi ráng làm lụng sẽ kiếm được, còn ảnh kiếm ở đâu! Không phải không cần tiền, nhưng tôi cần chồng hơn, con tôi cần cha hơn…”.
Phiên xử thứ 5, ngày 26.4.2019, tòa hẹn sẽ tuyên án. Chuyến xe dài lại khởi hành từ 5 giờ sáng, chở một gia đình đi nhìn công lý được thực thi cho Tùng. Ròng rã một buổi sáng chờ đợi, đại diện Viện Kiểm sát vắng mặt không lý do, phiên tòa phải hoãn. Chủ tọa nói chuyện bên lề, thông báo với gia đình vụ án sẽ còn phải điều tra, xét xử thêm. Tất cả thở dài.
“Lễ 30.4 năm nay lại nghỉ dài, lại phải chờ rất lâu mới xử tiếp. Ngày xưa, mấy chục năm tôi ở chiến trường, đội bom đội đạn. Tất cả qua rồi, ai ngờ giờ lại đi chiến đấu tiếp, tìm công bằng cho thằng Tùng nó an lòng. Chỉ mong pháp luật xử đúng người, đúng tội. Chứ tôi thấy mình hết sức rồi…”, ông Tâm nói bằng vẻ tuyệt vọng, trước khi rời tòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.