Kể chuyện đánh B52: Anh nuôi đánh B52

07/12/2012 03:20 GMT+7

Góp phần quan trọng để bắn rơi B52 trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội có một anh nuôi quân tên Nguyễn Văn Đức, thuộc Tiểu đoàn 77 bộ đội tên lửa, đóng ở Chèm.

Từ vị trí nuôi quân

Cánh lính trẻ của Tiểu đoàn 77 đặt cho Đức cái tên “anh nuôi vui tính”. Chả là, miệng anh hơi hô nên lúc nào cũng như thấy anh cười. Mà tính Đức thì cũng xởi lởi, luôn hòa đồng với anh em. Nhưng khi cần sự quyết liệt trong lúc “ấn nút” tên lửa thì Nguyễn Văn Đức lại là tay cừ khôi.

Đến giờ, ông Đức vẫn luôn thẹn thò mỗi khi đứng cạnh “thủ trưởng” cũ, y như cái thời lửa cháy cơm sôi thuở nuôi quân: “Suốt đời tôi không quên ơn thủ trưởng Văn đây. Không có anh ấy, tôi làm sao được như thế này!”. Hỏi “được” gì? Ông nói: “Trung tá, phó trung đoàn trưởng kiêm tham mưu trưởng trước khi về hưu năm 1991”. Còn ông Văn thì giải thích: “Cậu Đức nguyên là lính trắc thủ, mà trắc thủ thì “hết khung” cũng chỉ thượng sĩ… già rồi xuất ngũ thôi. Thấy cậu ấy lanh lợi, tôi buộc phải đưa ra quyết định là cho Đức “đi đường vòng”, chuyển sang làm quản lý nuôi quân, chờ cơ hội. Có như vậy mới “phát triển” được”.

Kể chuyện đánh B52: Anh nuôi đánh B52 
Công việc hằng ngày hiện nay của ông Đức - Ảnh: Trần Đăng

Ông Văn là vị tiểu đoàn trưởng rất nhân hậu và khá tinh tường trong cách dùng người. Việc “xé rào” như thế phải là người có bản lĩnh và biết nhìn xa. Thấy cậu lính của mình “có thể phát triển” mà cứ ở vị trí trắc thủ hoài, ông Văn họp ban chỉ huy tiểu đoàn và đề nghị đưa Đức qua làm quản lý và chờ thời cơ. Rồi “thời cơ” cũng đã đến. Ấy là khi B52 chuẩn bị đánh vào Hà Nội.

Trở thành sĩ quan điều khiển

Khi chiến dịch đánh B52 bắt đầu, ông Văn mới lấy “quân bài tủ” của mình là Nguyễn Văn Đức, rút anh lên làm sĩ quan điều khiển, một vị trí rất quan trọng, chỉ đứng sau vai trò của tiểu đoàn trưởng mà thôi. Tiểu đoàn có hàng trăm người nhưng để phóng được quả tên lửa trúng mục tiêu thì chỉ có 5 người quan trọng nhất: tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển và 3 trắc thủ. Ở vị trí sĩ quan điều khiển lại phải có 3 người, một chính thức và 2 dự bị. Nguyễn Văn Đức bao giờ cũng được “đá chính” suốt 12 ngày đêm. Tiểu đoàn 77 diệt được chiếc B52 ngay trong đêm 18.12, có công của Đức rất lớn. Khẩu lệnh “vạch nhiễu tìm thù” được Đức áp dụng rất linh hoạt. “Xác định được đâu là nhiễu giả, đâu là máy bay thật, điều đó rất quan trọng, nó quyết định đến thời khắc ấn nút tên lửa. Một khi đã biết đích xác là “hắn” rồi thì báo cáo với tiểu đoàn trưởng để ông đưa ra quyết định cuối cùng. Mà tất tật các công đoạn ấy chỉ diễn ra chưa đến… 10 giây! Vì vậy, làm anh sĩ quan điều khiển, lúc nào mắt cũng căng ra, vì chỉ cần “bé cái nhầm” là coi như quả tên lửa của mình làm mỗi việc là “vuốt đuôi” B52 mà thôi”, ông Đức giải thích.

Câu chuyện “bắn B52 như bắn chim bằng ná cao su” mà ông Đinh Thế Văn từng nói ấy, Nguyễn Văn Đức cũng đã đóng góp những ý kiến rất xác thực vào cách đánh này.

