Kế hoạch kiểm soát Ấn Độ Dương của Trung Quốc

Khánh An
Khánh An
04/07/2021 13:30 GMT+7

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang muốn lập thêm căn cứ ở Đông Phi nhằm tăng cường kiểm soát Ấn Độ Dương và giải tỏa thế bế tắc ở eo biển Malacca.

Thông tin Tanzania sắp hồi phục dự án 10 tỉ USD tại thành phố Bagamoyo đang dấy lên nghi vấn rằng Trung Quốc, nhà đầu tư chính trong dự án, đang muốn gia tăng hiện diện ở bờ biển Đông Phi, củng cố mục tiêu chiến lược trong khu vực.

Nhất cử lưỡng tiện

Mục đích chính của cảng Bagamoyo là giảm tải tại cảng chính của Tanzania là Dar es Salaam, nằm cách đó 75 km về phía nam. Bagamoyo còn có thể trở thành cửa ngõ hàng hải cho láng giềng là Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia được xem là “mỏ vàng không giáp biển chưa khai phá lớn nhất thế giới”.
Song song đó, theo Nikkei Asia, cảng có thể phục vụ các mục đích không chỉ về thương mại mà còn có thể trở thành trung tâm sửa chữa tàu thuyền cho Hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và nhiều mục đích khác.
Trung Quốc thiết lập căn cứ đầu tiên ở hải ngoại tại Djibouti ở Bắc Phi vào năm 2017 và giới quan sát cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập thêm căn cứ nhằm củng cố sức mạnh trong khu vực.
Hôm 26.6, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan thông báo sẽ khởi động lại dự án cảng biển, vốn bị dừng do lo ngại về quá nhiều phiền phức liên quan nhu cầu sử dụng cơ sở này của Trung Quốc.

Tàu hàng neo đậu gần cảng Dar es Sallam ở Tanzania

Ảnh chụp màn hình Nikkei Asia

Theo chuyên gia Ấn Độ Dương Darshana Baruah thuộc chương trình Nam Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Mỹ), Đông Phi giúp Trung Quốc có cửa ngõ vào Ấn Độ Dương dễ dàng hơn các địa điểm khác ở eo biển Malacca.
Bà Baruah cho rằng nhiều nước quên việc châu Phi tiếp giáp Ấn Độ Dương. “Bất cứ nỗ lực nào trong việc xây cơ sở hay cảng biển ở Đông Ấn Độ Dương, dù là Myanmar, Sri Lanka, Maldives hay Pakistan, cũng sẽ vấp phải phản đối nhiều hơn so với châu Phi”, chuyên gia này phân tích.
Việc có thêm căn cứ hải quân thứ 2 ở Ấn Độ Dương ngoài Djibouti sẽ giúp giải quyết vấn đề eo biển Malacca, vấn đề từng được Bắc Kinh đề cập về việc lệ thuộc vào eo biển đông đúc nhất thế giới này.
Theo bà Baruah, nếu có gì xảy ra ở eo biển Malacca, Trung Quốc vẫn sẽ có thể tiếp tục các chiến dịch ở khu vực Ấn Độ Dương nếu có 2 căn cứ trở lên tại khu vực này.“Tôi không nói về chiến tranh mà về các xung đột, cạnh tranh có giới hạn”, bà giải thích thêm.

Không chỉ Ấn Độ Dương

Trong khi tập trung hàng hải nhiều vào khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc còn nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương, khi có mối quan hệ ngoại giao với tất cả 6 đảo quốc trong khu vực. Các đảo quốc này gồm Sri Lanka, Maldives, Mauritius, Seychelles, Madagascar và Comoros.

Trung Quốc mở rộng căn cứ hải quân ở châu Phi để hỗ trợ tàu sân bay

Trong khi đó, Mỹ có mối quan hệ với 3 nước là Sri Lanka, Mauritius, Madagascar và dự định thiết lập mối quan hệ với Maldives. Giới quan sát chỉ ra rằng các nước khác như Ấn Độ, Pháp và Anh cũng không có mối quan hệ với tất cả 6 đảo quốc trên.
Việc củng cố dấu ấn ở Đông Phi còn cho phép Trung Quốc chuẩn bị cho các tình huống như kênh đào Suez bị tắt nghẽn.
“Nếu có gì xảy ra cho kênh đào Suez, eo biển Mozambique sẽ nhanh chóng trở thành tuyến đường thay thế, vốn trước đây là tuyến hàng hải chính”, theo bà Baruah.
Eo biển rộng 400 km này nằm giữa Madagascar và Mozambique là tuyến hàng hải quan trọng ở Đông Phi.
Nhận định về khả năng Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đối với Tanzania, chuyên gia Lauren Johnston tại Đại học Adelaide (Úc) cho rằng với Bắc Kinh, Tanzania “đáng tin nhiều hơn so với Mozambique và Kenya vì 2 nước này dường như sẽ trở thành đối tác an ninh của phương Tây”.
 
  Cần “mở to mắt” nhìn Trung Quốc
Tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức hôm 22.6, tướng Stephen Townsend, chỉ huy Bộ tư lệnh châu Phi của Mỹ cảnh báo rằng các nước châu lục này cần nhìn rõ khi hợp tác với Trung Quốc. “Các nước này phải mở to mắt khi thiết lập các mối quan hệ đó. Tôi cho rằng có thể làm ăn với Trung Quốc, nhưng các bạn nên nắm rõ trò chơi và cần thấy rõ”, ông khuyến nghị. Cũng tại sự kiện trên, Phó Đô đốc hải quân Pháp Herve Blejean cảnh báo về ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc. “Trung Quốc đang hỗ trợ các nước, đáp ứng nhu cầu tức thời của họ nhưng giăng lưới bẫy và thiết lập các khế ước mà họ không bao giờ trả lại được”, ông cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.