(TNO) Kế hoạch cải cách quân đội Trung Quốc mà điểm nhấn là cắt giảm 300.000 quân của Chủ tịch Tập Cận Bình đang gặp phải làn sóng phản đối từ các sĩ quan và binh lính, Reuters ngày 22.9 cho biết.
Trong quân đội Trung Quốc đã có những ý kiến phản đối kế hoạch cải cách của ông Tập Cận Bình - Ảnh minh họa: Reuters |
Hôm 3.9, trong buổi duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ cắt giảm 300.000 quân, tương đương 13% của lực lượng gồm khoảng 2,3 triệu quân. Việc cắt giảm quân số của đội quân được xem là lớn nhất thế giới này nhằm mục tiêu phát triển lực lượng hải quân và không quân, đáp ứng yêu cầu quân sự của Bắc Kinh tác chiến ở Biển Đông và Hoa Đông.
Một quan chức chính phủ nói với Reuters rằng quyết định cắt giảm quân của ông Tập quá vội vàng và chưa được tham vấn nhiều từ bên ngoài Quân ủy trung ương.
“Nó quá đột ngột, nhiều người lo lắng về quyết định này, nhiều sĩ quan sẽ phải mất việc, cuộc sống lung lay. Sẽ rất khó khăn cho binh lính”, quan chức chính phủ không muốn nêu tên này nói.
Việc cắt giảm quân đội lần thứ tư kể từ năm 1980 mà theo kế hoạch sẽ kết thúc vào năm 2017 xảy ra trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc, dù ngân sách quốc phòng không hề giảm. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2015 tăng hơn 10% so với năm 2014, tức lên gần 140 tỉ USD, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Reuters cho biết Trung Quốc đối mặt với sự chống đối của lính giải ngũ, những người gặp khó khăn trong tiếp nhận hỗ trợ tài chính hoặc khó tìm việc làm sau thời gian phục vụ trong quân đội.
Hồi tháng 6.2015, trước khi ông Tập tuyên bố cải cách đã có làn sóng chống đối liên quan đến “nồi cơm” của họ. Hàng ngàn cựu binh phản đối về trợ cấp lương hưu, theo Reuters. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc phủ nhận thông tin này. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng “đại đa số” sĩ quan, binh lính “kiên quyết ủng hộ quyết định quan trọng của đảng Cộng sản và Quân ủy trung ương và sẽ chấp hành mệnh lệnh”.
Quân đội Trung Quốc lung lay từ khi chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập bắt đầu nhắm vào các tướng lĩnh của quân đội. Hàng chục sĩ quan bị điều tra, trong đó có 2 cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương.
Một tuần sau cuộc duyệt binh, một tờ báo của quân đội nói rằng việc cắt giảm quân và cải cách quân đội mà ông Tập mong muốn đó là “đánh vào khu vực kiên cố” để thay đổi tư duy và loại trừ lợi ích nhóm đang bám rễ sâu vào quân đội. Tờ báo cũng cảnh báo kế hoạch của ông Tập sẽ rất khó khăn và cái khó khăn đó là “chưa từng có”, và nếu cải cách thất bại thì những giải pháp sắp tới sẽ “vô nghĩa không khác gì một trang giấy trắng”, theo Reuters.
Bình luận (0)