Kể chuyện công trình kiến trúc ở TP.HCM bằng tranh ký họa

11/12/2022 13:30 GMT+7

Từ đam mê kiến trúc, hội họa nhiều bạn trẻ đang là kiến trúc sư, họa sĩ trẻ, sinh viên đã vẽ nên những bức tranh ký họa về các công trình kiến trúc cổ ở TP.HCM với mục đích lưu giữ lại di sản cho thế hệ trẻ.

Gần 40 bức tranh ký họa các công trình kiến trúc cổ lẫn hiện đại đã được trưng bày trong không gian mở ở Bưu điện TP.HCM. Đây là những bức tranh của các kiến trúc sư, họa sĩ trẻ và các sinh viên yêu thích vẽ tranh góp mặt tại đây. Buổi trưng bày nhận được sự quan tâm nhiều từ các bạn trẻ khi xuống phố dạo chơi ngày cuối tuần.

Các bức tranh hầu như được vẽ về cuộc sống, các công trình kiến trúc ở TP.HCM

Những bức tranh được đặt trước khuôn viên Bưu điện TP.HCM mà bất cứ bạn trẻ nào cũng có thể tìm đến

Có gần 10 bức tranh ký họa ở lần trưng bày này, Phan Đình Trung (27 tuổi, kiến trúc sư Công ty kiến trúc Lava) cho biết đã tham gia vẽ tranh ký họa đường phố từ năm 2017. Sau đó, vẽ ký họa bắt đầu trở thành trào lưu mới với các bạn trẻ mê hội họa. Trung từng tham gia nhiều nhóm, đi nhiều nơi để vẽ lại những công trình kiến trúc cổ hoặc hiện đại. Ngoài ra, vẽ ký họa đường phố cũng giúp cho công việc kiến trúc của Trung trở nên thuận lợi, có nhiều góc nhìn về kiến trúc của TP.HCM hơn.

“Vẽ ký họa đường phố tôi được trực tiếp ra bên ngoài, ghi lại những nơi mình thích thông qua nét vẽ, kể lại cuộc sống của người dân địa phương. Thậm chí những lúc tôi vẽ họ rồi tặng lại cho họ bức hình mình vẽ”, Trung nói.

Nói thêm về tranh ký họa, Trung cho hay ký họa có nhiều loại như: công trình, chân dung, đường phố, chi tiết… Về những công trình kiến trúc cổ, đây cũng là một thể loại Trung rất thích. Bởi vì nó có giá trị về di sản, những ký ức của người dân từ bao đời, nó là hồn và trái tim đô thị. Do đó, là một người trẻ Trung muốn lưu giữ lại nó để những người trẻ khác hiểu hơn về nơi mình sống.

Bức tranh một góc Nhà thờ Đức bà đen trắng

Góc cầu Khánh Hội nhìn vào trung tâm Thành phố (nối Q.4 và Q.1)

Một góc Nhà thờ Cha Tam (Q.5)

Khu vực Nhà hát Thành phố (Q.1)

Tranh vẽ trung tâm TP.HCM của một kiến trúc sư trẻ

Trong bức tranh mà Trung mang đến trưng bày hôm nay cậu lại thích nhất bức tranh trắng đen về một góc đường Nguyễn Siêu (Q.1) nhìn ra các tòa nhà cao tầng. Bởi theo Trung đây là bức ảnh vẽ vào dịp giao thừa khi cùng nhóm bạn đến trung tâm Q.1 để đón tết. Ngoài ra, Trung còn vẽ những bức tranh về Bưu điện TP.HCM vào ban đêm, khi nhóm bạn tìm đến vui chơi.

Cũng thường xuyên vẽ ký họa đô thị, Nguyễn Thành Đức, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chia sẻ đây là cách để những người trẻ bảo tồn di sản bằng những bức tranh.

Bạn trẻ thích thú bởi hoạt động này

Kiến trúc sư trẻ Ngô Quang Hiếu thuyết trình về những bức ký họa

Càng về trưa nơi đây càng thu hút nhiều bạn trẻ đến đông hơn

Một không gian mở như thế này đang là nhu cầu của người trẻ TP.HCM hiện nay

Thành Đức cũng từng lân la vẽ nhiều nơi ở TP.HCM, tuy nhiên Thành lại thích vẽ ở khu vực Q.5 vì nơi đây hội đủ yếu tố chuỗi công trình cổ, đông dân và tập trung nhiều di sản bảo tồn.

“Nơi tôi thích vẽ nhất là đường Phùng Hưng vì nơi đây có khung cảnh Sài Gòn rất xưa, nhiều công trình của người Hoa, Pháp tạo cảm xúc cho tôi khi vẽ lại các công trình kiến trúc cổ này", Đức bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.