Và bây giờ âu yếm giục trâu đi

Nhìn cái dáng “giục trâu đi” và ngồi nhả khói thuốc lào mù mịt của Nguyễn Văn Đức bây giờ, khó mà tin rằng lão nông 65 tuổi này từng là sĩ quan điều khiển, có thời cũng “hét ra lửa”, giọng vang vang khắp trận địa mỗi khi B52 bắt đầu vào “tầm ngắm”. Trộm vía, giả dụ có gã phi công Mỹ nào từng bị Nguyễn Văn Đức và đồng đội ông bắn rơi trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội mà ghé Hải Dương tìm ông Đức, khi giới thiệu đây chính là người từng hô khẩu lệnh “bắn” từ 40 năm trước, chắc là gã phải mắt tròn mắt dẹt!

Bà Đậu Thị Thủy, vợ ông Đức, nhìn chồng rồi mắng yêu: “Coi vậy chứ gan lắm đó chú em. Dạo 12 ngày đêm năm 72 ấy, cả nhà tưởng anh hy sinh rồi. Thấy báo đăng ảnh anh Đức, cả xóm chuyền tay nhau xem. Ai cũng bảo đăng báo thế này, chắc là tiêu rồi. Hy sinh rồi nên mới được biểu dương như thế. Làng có anh Vũ Xuân Vít, cũng lính tên lửa về thăm nhà, mang theo cân đường, bảo của thằng Đức gửi cho vợ, tôi càng nghi. Xong 12 ngày đêm lâu lắc rồi mà chả thấy về, không nghi sao được. Hồi đó có di động như bây giờ đâu mà a lô!”.

Chiều 30 tết năm đó, Đức đột ngột về làng. Cả nhà mừng hụt hơi. Vì anh là con liệt sĩ, lại là con trai duy nhất trong nhà, xung phong đi lính chứ chả ai buộc phải đi cả. Chị Thủy cũng vừa trở dạ, sinh được thằng cu, anh Đức đặt tên luôn cho con là Nguyễn Văn Bình, hòa bình rồi mà. Ăn chưa hết cặp bánh chưng, sáng mùng 2 tết, Đức lại trở về đơn vị. Rồi anh đi một mạch, lên đến cấp hàm trung tá, phó trung đoàn trưởng mới chịu “trả súng cho quân đội”. Tưởng thế đã yên, Đức về hưu năm 44 tuổi, thấy còn trẻ quá, xã lại giao trọng trách Bí thư Đảng ủy suốt hai nhiệm kỳ! “Tôi mới “nghỉ” được vài năm nay thôi, mà cũng chả nghỉ được, ruộng đồng nó lại giục mình cày cuốc. Cách nhà ông Văn có một đoạn đường mà hơn chục năm nay mới gặp lại anh ấy đây. Thôi, giờ mình nói chuyện khác đi, nhắc đến hai chữ tên lửa với B52, tai tôi còn ù đây này!”. Ông Đức phân bua với chúng tôi.

Nói đoạn, ông vớ lấy chiếc điếu cày lúc nào cũng giắt bên lưng, tay tra thuốc lào vào nõ, trông rất chuyên nghiệp, tay kia bật hộp quẹt châm vào đóm. Ông rít một hơi rõ dài rồi nhả lên trời một luồng khói trắng. Ông Văn nhìn “thằng em” phả khói thuốc mịt mù, nói: “Tao thấy nó giống ống khói của đuôi tên lửa quá mày?”. Ông Đức cười khà: “Em đã nói bác rồi, đừng có nhắc đến tên lửa với B52 nữa mà. Bác có vẻ như còn lưu luyến chuyện đánh đấm, nhẩy?”. Ông Văn hạ thấp giọng: “Quên làm sao được em ơi! Bữa nào lên Đào Thục, anh cho xem rối nước đánh B52, hâm lại cho nhớ nhé”. Ông Đức lại nhỏ nhẹ, như nói cho chính ông nghe: “Ừ, quên làm sao được những ngày rực đỏ trời đêm Hà Nội ấy”.

Trần Đăng

>> Kể chuyện đánh B52 - "Sổ đỏ"
>> Kể chuyện đánh B52: Rối nước cũng “tham chiến”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.