Hãng AFP đưa tin ủy ban bầu cử Kazakhstan ngày 7.10 cho biết số phiếu tán thành đạt hơn 71% trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 6.10, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 63,6%. Kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân được đưa ra trong bối cảnh Kazakhstan thiếu nguồn cung điện và muốn giảm phụ thuộc vào than đá. Quốc gia Trung Á này đang là nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới và có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết đây sẽ là dự án lớn nhất trong lịch sử nước này kể từ khi giành độc lập. Đài DW ngày 6.10 cho hay Trung Quốc, Pháp, Nga và Hàn Quốc là những bên đã tham gia đấu thầu nhằm giành quyền xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Trong ngày 6.10, ông Tokayev cho biết bản thân thích "một tập toàn quốc tế với các công ty toàn cầu, được trang bị công nghệ tiên tiến. Nhà máy sẽ được đặt tại bờ hồ Balkhash, gần làng Ulken vốn gần như đã bị bỏ hoang. Nội các Kazakhstan ước tính chi phí xây nhà máy sẽ khoảng 10 - 12 tỉ USD.
Để tăng tỷ lệ cử tri bỏ phiếu, chính quyền đã cho phép người dân Kazakhstan tham gia trưng cầu dân ý ngay cả khi họ không có tên trong danh sách bầu cử. Các chuyến xe buýt tại những thành phố lớn cũng được miễn phí trong ngày 6.10 để tạo điều kiện người dân đi đến điểm bỏ phiếu.
"Cuộc trưng cầu dân ý là bằng chứng cho những thay đổi to lớn đã diễn ra ở Kazakhstan trong 5 năm qua, một biểu hiện rõ ràng mới của khái niệm về một nhà nước lắng nghe", Tổng thống Tokayev, người nhậm chức từ năm 2019, phát biểu trước cuộc bỏ phiếu.
Năng lượng hạt nhân là vấn đề nhạy cảm với Kazakhstan, quốc gia từng thuộc Liên Xô.
Bình luận (0)